Mang trong mình vị dẻo, ngọt và hương thơm khó quên, gạo nếp nương Điện Biên đã trở thành nguyên liệu chính để làm ra những món ăn đặc sản của vùng núi Tây Bắc như bánh chưng nếp nương lá riềng, xôi ngũ sắc,…
Lòng chảo Điện Biên vốn nổi tiếng với bề dày lịch sử. Du khách đến thăm Điện Biên không chỉ được sống lại không khí hào hùng của một thời kháng chiến mà còn được thưởng thức một nền ẩm thực tuyệt vời nơi đây.
Với địa thế tuyệt vời và đất đai màu mỡ, Điện Biên đã cho ra đời biết bao sản vật ngon và quý hiếm. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất đó chính là gạo - món ăn hàng ngày quá đỗi quen thuộc đối với người dân Việt Nam, và đó cũng chính là thành phần đặc biệt, tạo nên sức cuốn hút kì lạ của bánh chưng Điện Biên.
Được trồng trên những mảnh đất mầu mỡ, được thiên nhiên ưu ái và bạn tặng cho khí hậu ôn hòa dưới sự kết tinh những tinh hoa của đất trời, những cây lúa nếp nương sinh trưởng và phát triển rồi cho ra đời những hạt gạo nếp nương thơm ngon.
Lớn lên từ những mạch nước ngầm ngọt lịm, hít trọn cái không khí tinh sạch nơi rẻo cao, các loại gạo nếp Điện Biên luôn nổi tiếng bởi vị dẻo và hương thơm rất khó quên.
Gạo nếp thơm từ khi lúa vừa trổ đòng, kết hạt cho đến lúc chín vàng trên nương. Thơm đến nỗi, chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ đưa mùi hương ấy bay xa, làm náo nức cả bản làng.
Trong số những hạt ngọc thực để làm bánh chưng Điện Biên thì thật thiếu sót khi không nhắc đến gạo nếp cẩm nương. Gạo nếp cẩm hay còn gọi là nếp than, gạo đen, là loại gạo có màu sẫm thay vì màu trắng thông thường, khi nấu lên sẽ trở thành màu đỏ hoặc màu tím đen. Từng hạt gạo căng mẩy, bóng, đều nhau tăm tắp, chỉ cần vốc một nắm gạo trên tay cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm dịu của núi rừng.
Đây là loại gạo có thành phần dinh dưỡng rất cao nên còn được gọi là "bổ huyết mễ" (gạo bổ máu). Gạo nếp cẩm có thể nấu thành cơm xôi hoặc dùng nấu rượu, ủ rượu nếp cũng là một bài thuốc quý bổ máu huyết, trừ giun sán, kích thích tiêu hóa...Ngoài những món ăn truyền thống, thì hiện nay các loại thực phẩm được chế biến từ gạo nếp cẩm cũng khá đa dạng như: Sữa chua nếp cẩm, bánh chưng nếp cẩm, bánh ít nếp cẩm, …
Tuy nhiên, trong số rất nhiều những loại gạo nếp được sử dụng phổ biến để làm bánh chưng trên khắp Điện Biên, có lẽ gạo nếp nương là sản phẩm nổi tiếng nhất. Chỉ cần nhắc đến cái tên Điện Biên thôi đã đủ để người ta tin tưởng vào chất lượng của loại gạo nếp nơi đây.
Vì là nương lúa nếp trên những ruộng bậc thang lưng chừng núi, sườn núi cao nên chỉ có thể cấy được một vụ nếp nương. Chính vì vậy nên người quý hạt gạo nếp nương như quý những đứa con của mình vậy, đó là sự kết tinh từ những màu mỡ của đất, của trời trong cả một năm. Thơm, mềm, dẻo, ngọt, gạo nếp nương được coi là loại ngon nhất nhì trong các giống nếp là vì thế.
Khác với gạo nếp được trồng ở những vùng miền khác, nếp nương Điện Biên có hạt dài, mẩy, căng tròn, màu trắng sữa, nhìn bề ngoài có nét thô, mộc mạc như tấm lòng chân thành và hiếu khách của người Tây Bắc.
Khi nấu lên có độ sáng bóng, vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Ai đã từng được thưởng thức món bánh chưng nếp nương lá riềng thơm ngon do chính đồng bào các dân tộc chế biến sẽ cảm nhận được hương vị rất đặc biệt, khác hoàn toàn với những loại bánh chưng khác đã từng thưởng thức trước đó.
Một điểm cộng nữa cho gạo nếp nương Điện Biên được trồng theo lối canh tác truyền thống từ xưa, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học và đặc biệt được "uống nước" của núi rừng, cùng với khí hậu đặc trưng của Tây Bắc nên lúa nếp nương thường săn, chắc, thơm vô cùng.
Ở nước ta, mỗi khi Tết đến xuân về, dù ở thành phố hay quê, các gia đình nhỏ lại hối hả mua lá dong, gạo nếp... về gói bánh chưng. Bánh chưng muốn ngon cần nhiều yếu tố, một trong những nguyên liệu chính tạo nên sự thơm ngon của một chiếc bánh chưng đó chính là gạo nếp. Nếu được thưởng thức một chiếc bánh chưng làm từ gạo nếp nương Điện Biên, bạn sẽ thấy hương vị thơm ngon đến khó cưỡng.
Bánh chưng được làm bằng những hạt gạo dài, chắc, mẩy, mười hạt như mười nên chiếc bánh chưng nên khi bánh ninh nhừ đến mấy vẫn giữ nguyên được hình dáng hạt gạo, bánh dền và dù có để tủ lạnh 3-4 ngày vẫn không hề lại gạo như với những loại bánh thông thường.
Nhân bánh làm bằng thịt lợn mán được người dân tộc Thái nuôi trong bản với lối chăn thả tự do, sử dụng thức ăn là cây cỏ thiên nhiên nên thịt rất chắc thơm, không sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng. Thịt lợn mán thuần chủng có lớp mỡ béo ngậy, tạo vị béo. Để có màu xanh mướt tự nhiên đặc trưng, gạo làm bánh được nhuộm bằng nước lá giềng, cùng với kỹ thuật độc đáo.
Khâu chế biến được tiến hành một cách chỉn chu, tỉ mẩn từ cách làm lá, lạt cho đến gạo, thịt, đỗ và cách luộc,… tất cả đều theo công thức gia truyền không đâu có. Bởi vậy, bánh chưng Điện Biên được rất nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, từ hình thức cho tới chất lượng, mùi vị.
“Kìa Tây Bắc…quê em đấy ạ/Anh nhìn xem nắng đã lên nương/Vàng ươm sóng lúa tỏa hương/Nặng gùi bó củi ven đường ai đeo…” (Trích: Về Tây Bắc nhé anh- tác giả Thủy Tiên)
Hiện nay, bánh chưng được làm từ gạo nếp nương Điện Biên đã nổi tiếng trên khắp cả nước, “chiều lòng” được các bà, các mẹ, những người luôn yêu cầu khắt khe với bánh chưng bởi “tự tay có thể gói bánh, luộc được bánh, mà lại rất ngon".
Khách du lịch khi ghé Điện Biên thường mua những chiếc bánh chưng nếp nương của người dân tộc Thái để mang về làm quà. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của bánh chưng nếp nương.
Nguyễn Hà (T/h)