Bên cạnh bánh chưng xanh truyền thống thì bánh chưng ngũ sắc, bánh chưng gạo lứt nếp cẩm, bánh chưng nếp nương, bánh tét chữ… là những “khúc biến tấu” mới được nhiều gia đình ưa chuộng.
Bánh chưng nếp nương lá riềng Điện Biên
Với địa thế tuyệt vời và đất đai màu mỡ, Điện Biên đã cho ra đời biết bao sản vật ngon và quý hiếm. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất đó chính là món bánh chưng nếp nương lá riềng.
Nếu được thưởng thức một chiếc bánh chưng được làm từ gạo nếp nương Điện Biên, bạn sẽ thấy hương vị thơm ngon đến khó cưỡng.
Bánh chưng được làm bằng những hạt gạo dài, chắc, mẩy, mười hạt như mười nên chiếc bánh chưng nên khi bánh ninh nhừ đến mấy vẫn giữ nguyên được hình dáng hạt gạo, bánh dền và dù có để tủ lạnh 3-4 ngày vẫn không hề lại gạo như với những loại bánh thông thường.
Thịt lợn gói bánh là loại lợn mán giống hiếm, người dân tộc nuôi ba năm mới cho thu hoạch một lứa, có giá thành đắt gấp ba, bốn lần thịt lợn siêu nạc. Thịt lợn mán được nuôi trong bản với lối chăn thả tự do, sử dụng thức ăn là cây cỏ thiên nhiên nên thịt rất chắc thơm, không sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng. Thịt lợn mán thuần chủng có lớp mỡ béo ngậy, tạo vị béo.
Đỗ xanh làm nhân bánh được chọn từ những vùng quê chuyên trồng đỗ. Khi nấu bở tơi, bùi béo, vàng óng ả. Chiếc bánh còn chứa đựng hương vị của thiên nhiên nắng gió, của núi rừng Tây Bắc khi được bọc bằng chiếc lá dong rừng thơm ngát.
Ngoài ra, để có màu xanh mướt tự nhiên đặc trưng, gạo làm bánh được nhuộm bằng nước lá giềng, cùng với kỹ thuật độc đáo.
Khâu chế biến được tiến hành một cách chỉn chu, tỉ mẩn từ cách làm lá, lạt cho đến gạo, thịt, đỗ và cách luộc,… tất cả đều theo công thức gia truyền không đâu có. Bởi vậy, bánh chưng Điện Biên được rất nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, từ hình thức cho tới chất lượng, mùi vị.
Bánh chưng nếp cẩm
Bánh chưng cẩm (hay còn gọi là bánh chưng đen) là món bánh chưng truyền thống của người Tày, được làm từ những hạt gạo nếp cẩm của núi rừng Tây Bắc. Điểm độc đáo của món bánh này chính là màu đen của bánh. Đó là một màu đen tím như hạt nếp cẩm nhưng lại rất mềm và dẻo, vị thanh mát.
Nguyên liệu làm bánh mang đậm hương vị vùng cao: những cọng rơm nếp to, mọng, vàng được gặt về rửa sạch, sau đó phơi khô và đem đốt thành tro, vò mịn, dùng miếng vải xô rây lấy phần mịn nhất của tro.
Gạo nếp sau khi được vo sạch sẽ được trộn cùng với tro mịn từ gốc rơm, dạ sao cho những hạt nếp tròn mây mẩy được bao bọc bởi màu đen của tro. Nhân của món bánh này cũng thật khác lạ, người Tày trộn thêm cả hành vào nhân thịt mỡ cùng với hạt tiêu vỡ bọc ngoài là đậu xanh. Lá để gói bánh chưng cẩm là những chiếc lá dong rừng bánh tẻ khổ nhỏ có màu xanh đậm.
Bánh chưng cẩm ăn ngon nhất là khi nướng. Bánh cứ để cả lá, đặt lên lớp than hồng, phủ than nóng lên, đến khi lớp lá ngoài cháy hết thì mùi thơm của gạo nếp, của thảo quả, của thịt mỡ lan tỏa trong không khí khiến ai cũng muốn thưởng thức.
Bánh chưng ngũ sắc
Đây là loại bánh chưng độc đáo mà bạn có thể làm để thay đổi khẩu vị cũng như hình thức bánh cho ngày Tết. Bánh chưng ngũ sắc đặc biệt bởi có 5 màu: vàng, xanh, tím, đỏ, trắng tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ý nghĩa mang lại sự bình an và may mắn cho năm mới.
Chiếc bánh ngũ sắc tuyệt vời không chỉ ở màu sắc mà còn có mùi vị rất thơm, là sự quyện hòa của 5 vị khác nhau, khiến người ăn không dễ bị ngấy.
Để làm được một chiếc bánh chưng ngũ sắc cần nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, kỹ thuật cầu kỳ, người nội trợ phải khéo léo trong các khâu: ngâm gạo, pha nước màu, đổ gạo vào khuôn, gói chặt tay sao cho các màu không bị lẫn với nhau và để bánh có 5 màu đẹp nhất. Màu sắc của bánh được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên: gạo màu xanh sử dụng từ nước của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi, màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm hoặc màu nước lá cẩm.
Bánh chưng gấc đỏ
Bên cạnh những chiếc bánh chưng xanh thì còn có thêm cách làm bánh chưng gấc đỏ vô cùng hấp dẫn. Bánh chưng gấc đỏ cũng là lọa bánh chưng lạ ít nơi làm. Gói bánh chưng gấc vẫn giống bánh chưng thường, bạn vẫn sử dụng lá dong hay lá chuối để gói.
Bánh chưng gấc có vỏ ngoài vẫn là màu xanh truyền thống, nhưng bên trong là màu đỏ au rất đẹp, thơm ngậy vị gấc. Nhân bánh chưng vẫn là đỗ xanh nhưng trộn thêm đường, vẫn có thịt lợn nhưng nạc nhiều hơn mỡ.
Bánh chưng cốm
Bánh chưng cốm là một trong những loại bánh chưng lạ ít vùng miền làm. Khi cắt bánh chưng ra, có 5 màu sắc hấp dẫn: màu vàng của nhân đậu xanh, màu đỏ hồng của thịt heo, màu trắng của nếp dẻo thơm, màu xanh của lá dong hay lá chuối và màu xanh ngọc của cốm.
Loại bánh này khác bánh thường ở chỗ nguyên liệu có thêm cốm khô, được trộn cùng gạo nếp ngâm với lá thơm. Nhân bánh chưng cốm thường là nhân ngọt, đỗ xanh được nấu giống chè kho, cũng có thêm thịt nạc bên trong. Bánh ăn rất ngon, bùi và thơm hương cốm nên được nhiều bà mẹ trẻ, nhiều cô dâu hiền lựa chọn làm quà biếu trong dịp tết từ trong Nam ngoài Bắc.
Bánh chưng chay
Bánh chưng chay hiện khá quen thuộc với nhiều người đặc biệt là người hay ăn kiêng. Bánh chưng chay cũng được làm từ gạo nếp vo kỹ trắng tinh, đỗ xanh đã được xát vỏ đãi cẩn thận.
Món bánh chưng chay này ngon lại nằm ở phần nhân bánh. Đỗ xanh đồ chín tới, vàng tơi trộn với nấm hương được xao tẩm kĩ.
Chính những sợi nấm hương vừa thơm vừa đằm làm cho chiếc bánh chưng không thịt mỡ dưa hành tuy nhã đạm nhưng vẫn có một nét duyên riêng đậm đà hương vị hạt sen.
Bánh chưng gạo lứt nếp đỏ
Bánh được làm từ các nguyên liệu đặc biệt: nếp lứt đỏ, đỗ xanh, muối… không chỉ hấp dẫn bởi mùi vị đặc biệt mà còn có màu sắc khá bắt mắt. Đặc biệt, nếp be đỏ là giống nếp quý, hạt to tròn màu đỏ hồng, được trồng trên nương vùng cao Điện biên. Loại bánh này phù hợp với những người ăn chay.
Bánh chưng gạo lứt nếp đỏ có vị thơm, dẻo, ngọt và sắc hồng tươi tắn. Màu đỏ cũng là sắc màu tượng trưng cho sự may mắn, sung túc, phúc lộc thọ đầu năm.
Bánh tét chữ chúc Xuân
Bên cạnh loại bánh tét được gói theo kiểu truyền thống, với các nguyên liệu như món bánh chưng, hiện nay, còn có thêm loại bánh tét lá cẩm trứng vịt muối.
Đặc biệt, còn có loại bánh tét chữ, với mỗi khoanh bánh tét là 1 chữ cái riêng. Một cặp bánh chứa một bộ chữ chúc Xuân khác nhau như chúc mừng năm mới, phát lộc phát tài, tấn tài tấn lộc, tân niên phú quý, an khang thịnh vượng.
Nguyễn Hà (T/h)