(ĐSPL) – Sau 9 lần vỡ đường ống nước sông Đà liên tiếp, Hà Nội đã không còn kiên nhẫn chờ đợi Vinaconex xây dựng đường ống thứ hai mà đã tự đứng ra thực hiện.
Hà Nội đã mất niềm tin vào Vinaconex
Trước đó, trong buổi thảo luận tổ tại cuộc họp HĐND TP lần thứ 10 vào ngày 10/7, khi bàn về vấn đề đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội liên tiếp bị vỡ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hơn 70.000 hộ dân trên các quận nội thành của thủ đô, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã khẳng định:
“Đến nay, thành phố cũng yêu cầu công ty Vinaconex xây dựng ngay đường ống nước sạch thứ hai. Trước mắt là làm 10km đường ống chạy qua vùng đất yếu thường xuyên bị vỡ. Nếu trong 9 tháng công ty không khởi công, thành phố sẽ đứng ra làm chứ không trông chờ vào họ nữa”.
Nhưng có lẽ, chính thành phố Hà Nội cũng không thể chờ đợi đến tháng 9, bởi chỉ vừa mới hôm qua thôi, đường ống dẫn nước sạch sông Đà lại tiếp tục bị vỡ lần thứ 9.
Đặc biệt hơn, lần vỡ đường ống dẫn nước lần thứ 8 vừa mới được khắc phục trước đó một ngày thì đã xảy ra sự cố vỡ đường ống nước tiếp theo.
UBND TP. Hà Nội sẽ đứng ra thi công 10km đường ống chạy qua vùng đất yếu thường xuyên bị vỡ. |
Nhận thấy không thể “đùa” với cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân, ngay chiều hôm qua (12/7), UBND TP. Hà Nội đã có cuộc họp khẩn để ra quyết định tự đứng ra thi công đường ống thứ hai.
Trong cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại một lần nữa nhấn mạnh về việc đã không còn tin tưởng vào Công ty Vinaconex.
“Thành phố đã mất niềm tin vào Vinaconex, vì đã yêu cầu Vinaconex nhiều lần nhưng đơn vị này vẫn lừng khừng không thực hiện. Vì vậy, thành phố sẽ chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp. Vinaconex vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 và nâng công suất Nhà máy nước theo quy hoạch", ông Hùng nói thẳng.
Theo vị Phó Chủ tịch UBND TP, sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo vì tuyến ống khẩn cấp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố. Sau này khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng tuyến ống khẩn cấp để truyền tải 80.000m3 công suất còn thừa hiện nay của Nhà máy nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư.
Thi công tuyến ống thứ 2 trong thời gian nhanh nhất
Chủ trì cuộc họp khẩn của UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mỗi khi xảy ra sự cố vỡ đường ống nước, dù cho Công ty Cổ phần Vinaconex khắc phục sự cố rất nhanh, nhưng khả năng tiếp tục vỡ đường ống nước cũng rất cao, và mỗi lần như thế đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của gần 1 triệu người dân.
Vì vậy, thành phố quyết định đầu tư khẩn cấp tuyến ống thứ hai để bảo đảm cấp nước ổn định cho nhân dân.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, tuyến ống dẫn nước sông Đà dài 47km. 20km đầu từ nhà máy về đến quốc lộ 21 có địa hình ổn định nên không có sự cố. 9 lần vỡ ống đều xảy ra ở đoạn chạy trên Đại lộ Thăng Long, do đó đề nghị làm khoảng 30km ống mới từ quốc lộ 21 về đến Vành đai 3.
Về phương án thi công, đại diện tư vấn thiết kế Công ty CP Tư vấn nước và môi trường Việt Nam cho biết, thông thường phải khảo sát địa chất, tính toán cấu tạo vật liệu… nên tiến độ phải 5-6 tháng, nhưng với tính chất khẩn cấp của dự án này, tư vấn có thể tập trung nhân lực, phương tiện, thiết kế từng đoạn để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai ngay.
Người dân Hà Nội phải xếp hàng mua nước sinh hoạt. |
Ông Nguyễn Trí Khoa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nước sạch Hà Nội nói, cách đây 6 năm, công ty cũng đã xử lý một trường hợp tương tự, vừa thiết kế, vừa thi công như tư vấn trình bày.
Ông Nguyễn Bảo Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho rằng, với phương án sử dụng ống gang, chôn tối thiểu ở độ sâu 1m, bình quân mỗi ngày một đội thi công có thể làm 500m. Như vậy, toàn tuyến 30km có thể làm xong trong 60 ngày.
Chốt lại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao cho Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về Vành đai 3 nhằm giảm áp cho tuyến ống hiện nay.
Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày kể từ cuộc họp này; đồng thời bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối.
Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh: “Các đơn vị cần tập trung nhân lực, phương tiện tốt nhất, thi công ngày đêm dự án này. Đây là chỉ đạo của Bí Thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội”.