Bình Chánh được xem là "vũng phèn chua” của TP.HCM. Tuy nhiên, gần đây, một số nông dân nơi đây chuyển sang nuôi cá kiểng, trong đó, có cá Koi với kết quả khá thành công. Và thành công nhất là mô hình nuôi cá Koi của anh Trần Ngọc Duy ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, anh Trần Ngọc Duy chia sẻ rằng ban đầu, anh từng nghĩ nuôi cá Koi trong ao phèn là một ý tưởng không khả thi. Tuy nhiên, nhiều người nuôi cá Koi giàu kinh nghiệm lại khẳng định rằng nuôi trong ao đất mới mang lại chất lượng tốt nhất cho loài "cá triệu đô" này.
Anh nông dân mỗi năm thu nửa tỷ nhờ nuôi loài "triệu đô" trong "vũng phèn chua". Ảnh: Dân Việt
Theo anh Duy, việc nuôi cá Koi về cơ bản cũng giống như nuôi cá thịt, chế độ chăm sóc không có nhiều khác biệt.
Tuy nhiên, cá Koi dễ mắc bệnh nấm và đường ruột vào đầu mùa mưa do nguồn nước không đảm bảo. Vì vậy, người nuôi cần chủ động đánh thuốc tăng đề kháng cho cá khoảng 1 tuần trước khi mùa mưa đến.
Khó khăn lớn nhất trong việc nuôi cá Koi là giai đoạn ương cá giống. Anh Duy cho biết tỷ lệ cá giống đạt yêu cầu để nuôi chỉ khoảng 30-40%.
Cá Koi giống sau khi nuôi khoảng 5 tháng sẽ được xuất bán. Người nuôi thường chọn bán những con nhỏ, xấu trước, giữ lại những con đẹp để nuôi tiếp, đạt kích thước lớn hơn cho lần bán sau.
Ao cá Koi của anh Duy. Ảnh: Dân Việt
Trung bình mỗi năm, anh Duy xuất bán được 2,5 tấn cá Koi. Với giá bán 200.000 đồng/kg, anh thu về khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm.
Nguồn gốc của cá Koi
Cá Koi có nguồn gốc từ Nhật Bản, cụ thể là vùng Niigata. Vào mùa đông, tuyết rơi dày đặc khiến các hoạt động nông nghiệp bị đình trệ. Người dân phải dự trữ lương thực, đặc biệt là cá và thịt. Họ nuôi cá chép trong các kênh rạch, cách xa ruộng lúa, để có thêm nguồn thực phẩm vào mùa thu. Tuy nhiên, một số cá chép có màu sắc đặc biệt đã được giữ lại để duy trì giống.
Vào thế kỷ 19, một số nông dân Nhật Bản bắt đầu lai tạo những con cá chép màu sắc này, tạo ra nhiều biến thể màu sắc đa dạng. Từ đó, cá Koi ra đời và nhanh chóng lan rộng khắp Nhật Bản, sau đó trở thành một thú chơi phổ biến trên toàn thế giới.
Tiêu chuẩn của hồ nuôi cá Koi
Cá Koi cùng họ với cá Chép nên ao hồ nuôi cần có độ sâu tối thiểu nửa mét, chiều dài ít nhất 2 mét và nhiệt độ nước lý tưởng từ 15 đến 25 độ C. Ngoài ra, môi trường sống của cá Koi cũng cần được quan tâm đặc biệt:
Bóng mát: Cần có bóng mát che phủ ít nhất 15% diện tích hồ, có thể bằng cách trồng cây xung quanh hoặc sử dụng mái che. Cá Koi phát triển tốt nhất khi có đủ ánh sáng và bóng râm.
Cá Koi được bắt nguồn từ Nhật Bản, cụ thể tại Niigata. Ảnh: cakoibienhoa.com
Oxy: Cá Koi cần lượng oxy lớn để phát triển. Hãy lắp đặt hệ thống lọc nước hoặc tạo dòng chảy để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cá.
Thảm thực vật: Rong rêu dưới hồ tạo môi trường tự nhiên cho cá Koi ẩn náu, đồng thời cung cấp oxy và một phần thức ăn cho chúng.
Thức ăn: Cám là nguồn thức ăn phổ biến và dễ tìm cho cá Koi tại Việt Nam. Cho cá ăn 2 lần/ngày với lượng vừa đủ, tránh dư thừa gây ô nhiễm nước.
Mật độ: Cá Koi sống theo đàn nên cần không gian đủ rộng. Mật độ quá dày đặc sẽ hạn chế sự phát triển của cá, gây thiếu oxy và dễ nhiễm bệnh. Nên duy trì khoảng 1000 lít nước cho mỗi con cá để đảm bảo môi trường sống tốt.
Nếu được chăm sóc đúng cách, cá Koi có thể sống tới 100 năm.