(ĐSPL) – Thế giới bàng hoàng trước hành động dã man của “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Vậy IS từ đâu ra, ai nuôi dưỡng và tự kiếm tiền như thế nào?
|
Phiến quân Hồi giáo đã chiếm được nhiều khí tài quân sự hiện đại do quân đội Iraq bỏ lại. |
Trong một bài viết cho BBC, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai-giảng dạy môn Trung Đông học tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam và là tác giả cuốn “Con đường Hồi giáo”–phân tích về nguồn gốc, nguồn tài trợ của tổ chức khủng bố có nguy cơ đe dọa toàn thế giới này.
Tiền của IS ở đâu ra?
Theo tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, “Nhà nước Hồi giáo” (IS) được tiếp năng lượng chủ yếu từ hai nguồn tài chính sau.
Thứ nhất là dầu. IS được ví như Taliban với những giếng dầu trong tay. Mỗi ngày IS bán được tới 30.000 thùng dầu với giá rẻ hơn giá thị trường, dao động quanh 25-65 USD/ thùng. Dầu được vận chuyển ra ngoài địa hạt của IS bằng các trung gian mối lái người Kurd, bán lại cho các khách hàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cho chính bản thân chính quyền Assad của Syria. Syria nhận dầu và bán vũ khí cho IS.
Sự oái ăm này thực ra không hề lạ lẫm trong những màn trình diễn chính trị và xung đột ở Trung Đông. Nền kinh tế kiểu chiến tranh đã trở thành câu chuyện tính toán ăn chia thường ngày của các nhà độc tài chính trị nơi đây. Ngoài mặt, IS chính thức là một tổ chức thánh chiến dòng Hồi giáo Sunni với mục tiêu đánh đổ chính quyền dòng Hồi giáo Shi’ite của Syria.
Tuy nhiên, cả hai bên đều hiểu rằng, họ có thể một tay dí súng vào đầu nhau, dưới gầm bàn, tay kia hoàn toàn có thể tạm thời ngoắc ngoặc với nhau trong những thương vụ làm ăn cả hai bên đều có lợi. Các nhà quan sát đã gọi mối quan hệ này là một dạng quan hệ “vừa đối đầu vừa đối thoại”. Số tiền bán dầu chảy vào túi IS mỗi ngày lên đến 2-3 triệu USD.
Lưu ý rằng al-Qaeda chỉ cần 30 triệu USD mỗi năm để vận hành bộ máy khủng bố và chỉ cần 1 triệu USD để chi cho cuộc tấn công tòa Tháp đôi ở New York.
Nguồn tài chính thứ hai xuất phát từ vùng Vịnh. “Nhà nước Hồi giáo” đã luôn nhận được sự ủng hộ từ khi còn trong nôi của những tổ chức tôn giáo và cá nhân tại Saudi Arabia, Qatar và Kuwait.
Sự ủng hộ này không hẳn đã trực tiếp đến từ chính quyền các quốc gia vùng Vịnh theo dòng Sunni mà chủ yếu từ những tổ chức cá nhân riêng lẻ. Nguồn tiền cho IS chảy ra từ túi những kẻ cách đây vài năm đã trót lạc quan cho rằng chính quyền Hồi Shi’ite của Syria chắc chắn sẽ nhanh chóng sụp đổ. Khi Syria sụp đổ, một tổ chức Hồi Sunni như IS sẽ đóng vai trò trải đường cho các diễn biến chính trị có lợi cho sự ảnh hưởng quyền lực của Hồi giáo Sunni.
Tại sao các tổ chức tôn giáo và cá nhân này lại không ủng hộ các nhánh quân nổi dậy trung dung của Syria mà lại đổ tiền vào một tổ chức cực đoan như IS? Nguyên nhân thứ nhất là do họ không tin vào phương Tây, nhất là khi phương Tây dù lên tiếng ủng hộ các nhánh quân trung dung nhưng lại không chịu đổ tiền vào trang bị vũ khí.
IS là sản phẩm của ai?
Chúng ta chỉ có thể hiểu về nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) nếu đi ngược lại lịch sử chừng 100 năm, khi dòng họ Saud – khởi đầu chỉ là chủ một bộ lạc nhỏ ở vùng sa mạc Nadj – đến đầu thế kỷ thứ 19 đã bắt tay với một nhánh Hồi giáo khá cực đoan là Wahhabi dần dần đánh chiếm và làm chủ gần như toàn bộ vùng Bán đảo Arập, bao gồm cả thánh địa Mecca và Medina.
Cam kết của dòng họ Saud và Wahhabi có thể được coi là một trong những cuộc hôn nhân thực dụng nhất giữa quyền lực chính trị và tôn giáo mà trong đó Saud sẽ mang danh lãnh đạo còn giáo lý Hồi dòng Wahhabism sẽ là kim chỉ nam của vương quốc. Không ai có thể ngờ rằng mối liên minh này đã tạo ra một đất nước bị bóp nghẹt trong bàn tay quyền lực của chính mình.
Hơn 20 năm qua, 95\% trong tổng số hơn 1000 khu kiến trúc cổ của Saudi Arabia đã bị tàn phá, hầu hết là các thánh đường Hồi giáo và di tích nơi sinh sống của thiên sứ Muhammad.
Wahhabi cho rằng bất kỳ một kiến trúc lịch sử nào cũng có thể trở thành những nơi thờ cúng linh tượng và vì chỉ có Thượng Đế mới đáng để tôn thờ, nếu ngôi mộ của chính Muhhamad trở thành nơi tín đồ cúng bái thì cũng sẽ bị san phẳng.
Những tàn tích cuối cùng của một nền văn minh đa sắc màu cũng như những bằng chứng cuối cùng của một nền văn hóa Hồi giáo cổ gần như cố tình bị triệt tiêu và xóa sổ, đặt vào tay những thầy tu Wahhabi quyền năng tối thượng trong việc viết lại lịch sử tôn giáo và diễn giải triết lý Hồi giáo theo lý lẽ của riêng mình.
Bước vào thế kỷ 21, Saudi Arabia là một vương quốc dầu lửa giàu có nhưng mang trong mình một khối nội tạng khổng lồ vay mượn của giáo lý cực đoan Wahhabi. Biết là di hại mà không thể vứt bỏ vì liên minh quyền lực với các thầy tu tôn giáo đã trở thành xương tủy của cơ thể chứ không còn là những bộ phận cấy tạo.
Nhà vua Saudi Arabia dù nổi tiếng là người có tư tưởng cải cách nhưng không thể ngăn cản được một bộ phận dân chúng đã ngấm chất máu cực đoan của dòng giáo lý nổi tiếng tàn khốc và bạo lực này.
|
Nhóm "Nhà nước Hồi giáo" tung lên mạng video hành quyết con tin thứ 3 là người Anh. |
Chính quyền Saudi Arabia không thể ngăn cản được tinh thần Wahhabi được nuôi nấng từ khi còn trong nôi. Với đồng tiền dầu lửa, nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) là một trong những sản phẩm vượt biên giới, trực tiếp hoặc gián tiếp, của cả một hệ thống giáo lý cực đoan dùng làm công cụ cho chính trị và quyền lực, di căn đến từng tế bào mà không thể cắt bỏ vì “công cụ” đã trở thành một phần không thể tách rời của cơ thể.
IS chỉ bó hẹp ở Trung Đông?
Điều đáng lo ngại là trong bất kỳ viễn cảnh nào (IS) lớn mạnh, bị triệt tiêu hay chỉ còn ngoi ngóp thở) thì “tư tưởng IS” đã thành công rực rỡ trong việc gửi đi khắp toàn cầu một thông điệp rằng sự thống nhất của thế giới Hồi giáo là điều hoàn toàn có thể, rằng lý tưởng xây dựng một nhà nước Hồi giáo “thuần khiết” là điều có thể.
|
Hàng nghìn tay súng nước ngoài đã gia nhập IS. |
Tiền từ túi những cá nhân và tổ chức cực đoan của Saudi Arabia từ hàng chục năm qua đã lan tỏa ra toàn thế giới, mua chuộc các lãnh đạo tôn giáo, trả lương cho các thầy tu, cung cấp sách vở, đổi thay giáo lý, xây dựng thánh đường, trợ cấp tiền cho thanh niên của hàng trăm đất nước sang vùng Vịnh học tập, sau đó trở về quê hương, đem theo lý tưởng Wahhabi, thay máu niềm tin và cực đoan hóa cách sống của những người dân địa phương.
Các quan chức của Saudi Arabia cho biết trên toàn thế giới có 1.500 nhà thờ Hồi giáo, 202 trường đại học, 210 trung tâm tôn giáo được tài trợ bởi các nguồn tiền từ Saudi Arabia.
Nhiều quốc gia Châu Âu đang thực sự lo lắng về hàng ngàn chiến binh thánh chiến gốc Trung Đông, dù sinh ra và lớn lên ở châu Âu nhưng trái tim thuộc về IS. Không đơn giản chỉ là việc những chiến binh này được đẻ ra từ tư tưởng Wahhabi bắt rễ tại chính Châu Âu bằng tiền dầu lửa, những chiến binh này sẽ quay trở lại Châu Âu, cực đoan hơn, và mang theo mầm sống IS. Mảnh đất lý tưởng cho mầm sống này chính là những thánh đường, tu sĩ và giáo lý đã được từ từ ngấm chất Wahhabi từ hàng chục năm nay.
Không chỉ có hàng ngàn chiến binh thánh chiến gốc Trung Đông sinh ra và lớn lên ở Châu Âu sẽ trở về mang theo mầm sống IS. Tư tưởng IS hoàn toàn có thể bén gốc ở bất kỳ nơi đâu, miễn là ở đó mảnh đất đã được tưới tắm bằng những đồng tiền dầu lửa từ những tổ chức tôn giáo cực đoan của vùng Vịnh.