Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

7 bộ quản lý 1 cây xúc xích, doanh nghiệp kêu “khó thở”

(DS&PL) -

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, trong quá trình xuất nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, không có khâu nào là không có phong bì.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, trong quá trình xuất nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, không có khâu nào là không có phong bì.

Bức xúc này của doanh nghiệp được ông Mai Huy Tân – Hội quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt, Chủ tịch, TGĐ công ty tư vấn nhịp cầu Việt Đức chia sẻ tại hội thảo về Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Hội thảo do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay (29/7) tại Hà Nội.

Quản lý máy móc và “hành là chính”

Theo nhận xét của ông Mai Huy Tân, Luật Doanh nghiệp sửa đổi tác động nhiều hơn đối với sự ra đời của các doanh nghiệp mới. “Nhưng tôi nghĩ, rất nên quan tâm đến nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động sẽ tác động như thế nào, sẽ dễ thở hơn như thế nào? Luật sửa đổi để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, dễ thở hơn cho các doanh nghiệp. Nhưng không phải là chỉ sửa luật mà còn phải sửa nhiều thứ khác thì doanh nghiệp mới dễ thở được” – ông Tân nói.

Lấy dẫn chứng từ chính doanh nghiệp của mình, ông Tân cho hay: "Chỉ 1 cái xúc xích của chúng tôi đến giờ có tới 7 bộ quản lý (Bộ NN-PT-NT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ TN-MT, Bộ KHCN, Bộ Công thương, và Bộ công an).

Gần đây, cảnh sát môi trường đến kiểm tra doanh nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi đầu tư nhiều tỷ cho hệ thống xử lý môi trường, các chỉ số rất tốt. Nhưng cuối cùng có một đồng chí cảnh sát môi trường phát hiện ra khu vực phía chất thải của chúng tôi là để trong thùng màu xanh với chữ màu đỏ là “Tập kết rác thải”. Giở luật ra thì tập kết rác thải phải để trong thùng chứa màu đỏ. Đoàn kiểm tra ghi vào biên bản vi phạm là “Thùng chứa không đúng màu”.

Từ câu chuyện này, ông Mai Huy Tân cho rằng, sự máy móc và “hành là chính” của các cơ quan quản lý, 7 bộ cho 1 cái xúc xích thì quá đáng. Vì ở Mỹ hay CHLB Đức thì có 1 cục là FDA (Cục quản lý dược phẩm, thực phẩm) làm việc này. “Do đó, việc sửa luật quan trọng nhưng cũng phải sửa cả môi trường kinh doanh, bao gồm nhiều nội dung khác nhau” – ông Mai Huy Tân nhắc lại.

Một nội dung khác được ông Tân nhắc đến là luật chú ý nhiều đến việc khai sinh doanh nghiệp cho thuận lợi nhưng việc khai tử cũng quan trọng không kém. Theo đó, điều kiện chấm dứt hoạt động để doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cũng phải rất đơn giản, rõ ràng. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động rồi mà không thể nào giải thể được.

Lại đưa ra câu chuyện của chính mình, ông Tân nói: "Cách đây 7 năm tôi có nhìn thấy cơ hội và định làm một trang trại chăn nuôi heo để cung cấp thịt cho nhà máy chế biến xúc xích của công ty mình.

Thế nhưng, sau đó các điều kiện kinh doanh không hợp nữa (vì Hưng Yên không có khu qui hoạch nào để chăn nuôi). Từ đó đến giờ tôi không triển khai dự án đó nữa và Công ty cổ phần chăn nuôi Đức Việt được lập ra mà không có hóa đơn, không làm bất cứ việc gì khác nhưng không thể làm thủ tục giải thể được.

Các cơ quan quản lý vẫn quản các doanh nghiệp trên giấy. Hàng năm, chúng tôi vẫn nhận được các thông báo thuế… liên quan đến Công ty cổ phần chăn nuôi Đức Việt. Chúng tôi đã làm đủ các thủ tục ngừng hoạt động rồi nhưng không giải thể được.

Ông Mai Huy Tân chia sẻ tại hội thảo.

 

Chúng tôi đề nghị, trong luật phải làm thế nào để trừ những DN lập ra rồi giải thể để mua bán hóa đơn hay vì lý do nào đó thì kiểm soát cho kỹ, còn nói chung bình thường người ta lập ra công ty vì thấy cơ hội kinh doanh. Nhưng cơ hội này không phải tồn tại mãi mãi mà nó sẽ qua đi thì giải thể. Đằng này, làm thủ tục khai tử DN vô cùng khó, vô cùng lâu”.

Một câu chuyện về sự “chia chác” khi làm các thủ tục nhập khẩu cũng được ông Mai Huy Tân chia sẻ. Chúng tôi muốn nhập một container gia vị để sản xuất mù tạt thì phải trải qua rất nhiều khâu và không có khâu nào là không mất phong bì.

Chúng tôi đảm bảo hoàn toàn sạch sẽ, không hợp lý hóa một cách vớ vẩn, chứng từ thế nào là đúng y như thế. Vì vậy, không thể có chứng từ là hôm nay phong bì cho ông A bao nhiêu, ông B bao nhiêu, cho nên phải lấy từ cổ tức, lợi nhuận của cổ đông cho vào một quỹ cho điều hành để chi, giữ cho sổ sách của DN sạch sẽ và chỉ có một sổ duy nhất. Quyết định này của tôi là tiền tỷ chứ không phải tiền triệu.

“Ở đây tôi muốn chia sẻ rằng, hàng ngày chúng tôi phải đối phó với nhiều vấn đề đau đầu. Gần như, nhiệt huyết về sự phát triển và đầu tư suy giảm nhiều. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể phát triển như thế nào nếu trong lòng không còn nhiệt huyết để đầu tư. Nhà nước phải nghĩ đến việc phát triển đội ngũ doanh nhân một cách lành mạnh. Khi doanh nhân không muốn phát triển và không muốn đầu tư nữa thì kinh tế của Việt Nam có tương lai hay không?” – ông Tân bày tỏ sự băn khoăn của mình.

Còn nhiều vấn đề chưa hợp lý

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách của VACD, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hiện nay vẫn còn một số điểm chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống.

Đơn cử như quy định về công ty hợp danh. Trong dự thảo luật quy định, “ngoài các thành viên hợp danh, công ty hợp danh còn có thể có thêm thành viên góp vốn” và “thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty”. Ngoài ra, dự thảo còn quy định, “công ty hợp danh có tư cách pháp nhân”.

Dưới con mắt của một luật gia cũng như là luật sư đã tham gia tư vấn cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Tiền khẳng định rằng, việc quy định có thành viên góp vốn trong công ty hợp danh là không khả thi trong thực tế. Thậm chí quy định này còn tạo ra một loại hình doanh nghiệp “lưỡng cực”, không phù hợp với quy định về pháp nhân theo Điều 84 Bộ Luật Dân sự.

Theo thực tế mà luật gia Vũ Xuân Tiền đưa ra, hiện ông biết 7-8 công ty hợp danh không có thành viên góp vốn nào và thực tế hiện cũng chưa tìm ra được một công ty hợp danh nào có thành viên góp vốn.

Do đó, luật sư cho rằng cần sửa lại dự thảo luật trong quy định về công ty hợp danh mà không có 3 vấn đề trên.

Ngoài ra, ông Vũ Xuân Tiền còn cho rằng quy định tập đoàn kinh tế có điều lệ tổ chức và hoạt động riêng như dự thảo luật là không đúng vì tập đoàn không có tư cách pháp nhân bởi Bộ Luật Dân sự chỉ quy định về điều lệ đối với pháp nhân.

Hai vấn đề khác mà theo luật gia là những vấn đề quan trọng nhưng chưa được đưa vào dự thảo, đó là quy định liên quan đến công ty cổ phần và về hậu kiểm.

Liên quan đến công ty cổ phần, ông Tiền cho rằng, dự thảo cần có một hoặc một số điều khoản quy định về các loại công ty cổ phần tùy theo mức độ “xã hội hóa” của các cổ đông.

Theo đó, cần có thêm ba loại hình công ty là công ty cổ phần nội bộ, công ty cổ phần đại chúng và công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó, công ty cổ phần nội bộ là để phù hợp với khá nhiều công ty gia đình hiện nay.

Về vấn đề hậu kiểm, ông Tiền đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 217 dự thảo luật với nội dung, việc hậu kiểm được thực hiện đối với doanh nghiệp sau một năm kể từ ngày nhận giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dưới hình thức kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập.

Việc kiểm tra nhằm hậu kiểm không xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chính phủ quy định về nội dung, trình tự, thủ tục về hậu kiểm.

Theo ông Vũ Xuân Tiền, lý do cần phải đưa quy định về hậu kiểm vào dự thảo là bởi trong các Luật Doanh nghiệp 2000 và Luật Doanh nghiệp 2005, vấn đề tiền kiểm đã được “mở” thông thoáng nhưng không có quy định về hậu kiểm đã khiến cho một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để vi phạm pháp luật.

Tin nổi bật