Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ám ảnh câu chuyện khám trinh tiết khi nhập ngũ tại Indonesia

(DS&PL) -

Rianti được yêu cầu cởi quần áo và mặc áo choàng để khám sức khỏe. Cô cảm thấy tim mình như ngừng đập khi phát hiện ra rằng cô sắp phải kiểm tra trinh tiết.

Rianti được yêu cầu cởi quần áo và mặc áo choàng để khám sức khỏe. Cô có thể cảm thấy tim mình như ngừng đập khi phát hiện ra rằng cô sắp phải kiểm tra trinh tiết.

Các ứng viên nữ cho lực lượng vũ trang Indonesia tham gia cuộc kiểm tra y tế tại Semarang, Trung Java năm 2014. - Ảnh: Alamy

Ước mơ từ thuở ấu thơ của Rianti là được phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia. Thế nên, khi tròn 20 tuổi vào năm 2017, cô đã đăng ký nhập ngũ ở Jayapura, thủ phủ của tỉnh Papua.

Chia sẻ trong bài viết đăng tải trên trang The South China Morning Post (SCMP) hôm 18/8, Rianti kể lại rằng ngày đầu tiên trôi qua khá yên bình với giấy tờ thủ tục. Nhưng khi nhìn thấy phụ nữ vào và ra khỏi căn phòng nhỏ, Rianti bắt đầu cảm thấy tò mò.

"Tôi không biết vì sao họ bị gọi vào phòng đó. Nhưng tôi nhớ biểu cảm của họ khi trở ra ngoài. Ai cũng căng thẳng"- Rianti nói.

Đến lượt cô, Rianti bước vào cùng với ba ứng viên nữ trẻ khác. Bên trong phòng, bốn nhân viên y tế - ba đàn ông và một phụ nữ - đang đợi. Rianti được yêu cầu cởi quần áo và mặc áo choàng để khám sức khỏe. Cô có thể cảm thấy tim mình như ngừng đập khi phát hiện ra rằng cô sắp phải kiểm tra trinh tiết.

Sau khi Rianti nằm trên giường, một bác sĩ nam đã dùng tay kiểm tra vùng kín của cô để xem cô còn nguyên vẹn hay không. Trong khi đó, một người phụ nữ trong nhóm y tế cầm đèn pin đứng cạnh trợ giúp. Người phụ này lẩm nhẩm điều gì đó mà Rianti không nghe rõ.

“Tôi chỉ muốn chuyện đó trôi qua càng nhanh càng tốt. Tôi cảm thấy như thể đó là những giây phút dài nhất trong cuộc đời mình. Chưa từng có một người đàn ông nào chạm vào tôi trước đó. Chuyện ấy thật đáng xấu hổ. Tôi bị sốc”, Rianti nhớ lại.

Sau đó, cô gái trẻ mở lời hỏi bác mình cũng làm trong quân đội, rằng làm sao bác sĩ nam lại được kiểm tra trinh tiết phụ nữ. Người bác không giải thích mà chỉ nói rằng đó là quy định.

Rianti nói rằng cô cảm thấy giống như bị quấy rồi tình dục.

Chưa dừng lại ở đó, Rainti còn bị kiểm tra trinh tiết một lần nữa khi lọt vào trong phòng tuyển chọn. Đó là khi cô đến trụ sở của quân đội Indonesia ở Bangdung, tỉnh Tây Java.

"Nó nhanh hơn lần đầu tiên, và bác sĩ kiểm tra là một phụ nữ. Nhưng tôi phải cởi quần áo và có các bác sĩ nam kiểm tra những thứ khác như da và ngực của tôi", cô gái 21 tuổi nói.

Một ứng viên nữ được kiểm tra sức khỏe khi đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang Indonesia. - Ảnh: Getty

Luật về Lực lượng Vũ trang Quốc gia và Cảnh sát Quốc gia Indonesia quy định những tân binh mới phải khỏe mạnh về thể chất và do đó phải trải qua kiểm tra y tế bắt buộc để có thể nhập ngũ.

Việc Kiểm tra trinh tiết lần đầu tiên được chú ý vào năm 2014 khi một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tiết lộ rằng phụ nữ đăng ký gia nhập lực lượng an ninh Indonesia không chỉ phải trả qua kiểm tra sức khỏe mà còn về việc họ từng quan hệ tình dục hay chưa.

Ủy ban Quốc gia về chống bạo lực với phụ nữ của Indonesia đã chỉ trích các bài kiểm tra trinh tiết, cho rằng đây là hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ và vi phạm hiến pháp của Indonesia. Hơn nữa, việc vượt qua bài kiểm tra trinh tiết cũng không đảm bảo rằng ứng viên sẽ được chọn vào lực lượng vũ trang Indonesia. Như trong trường hợp của Rianti, cô đã không được chọn.

Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu người Indonesia cho HRW, cho biết thực tế này đã diễn ra trong hơn năm thập kỷ qua. Vì thiếu nữ bác sĩ trong lực lượng vũ trang và cảnh sát, 75% nhân viên y tế thực hiện việc kiểm tra trinh tiết là nam giới, dù họ thường đi kèm với một y tá nữ.

"Tôi nghĩ nhiều người trong lực lượng vũ trang không nhận thức được rằng bạn không thể luôn xác định được liệu một người đàn ông hay một người đàn bà còn trinh hay không. Hoàn toàn không có căn cứ khoa học", ông Harsono nói với SCMP.

HRW nói rằng kiểm tra trinh tiết là vi phạm nhân quyền, theo Điều 7 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hợp Quốc (ICCPR) và Điều 16 của Công ước Chống Tra tấn. Indonesia đã phê chuẩn cả hai hiệp ước, tương ứng vào các năm 2006 và 1998.

Giới chuyên gia cho rằng kiểm tra trinh tiết sẽ càng hạn chế phụ nữ gia nhập quân ngũ. Hiện tại chỉ có 5% nhân sự ở cả Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia và Cảnh sát Quốc gia Indonesia là phụ nữ. 

Hai nữ quân nhân Indonesia trình diễn võ thuật. - Ảnh: Getty

Fitri Bintang Timur, một nhà nghiên cứu thuộc bộ phận chính trị và quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, tin rằng việc kiểm tra trinh tiết có thể làm tổn hại các nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích nhiều phụ nữ gia nhập quân đội hơn.

Theo bà Fitri, lực lượng cảnh sát Indonesia cũng đã nhận ra rằng việc kiểm tra trinh tiết thực sự là một vấn đề. Phát ngôn viên cảnh sát Indonesia hồi tháng 11/2017 thông báo các bài kiểm tra trinh tiết không còn áp dụng đối với các ứng viên nữ nữa.

Tuy vậy, Sri Rumiati, một sĩ quan cảnh sát về hưu, không hoàn toàn tin vào tuyên bố trên. Theo bà Sri, có thể các bài kiểm tra trinh tiết đã được xóa bỏ tại thủ đô Jakarta, nhưng các khu vực khác vẫn thực hiện điều này đối với phụ nữ.

“Với một đất nước rộng lớn như Indonesia, rất khó để phát hiện”, bà Sri nói với BBC.

Trong khi đó, người phát ngôn của Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia, Thiếu tướng Mohamad Sabrar Fadhilah cho rằng, công chúng đang hiểu nhầm vấn đề kiểm tra trinh tiết.

"Chúng thôi thực hiện kiểm tra sức khỏe và (bác sĩ) kiểm tra các phần kín. Các ứng viên nam cũng trải qua kiểm tra tương tự. Chúng tôi muốn nguồn nhân lực cho lực lượng phải khỏe mạnh và trong sạch bởi quá trình phục vụ rất lâu dài và họ phải đối mặt với những thử thách khó khăn trên thực địa"- ông Mohamad khẳng định.

“Đối với một đất nước bảo thủ như Indonesia, phụ nữ và gia đình họ sẽ không chấp nhận bài kiểm tra như vậy. Cuối cùng chỉ có những con em trong gia đình có truyền thống trong lực lượng quân đội hay cảnh sát mới gia nhập”, Fitri Bintang Timurm, một nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế ở Jakarta nói.

Cảm thấy bị sốc sau các bài kiểm tra trinh tiết, Rianti nói rằng cô không có ý định đăng ký nhập ngũ lần hai. “Hầu hết các bạn của tôi, những người bị trượt khỏi các bài kiểm tra đầu vào, đều không muốn đăng ký nhập ngũ lại. Tôi không còn quan tâm đến việc liệu có thể thực hiện giấc mơ từ nhỏ của mình nữa hay không. Tôi không muốn bị chạm vào người một lần nữa chỉ để vào quân đội”, Rianti nói.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật