(ĐSPL) – Thời tiết đang vào hè, để bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là điều rất cần được đề cao và chú ý.
Cứ vào dịp hè hàng năm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với người dân lại tăng cao do rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu có thể nói là do các loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc. Ngoài ra, do thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi thiu hơn các mùa khác khiến người ăn phải bị ngộ độc.
Trong những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng đáng báo động. Mỗi năm, các bệnh viện trên cả nước phải tiếp nhận hàng nghìn ca ngộ độc thực phẩm. Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, trong năm 2014, cả nước ghi nhận 189 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.100 người mắc, 4.100 người nhập viện và 43 trường hợp tử vong.
Tờ Lao động cho hay, vào tháng 6 năm ngoái, nguy hiểm nhất là vụ ngộ độc thực phẩm khiến 25 người ở công trường xây dựng trường THPT chuyên Lào Cai đã phải vào BV Đa khoa tỉnh Lào Cai cấp cứu sau khi bữa tối với các món thịt ngựa xào, thịt ngan luộc, rau sống, dưa xào lòng ngựa và tiết canh ngựa. Theo BS Nguyễn Hữu Sơn - PGĐ BV, đây là vụ ngộ độc lớn nhất được cấp cứu tại bệnh viện trong 5 năm qua.
Công nhân công ty thời trang Star đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Vnexpress. |
Mới đây nhất, tờ Vnexpress đưa tin, trên địa bàn Hà Nội ngày 7/4 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến cho 107 công nhân Công ty TNHH thời trang Star của Singapore ở khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) phải nhập viện sau bữa ăn trưa tại bếp ăn tập thể của công ty. Nguyên nhân gây ngộ độc nghi ngờ là món rau cải. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm đầu tiên xảy ra ở khu công nghiệp tại Hà Nội với số lượng lớn nhập viện.
Trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm de dọa sức khỏe của con người, nhất là trong dịp hè này việc phòng tránh bệnh nguy hiểm này là việc làm rất quan trọng, nhất là đối với những bà nội trợ. Dưới đây là một số nguyên tắc phòng tránh ngộ độc thực phẩm mà các chị em phụ nữ nội trợ cần phải chú ý.
Theo tờ Chất lượng Việt Nam, một trong những nguyên tắc đầu tiên để có thể chế biến những món ăn ngon chất lượng đó chính là lựa chọn những loại thực phẩm tươi sạch.
Đối với những loại rau sống khi ăn thì các bạn cần phải rửa thật sạch và ngâm qua nước muối loãng khoảng 15 phút để đảm bảo. Còn khi ăn hoa quả các bạn nên bỏ vỏ khi ăn. Những thực phẩm đông lạnh thì các bạn lưu ý cần chế biến sau khi rã đông để đảm bảo không mất chất dinh dưỡng và an toàn khi dùng.
Xem thêm video Hơn 100 công nhân ngộ độc thực phẩm tại Hà Nội.
Để đảm bảo an toàn cho mỗi bữa ăn, khi chế biến các món ăn thì các bạn cần phải chú ý nấu chín kỹ các món ăn. Đặc biệt, các bạn hãy ăn sau khi đã nấu xong, với việc này không chỉ giúp cho mỗi bữa ăn trở nên thơm ngon hơn mà còn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm vì khi đã chế biến thức ăn càng để lâu thì thức ăn sẽ bị mất chất dinh dưỡng và rất dễ bị biến đổi chất do bị các vi khuẩn ở môi trường xung quanh xâm nhập.
Khi chế biến những món ăn thường ngày, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không những phải rửa sạch thực phẩm, bạn còn phải chú ý làm sạch đôi tay trước khi chế biến.
Đặc biệt, khi chuyển sang các giai đoạn chế biến khác nhau bạn cần phải đảm bảo đôi tay của mình luôn sạch sẽ để đảm bảo đồ ăn sẽ không bị nhiễm bẩn của những đồ ăn khác. Khi tiếp xúc tay với đồ ăn chín thì bạn hãy cân nhắc dùng găng tay chuyên dụng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi ăn.
Luôn đảm bảo vệ sinh những thực phẩm trong khi chế biến. Ảnh minh họa. |
Để đảm bảo chất lượng, an toàn của mỗi bữa ăn, những dụng cụ ăn uống hằng ngày trong gia đình cũng cần phải rửa sạch sẽ và chất ở nơi khô ráo và những chiếc khăn lau bát các bạn hãy chú ý cần phải thay thường xuyên để đảm bảo chiếc khăn luôn sạch sẽ không bị nhiễm khuẩn.
Trong những ngày hè nắng nóng nếu bạn muốn bảo quản những loại thức ăn hơn 5 tiếng đồng hồ thì bạn nên giữ nóng thức ăn trên 60°C hoặc là để trong tủ lạnh giữ lạnh dưới 10°C.
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ thì các bạn hãy chú ý là không nên dùng lại để đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ vì hệ tiêu hóa của trẻ con kém hơn so với những người lớn.
Chị em nên chú ý không nên để lẫn hoặc sử dụng chung đồ ăn chín và đồ ăn sống. Bởi những đồ ăn sống thường chưa được chế biến, các vi khuẩn vì thế sẽ bị lây nhiễm chéo sang những đồ ăn chín do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp (như là dùng chung dao, thớt với đồ ăn sống và chín). Vì thế, tuyệt đối nhớ nguyên tắc này, để đảm bảo vệ sinh, bạn có thể sử dụng riêng các dụng cụ chế biến đồ ăn chín và đồ ăn sống.
Để góp phần làm cho món ăn bảo đảm an toàn vệ sinh cũng như việc ngăn chặn ruồi muỗi, dán… sinh xôi, các bà nội trợ nên chú ý dọn dẹp sạch sẽ, khô ráo khu vực nấu ăn. Điều đó có vai trò không chỉ giúp phòng chống ngộ độc thực phẩm mà còn giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và cả gia đình khỏi các căn bệnh truyền nhiễm khác.
PHƯƠNG NHI (Tổng hợp)