Theo như người dân nơi đây giải thích, bãi cát này mang một vẻ đẹp lạ thường, bởi vậy mà nó có một sức hút đến kì lạ.
Cứ thi thoảng người dân nơi đây lại nghe thấy tiếng khóc thảm thiết vẳng lên từ bãi cát Cao Đại, thuộc xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Hơn 10 năm nay, biết bao vụ chết đuối thương tâm nối tiếp xảy ra, nhưng kì lạ thay nó vẫn không đủ để cảnh báo học sinh, thanh niên tránh xa bãi cát tử thần.
Chỗ kiếm “miếng ăn” của Hà Bá
Khi mới về xã Cao Đại chúng tôi háo hức được đằm mình xuống dòng nước tươi mát, ngắm nhìn vẻ đẹp “lạ thường” của bãi cát Cao Đại. Nhưng khi hỏi thăm lối ra chúng tôi giật mình vì câu trả lời nhận được nhiều nhất là lời khuyên nên tránh xa chỗ đó, bởi nó cực kì nguy hiểm. Thậm chí có người còn gắt lên: “Cát gì mà cát, thấy chỗ chết mà vẫn lao vào”. Dò hỏi mới biết, thì ra năm xưa chính người đó đã từng phải khóc ròng vì đứa con trai nhỏ bỏ xác lại nơi bãi cát.
Cao Đại vào lúc xế chiều, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của bãi cát nhỏ dài hơn chục mét nằm thoai thoải ven bờ sông với làn nước trong xanh, những con sóng nhẹ nhàng chạy vào bờ cát trong cái nắng dịu của bầu trời. Xung quanh là những bãi bồi được người dân trồng ngô, sắn, cỏ cao, rau bí… nên lúc nào cũng râm mát và tràn ngập màu xanh dễ chịu. Đây là bãi cát được bồi từ nhánh sông Hồng, chảy qua địa phận xã Cao Đại và Phú Thịnh của huyện Vĩnh Tường. Bãi cát chạy dài tít tắp, mượt mà, nước sông trong vắt, mát mẻ. Có bạn trẻ còn ví nơi đây là “bãi cát tình yêu”.
Bãi cát Cao Đại bằng phẳng nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm |
Với vẻ đẹp đặc biệt, bãi cát Cao Đại là điểm vui chơi lý tưởng của trẻ em xã Cao Đại cũng như các xã xung quanh. Vào những buổi chiều mùa hè oi bức, có đến hàng trăm người ùn ùn kéo ra đó vùng vẫy trong làn nước sông Hồng để giải nhiệt, trong đó phần lớn là học sinh, thanh niên. Nơi đây còn được chọn làm địa điểm chụp ảnh cưới, hoặc tụ tập ăn uống của nhiều bạn trẻ.
Mọi người đến đây để thỏa thích vui chơi nên ít ai ý thức được những nguy hiểm chết người luôn rình rập xung quanh. Sau bao nhiêu vụ chết đuối đau thương, người dân địa phương ví đây là “bãi cát tử thần”. Bên dưới bãi cát phẳng lì là những khoảng trống sâu hun hút có thể sụt lún bất cứ lức nào. Mùa nước lên, phần đất cát bị che lấp, chỉ trượt chân nhẹ là có thể bị cuốn vào xoáy nước đang cuộn tròn.
Người dân sống xung quanh cho biết, phần sông ở đây sâu hun hút. Trung bình sâu từ 4 đến 5m, chỗ sâu nhất có thể lên tới 6 đến 7m. Nhìn mặt sông phẳng lặng như vậy nhưng có rất nhiều xoáy nước, sơ sẩy ngã xuống thì dù có người cứu cũng khó thoát được lưỡi hái tử thần.
Bởi vậy, mà tại bãi cát này đã có biết bao người bỏ mạng, làm miếng ăn cho Hà Bá. Chị Ngô Thị Luyến, người sống cạnh bãi cát cho biết: “Gần 10 năm trở lại đây, không năm nào là bãi cát không có người chết đuối. Trung bình mỗi năm phải có từ 2 đến 3 vụ. Có vụ thì chết một người, có vụ thì chết nhiều người mà đa số là học sinh, thanh niên trẻ tuổi. Đứa này ngã, đứa kia nhảy xuống cứu vậy là lôi kéo nhau chết đàn, chết đống”.
Sống lâu ở đây, có người còn bị ám ảnh bởi những tiếng khóc thảm thiết, đau thương của người nhà nạn nhân. Bởi hết năm này qua năm khác những vụ chết đuối vẫn không hề giảm. Chết nhiều đến mức, một số người đàn ông sống xung quanh bãi cát còn tụ họp lại với nhau thành một nhóm vớt xác thuê. Bác Ngô Văn Lượng, 54 tuổi, người làm nghề vớt xác thuê cho biết: “Sông ở đây sâu, lại có nhiều xoáy nước, vì thế việc tìm và vớt xác rất khó khăn. Có lần chúng tôi lặn tìm đến ba ngày ba đêm mà vẫn không tìm thấy xác, đành ngồi chờ xác nổi lên mới vớt được. Cũng có cả những trường hợp chết rồi mất tích luôn”.
Bác Lượng không giấu nổi xúc động khi nghĩ lại cảnh cha mẹ nạn nhân cứ ngồi khóc vật vã ven bờ cát chờ người ta vớt xác con mình. Bác kể lại: “Năm 2006, có một đám học sinh ra đây tắm rồi nghịch cát, nào ngờ dẫm phải đúng chỗ cát lún thế là sụt xuống khiến ba đứa chết. Chúng tôi lặn tìm đến ba ngày ba đêm mà vẫn không thấy xác. Cuối cùng phải thuê đến thợ lặn. Ba bố mẹ cứ vẫn bộ quần áo đó ngồi lăn lê trên bãi cát, hết khóc đến ngất. Nhìn mà xót xa trong lòng”.
Luôn có rất nhiều học sinh, thanh niên vui chơi tại bãi cát |
Một cụ già 80 tuổi cho biết: “Trước đây, bãi cát Cao Đại không tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như vậy. Từ ngày những con thuyền lớn đến đây sục sạo, ngày đêm khai thác, hút cát mới khiến bãi cát sâu hun hút, dễ sụt lún gây chết người”. Hơn 80 tuổi, chứng kiến biết bao vụ chết đuối thương tâm, cụ bày tỏ sự mong mỏi chính quyền quy hoạch vùng khai thác cát cẩn thận, không cho phép khai thác cát tràn lan gây nguy hiểm cho người dân sống xung quanh.
Bi kịch cô dâu sáng mặc áo cưới, chiều mặc áo quan
Trên một khúc sông ngắn ở bãi cát Cao Đại, một bát nhang nghi ngút khói được đặt trên một mỏm đá, bên dưới là dòng sông trong xanh, phẳng lặng. Đó là nơi xảy ra vụ chết đuối thương tâm và nạn nhân là một cô dâu trẻ, buổi sáng vừa lên xe hoa, buổi chiều đã phải làm ma nơi nghĩa địa. Vụ tai nạn thương tâm làm rúng động khắp làng quê huyện Vĩnh Tường, đã xảy ra cách đây gần một tháng, nhưng đến giờ khi nhắc lại người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót.
Ngày 4 tháng 5 (tức ngày 6 tháng 4 Âm lịch) định mệnh là ngày cưới cũng là ngày đưa tang của cô dâu trẻ T.T.H (SN 1994, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường). Người dân nơi đây kể lại, sáng hôm đó, khi vừa tổ chức xong đám cưới, cô dâu và chú rể cùng với 9 người bạn khác rủ nhau ra bãi cát Cao Đại chụp ảnh. Chú rể cõng cô dâu đứng trên một mỏm đất cạnh lòng sông. Không ngờ đang chuẩn bị chụp ảnh chú rể sơ sẩy trượt chân cùng cô dâu ngã xuống đúng chỗ xoáy nước sâu. Bạn bè hô hào cùng chạy lại cứu vớt nhưng chỉ kéo được chú rể lên, còn cô dâu thì chìm nghỉm. Nhìn xoáy nước sâu hun hút, không ai dám nhảy xuống lặn tìm.
Cho đến 4h chiều ngày hôm đó, người ta mới tìm thấy xác cô dâu trên đầu còn cài hoa cưới. Chú rể thì nằm bất tỉnh trong bệnh viện. Cha mẹ hai bên khóc ngất bên bờ sông. Rạp đám cưới vừa mới dỡ đã phải dựng lại làm rạp đám tang. Nỗi thương xót tràn ngập cả vùng quê đã biết bao lần u ám vì những người chết đuối trên bãi cát.
Nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm của cô dâu trẻ |
Nhưng đó mới chỉ là một trong rất nhiều vụ tai nạn đau thương trên bãi cát tử thần. Cũng tại nơi này 7 năm về trước, bà Lưu (xóm 10, Cao Đại) đã mất đi hai người con trai cùng một lúc. Bà kể lại: “Hôm đó, ba đứa (một người là con trai của em chồng bà – PV) rủ nhau ra bãi cát tắm. Lúc lâu sau thấy bãi cát xôn xao tiếng hô hoán cứu người. Tôi vội vã chạy ra thì cả ba đứa đều đã chìm nghỉm”. Lấy tay lau đôi dòng nước mắt, bà Lưu không giấu nổi niềm đau đớn mất con đã qua 7 năm vẫn chưa hề nguôi nghỉ.
Người dân nơi đây còn truyền tai nhau câu chuyện của gần 10 năm về trước, một con thuyền có 9 người, trong đó có hai người phụ nữ mang bầu bất ngờ gặp xoáy nước bị lật tại đúng khúc sông Cao Đại. Cuối cùng, người ta chỉ tìm được xác của 4 người, 5 người còn lại đến nay vẫn mất tích.
Có lẽ, mỗi người dân Cao Đại còn ghi nhớ trong đầu rất nhiều câu chuyện đau thương như vậy. Và cũng chẳng ai đếm được đã có tất cả bao nhiêu người bỏ mạng tại đây. Bởi lẽ, nó quá nhiều.
Biển báo cấm bơi lội được treo ở khắp nơi |
Người dân ở đây cũng không hiểu, tại sao bãi cát này lại thu hút nhiều học sinh, thanh niên đến vậy. Chị Vũ Thị Tuyết (SN 1988) nhìn cảnh đó bức xúc: “Tôi không hiểu bãi cát này có thứ gì mà lũ trẻ thích như vậy. Về đây làm dâu được gần 7 năm, tôi đã nghe kể và chứng kiến không biết bao nhiêu vụ chết người tại bãi cát, vậy mà chúng vẫn cứ lao ra đó tắm”.
Cô Nguyễn Thị Hòa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Đại đưa ra lời giải thích: “Theo tôi, trẻ em nơi đây quá thiếu điểm vui chơi, bơi lội đặc biệt là vào mùa hè nên chúng mới rủ nhau ra sông tắm, bất chấp nguy hiểm. Hơn nữa, các em chưa được học tập, rèn luyện kĩ năng bơi lội. Tôi khẩn thiết mong mỏi, đưa môn bơi lội vào trường học”.
Chiều về, những đứa trẻ trên người còn quàng khăn đỏ, khoác áo đồng phục học sinh lại ào ra bãi cát đùa nghịch, bất chấp tấm biển cấm bơi lội treo ở khắp nơi. Nhìn cảnh đó, những người lớn tuổi luôn cảm thấy bất an, lo lắng!