Khi lựa chọn ngành nghề, các học sinh không chỉ cần xem xét năng lực, sở thích của bản thân mà còn phải cân nhắc sự phù hợp của ngành học đó đối với điều kiện kinh tế gia đình cũng như xu hướng trong tương lai. Dưới đây là 7 sai lầm phổ biến của học sinh khi chọn ngành nghề.
Chọn ngành nghề theo ý muốn của cha mẹ, truyền thống gia đình
Nhiều cha mẹ thường muốn con lựa chọn những nghề ổn định, lương cao hoặc đơn giản là theo truyền thống của gia đình. Một số học sinh dễ thuận theo ý muốn của cha mẹ mà từ bỏ ngành học mình yêu thích.
Trên thực tế, việc lựa chọn ngành học như vậy có thể khiến các em bị thiếu động lực học, cảm thấy không hứng thú và chán nản khi học. Học sinh nên lựa chọn ngành học dựa trên năng lực, sở thích, cũng như đam mê của bản thân, thay vì theo mong muốn của gia đình.
Chọn ngành nghề theo số đông
Không ít học sinh lựa chọn những ngành có đông người học, với suy nghĩ đó là ngành lương cao, ổn định và có triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, những ngành học được số đông lựa chọn sẽ có tỷ lệ cạnh tranh và đào thảo cao hơn, khắc nghiệt hơn.
Việc lựa chọn ngành nghề tác động không nhỏ đến tương lai của các học sinh. Ảnh minh họa
Sau khi ra trường, học sinh chọn các ngành đông người học chưa chắc tìm được công việc đúng ngành, mà lại phải làm trái ngành hoặc việc làm không như ý. Theo US News, học sinh nên dành thời gian để khám phá bản thân, xác định rõ con đường tương lai trước khi quyết định ngành học.
Chọn ngành nghề theo bạn bè
Một nhóm bạn chơi thân có thể sẽ lựa chọn ngành giống nhau để được tiếp tục học cùng nhau, bất chấp ngành đó không phù hợp, không đúng với đam mê của bản thân.
Theo Thomas Frank - tác giả cuốn sách 10 Steps to Earning Awesome Grades, mỗi người có mối quan tâm, động lực, cũng như các mạng lưới quan hệ khác nhau.
Những khác biệt nói trên càng thể hiện rõ ràng hơn khi lên đại học. Vậy nên, các học sinh nên lựa chọn ngành học dựa trên đam mê của mình, khả năng và mục tiêu sự nghiệp.
Chọn ngành nghề không phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình
Học sinh có thể gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí học tập nếu lựa chọn ngành học không phù hợp với tài chính của gia đình. Do đó, học sinh cần tìm hiểu kỹ về chi phí học tập của ngành muốn học, xem liệu có phù hợp với khả năng tài chính hay không.
Ngoài ra, học sinh cũng có thể cân nhắc các ngành học, trường học miễn giảm học phí và tìm kiếm học bổng, nhờ đó giảm bớt áp lực tài chính trong quá trình học tập. Với việc chọn ngành học dựa trên tài chính gia đình, học sinh có thể tập trung vào học tập và phát triển sự nghiệp một cách hiệu quả.
Chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực học của mình
Học sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành mình muốn học, đồng thời đánh giá năng lực của bản thân. Nếu cảm thấy mình không đủ năng lực để theo học ngành đó thì nên cân nhắc lại, tìm kiếm những ngành học phù hợp hơn.
Việc lựa chọn ngành học quá năng lực của bản thân có thể khiến học sinh đạt kết quả không như ý muốn, dễ dẫn đến cảm giác thất vọng và chán nản. Trái lại, học sinh sẽ có động lực học hơn, dễ phát triển sự nghiệp và thành công trong tương lai nếu học ngành phù hợp với năng lực.
Trong trường hợp quá thích một ngành học nhưng lại thiếu năng lực, kiến thức cần thiết, học sinh có thể tìm hiểu thêm về ngành, học thêm những kỹ năng cần thiết và tham gia các khóa học để nâng cao trình độ.
Học sinh nên cân nhắc đến đam mê, năng lực của bản thân, điều kiện tài chính gia đình khi lựa chọn ngành nghề. Ảnh minh họa: Living by Design Ministries
Chọn ngành nghề “dễ học”
Do nhận thấy bản thân không có sở thích, năng khiếu đặc biệt ở lĩnh vực cụ thể nào nên một số học sinh quyết định theo học ngành được cho là “dễ học”. Tuy nhiên, mỗi ngành học lại có đặc thù và độ khó riêng, nếu không tìm hiểu kỹ hoặc không quyết tâm học thì học sinh dễ bị chán nản và muốn bỏ ngang.
Học sinh tốt nhất nên xem xét những ngành phù hợp với bản thân hoặc liên quan đến sở thích. Khi được theo đuổi những điều mà mình thích thú, các học sinh dễ phấn đấu và không ngại đương đầu với khó khăn.
Chọn ngành nghề “an toàn”
Nhiều học sinh cho rằng, một ngành học “an toàn” sẽ hội tụ các yếu tố: dễ tìm việc khi ra trường, cơ hội việc làm không bị giảm, lương ổn định và không bị sa thải đột xuất.
Thực tế, không một ngành nghề nào có thể đáp ứng đủ được những yêu cầu về sự an toàn đó. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực để có những rủi ro khó tránh nên học sinh cần suy nghĩ kỹ càng, chuẩn bị trước cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Đ.K (T/h)