Lựa chọn loại bánh và thành phần
Theo Tiến sĩ Bibi Chia – chuyên gia dinh dưỡng chính ở Trung tâm Nội tiết và Tiểu đường Raffles, các gia đình nên lựa chọn bánh trung thu dựa trên thành phần. Các nguyên liệu thường được liệt kê trên bao bì theo thứ tự tỷ lệ phần trăm từ cao nhất đến thấp nhất.
Vị chuyên gia này khuyên nên chọn bánh trung thu ít đường hoặc không đường nếu muốn giảm thiểu lượng calo nạp vào cơ thể. Bên cạnh đó, không chọn những loại có lòng đỏ trứng muối để giảm lượng natri. Việc này rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường, có lượng cholesterol trong máu cao và gặp tình trạng thừa cân, béo phì.
Hạn sử dụng cũng là điều cần quan tâm vì bánh trung thu cần một khoảng thời gian để "xuống dầu". Thời hạn sử dụng càng lâu, lượng chất béo chuyển hóa, đường và chất bảo quản trong đó càng tăng.
Bạn cần quan tâm đến cả kết cấu của bánh vì đây là một yếu tố quyết định hàm lượng calo. Vỏ bánh trung thu càng mềm, mịn thì càng có nhiều chất béo.
Uống trà xanh hoặc trà bạc hà khi ăn
Trà xanh, trà bạc hà có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa đường và làm giảm vị béo ngọt, rất phù hợp để ăn chung với bánh trung thu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên chỉ nên uống trà ấm (nhiệt độ nước dưới 70 độ C) để không phá hủy lượng vitamin C và axit catechin có trong lá trà.
Trà xanh, trà bạc hà có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa đường và làm giảm vị béo ngọt. Ảnh minh họa: Thehkhub
Lưu ý, theo Y học cổ truyền Trung Quốc, trà xanh và bạc hà đều có tính lạnh nên người dạ dày yếu không nên uống quá nhiều.
Ăn cùng rau quả tươi
Lượng đường và chất béo trong bánh trung thu khá cao, mỗi 100g bánh có thể cung cấp 20% năng lượng hàng ngày cho một người trưởng thành. Ăn kèm bánh trung thu với rau quả tươi và ngũ cốc giúp quá trình tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn và kiểm soát được lượng calo nạp vào.
Ăn vào bữa sáng
Bánh trung thu có lượng calo rất cao nên thích hợp ăn vào bữa sáng, khi bạn cần cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể sau một giấc ngủ dài. Bạn có thể ăn bánh trung thu cùng với sữa bò hoặc sữa đậu nành, trái cây, rau củ tươi.
“Chúng ta nên dùng bánh trung thu như một bữa ăn chính, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tiểu đường”, Javier Won, chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Cộng đồng Sengkang (Singapore), cho hay.
Không ăn khi đói hoặc mệt
Nhu cầu ăn thực phẩm chứa lượng đường cao tăng lên khi bạn đang đói hoặc mệt mỏi. Khi đó, khả năng hấp thu của dạ dày luôn tăng cao nên ăn bánh trung thu vào lúc này, bạn dễ ăn quá mức kiểm soát.
Ngoài ra, bổ sung đồ ngọt khi cơ thể mệt mỏi dễ dẫn đến thiếu vitamin nhóm B - nhóm vitamin chủ chốt trong việc chuyển hóa đường thành năng lượng.
Không ăn sau 19h
Sau 19h là khoảng thời gian cơ thể nghỉ ngơi, ít vận động. Nếu bạn ăn bánh trung thu vào lúc này, cơ thể không có đủ thời gian để tiêu hóa, dẫn tới chuyển hóa năng lượng thành chất béo. Chưa kể, ăn bánh trung thu sau bữa chính còn làm tăng lượng calo nạp vào, dẫn đến tăng cân.
Bạn không nên ăn bánh trung thu sau 19h. Ảnh minh họa: Bake From Scratch
Ăn chậm, ăn từng miếng nhỏ
Ăn chậm là thói quen tốt cho sức khỏe và cân nặng. Ngay cả khi chỉ ăn một miếng bánh trung thu nhỏ, bạn vẫn nên áp dụng phương pháp ăn chậm. Ăn quá nhanh dễ dẫn đến việc ăn mất kiểm soát. Ăn chậm, nhai từng miếng nhỏ sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu, hạn chế tăng cân.
Không ăn quá nhiều, tập thể dục nhiều hơn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người ít vận động chỉ nên ăn 1/4 chiếc bánh trung thu, tương đương 50-200 calo. Người vận động nhẹ nhàng nên ăn 1/2 chiếc bánh, tương đương 250-300 calo. Người thường xuyên vận động có thể ăn một chiếc bánh, tương đương với 400-700 calo.
Một điều quan trọng để tránh tăng cân trong mùa Trung thu là tích cực tập luyện. Các chuyên gia ước tính, sau khi tiêu thụ nửa chiếc bánh trung thu, bạn nên đi bộ khoảng 30 phút để đốt cháy một phần lượng calo nạp vào.
Giảm lượng cơm, thức ăn hàng ngày
Hàm lượng calo cao và lượng bột đường trong một chiếc bánh trung thu tương đường 2-3 bát cơm. Do đó, bạn cần cắt giảm cơm và thức ăn hàng ngày để đảm bảo không nạp vào cơ thể quá lượng calo cần thiết.
Theo ước tính, nếu ăn nửa chiếc bánh trung thu thì bạn cần bớt 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng. Ngoài ra, bạn cũng cần tích cực ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước hơn để thải chất béo ra ngoài, ngăn đường huyết tăng nhanh.
Đinh Kim (T/h)