Gan nhiễm mỡ xảy ra khi một lượng lớn chất béo tích tụ trong gan, cản trở hoạt động của tế bào gan, từ đó gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, thủ phạm gây ra gan nhiễm mỡ không nhất thiết phải là thực phẩm giàu chất béo.
Khi bạn ăn các loại thực phẩm mà bạn cho là tốt cho sức khỏe không đúng cách cũng có thể tích tụ mỡ nội tạng. Ngoài ra, nghiên cứu của Mỹ còn cho thấy, khi lượng vitamin C trong cơ thể quá thấp thì nguy cơ phát triển gan nhiễm mỡ sẽ cao hơn.
VTC News dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) - Li Wanping chia sẻ trong chương trình sức khỏe có tên “Focus 2.0” về một bà nội trợ 60 tuổi không béo phì, rất chú ý đến sức khỏe. Bà nghe nói ăn đồ luộc, hấp sẽ lành mạnh hơn các kiểu chế biến khác nên thường xuyên hấp khoai lang, bí đỏ để ăn vào buổi sáng, trưa và tối.
Bà cho rằng, cách nấu nướng này đơn giản, tiện lợi lại vô cùng tốt cho sức khỏe, nên duy trì ăn đều đặn trong thời gian dài. Không ngờ sau một thời gian, bà đi khám bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ mức độ trung bình.
Ăn khoai lang rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên, ăn sai cách có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Ảnh minh hoạ.
Điều này khiến người phụ nữ vô vùng hoang mang. Bà không hiểu tại sao bản thân ăn uống lành mạnh mà lại có thể mắc bệnh được. Chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping phân tích rằng, khoai lang và bí đỏ đều thuộc nhóm thực phẩm chứa tinh bột. Việc hấp thụ quá nhiều tinh bột sẽ chuyển hóa thành chất béo trung tính và tích tụ trong các cơ quan của cơ thể, từ đó dễ hình thành bệnh gan nhiễm mỡ.
Hơn nữa, người phụ nữ này còn ăn hai loại thực phẩm này vào cả ba bữa sáng, trưa và tối trong thời gian dài khiến lượng protein nạp vào cơ thể không đủ, cơ thể bị thiếu dinh dưỡng. Chuyên gia Li Wanping nhắc nhở rằng, dù thực phẩm có tốt cho sức khỏe đến đâu thì vẫn cần phải cân bằng lượng nạp vào cơ thể, cân đối ăn thêm các thực phẩm khác nhằm đảm bảo đủ chất cho cơ thể và tránh bệnh tật.
Gan nhiễm mỡ không gây đau đớn, ngứa ngáy nhưng lại là sát thủ tiềm ẩn đối với sức khỏe. Zhang Zhenrong - bác sĩ nổi tiếng của khoa Gan mật và Tiêu hóa người Đài Loan (Trung Quốc) từng chia sẻ rằng, bệnh nhân gan nhiễm mỡ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 5%, điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và thậm chí còn liên quan đến ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư vú.
Ngoài việc chú ý đến lượng carbohydrate và chế độ ăn uống cân bằng, chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping chia sẻ về nghiên cứu của Mỹ phát hiện ra hàm lượng vitamin C trong cơ thể thấp thì tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ lại khá cao. Hàm lượng vitamin C càng cao sẽ giúp ức chế sự xuất hiện của gan nhiễm mỡ.
Một số loại trái cây và rau củ có chứa hàm lượng vitamin C dồi dào bạn có thể tham khảo như: ổi, kiwi, cam, chanh, dâu tây, ớt chuông, súp lơ xanh, mướp đắng.
1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, dựa trên thực vật và tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn chất béo tích tụ trong gan. Các yếu tố nguy cơ chính gây ra MASLD là béo phì và đái tháo đường, cả hai đều liên quan đến cân nặng.
Béo phì và đái tháo đường rất phổ biến ở các nước phát triển, có khoảng 30% người trưởng thành ở các nước phát triển mắc MASLD. Tuy nhiên, một số tổn thương này có thể phục hồi được nếu giảm cân.
Theo Trường Cao đẳng Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG), đối với người thừa cân hoặc béo phì, việc giảm 10% trọng lượng cơ thể sẽ có tác động tích cực đến gan.
2. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
Để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ liên quan đến MASLD, nên:
- Ăn chế độ ăn Địa Trung Hải, có nhiều chất béo, cá và rau lành mạnh, ít thịt đỏ...
- Hạn chế đường fructose trong thực phẩm chế biến sẵn, tránh đồ uống có đường.
- Tăng tiêu thụ chất béo không bão hòa đa omega-3 và chất béo không bão hòa đơn, bao gồm sử dụng dầu ô liu, ăn cá có dầu (như cá hồi, cá mòi...), 2-3 lần một tuần, đồng thời ăn các loại hạt và quả hạch hàng ngày.
- Tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ như ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đồng thời giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, như thức ăn nhanh, bánh mì thương mại và đồ ngọt…
3. Tập thể dục thường xuyên
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh Gan Hoa Kỳ, tập thể dục vừa phải giúp duy trì quá trình giảm cân theo thời gian, nhưng việc tăng cường tập thể dục sẽ giúp ích nhiều hơn nữa. Tập thể dục vẫn mang lại lợi ích đối với người bị gan nhiễm mỡ, ngay cả khi không giảm cân đáng kể.
Tập thể dục vừa phải thường được coi là 5 buổi tập mỗi tuần, mỗi buổi 30 phút, theo nhịp tim mục tiêu của bạn, với 10 phút khởi động và 5 phút hạ nhiệt.
Đối với người mới tập thể dục, hãy bắt đầu với thời gian ngắn hơn và cường độ thấp hơn rồi tăng dần cường độ và thời gian. Trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào để được hướng dẫn về mục tiêu tập, dựa trên tình trạng sức khỏe và thuốc men phù hợp.
4. Uống cà phê
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà phê có thể bảo vệ chống lại hội chứng chuyển hóa, có liên quan đến MASLD. Điều này là do tác dụng chống viêm hoặc do ức chế sự lắng đọng chất béo trong gan của cà phê. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng cả thí nghiệm trên động vật và người đều cho thấy tỷ lệ mắc MASLD thấp hơn ở những người uống cà phê.
5. Bổ sung chất chống oxy hóa
Vitamin E và C, cả hai đều là chất chống oxy hóa có thể giúp tăng cường sức khỏe gan. Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh Gan Hoa Kỳ khuyến nghị, 800 IU/ngày vitamin E cho những người không mắc bệnh đái tháo đường có MASH. Hiệu quả và độ an toàn của việc sử dụng vitamin E lâu dài chưa được đánh giá ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người không được xác nhận MASH trong sinh thiết.
Có ít nghiên cứu hỗ trợ vitamin C cho sức khỏe gan, nhưng một nghiên cứu năm 2013 tại Nhật Bản cho thấy dùng vitamin C và vitamin E cùng nhau giúp giảm thiểu tổn thương gan do MASH.
6. Hạn chế bổ sung đường
Thêm đường tinh luyện vào chế độ ăn uống sẽ bổ sung thêm calo mà không mang lại lợi ích dinh dưỡng. Lượng đường cao như fructose làm tăng các enzyme tạo ra chất béo trong gan.
Mặc dù fructose hiện diện tự nhiên trong trái cây nhưng hàm lượng fructose cao liên quan đến bệnh gan thường là do tiêu thụ nước ngọt có đường và các thực phẩm chế biến sẵn khác.
7. Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại nhất có thể
Tiếp xúc với chất độc (có trong hóa chất công nghiệp, một số loại thuốc và thậm chí cả thực phẩm…) có thể làm suy yếu chức năng gan, góp phần vào sự phát triển của gan nhiễm mỡ. Ngoài việc tránh xa các chất độc hại, hãy cân nhắc việc thải độc tố ra khỏi cơ thể bằng chế độ ăn kiêng "giải độc".
Tuy nhiên cần lưu ý, nhiều chế độ ăn kiêng giải độc theo mốt lại có hại, và chưa được chứng minh là có hiệu quả, thậm chí chúng có thể gây phản tác dụng hoặc nguy hiểm.
Nếu bạn muốn giải độc, hãy thử dành một tuần để thiết lập lại thói quen ăn uống của mình bằng cách chỉ ăn thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến, bao gồm nhiều trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, dầu lành mạnh, protein nạc, sữa ít béo.
Mặc dù một số loại thuốc có thể gây hại cho gan nhưng bạn không nên ngừng đột ngột bất kỳ loại thuốc nào được kê đơn mà không trao đổi với bác sĩ, theo Sức khoẻ & Đời sống.