Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

62 ngành tuyển sinh trở lại: Mở đường cơ chế xin - cho?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép 62 ngành tiếp tục tuyển sinh trở lại đã khiến các nhà giáo dục cho rằng, như thế là tạo ra cơ chế xin - cho.

(ĐSPL) - Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép 62 ngành tiếp tục tuyển sinh trở lại đã khiến các nhà giáo dục cho rằng, như thế là tạo ra cơ chế xin - cho.

Cũng đột ngột như việc cho dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ vì thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu ngay trước khi các trường thông tin về kỳ thi tuyển sinh 2014, mới đây, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại cho phép 62 ngành được tiếp tục tuyển sinh ngay một tháng sau. Điều này khiến các nhà giáo dục cho rằng đã tạo ra cơ chế xin - cho.

Ảnh minh họa.

Các trường "chạy" chỉ tiêu?

Lý giải về việc cho phép 62 ngành được tiếp tục tuyển sinh ngay trong năm nay, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Đại học, bộ GD&ĐT cho rằng: "Sau thông báo dừng tuyển sinh lần này đã có rất nhiều trường có động thái tích cực trong việc điều chỉnh lại đội ngũ giảng viên, cơ cấu lại các ngành đào tạo. Nhiều trường đã tuyển dụng được một số thầy cô giáo đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí đặt ra của bộ. Chẳng hạn một số ngành đã có thầy cô giáo đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ ở đúng ngành đào tạo.

Nhiều thầy cô giáo trong thời gian vừa qua đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hoặc luận văn thạc sĩ và đã nhận được bằng, bổ sung thêm lực lượng giảng dạy cho một số nhà trường. Cũng có một số trường đã báo cáo thực tế không đúng và Bộ đã cho các trường đó được phép rà soát và báo cáo lại với Bộ. Bộ chấp nhận minh chứng báo cáo của nhà trường và tiếp tục hậu kiểm. Nếu báo cáo không đúng thì các trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm".

Trước đó, vào đầu tháng 2, lãnh đạo bộ GD&ĐT từng khẳng định chắc nịch rằng, không có chuyện bộ nhầm lẫn về số liệu báo cáo. Bởi, việc rà soát của Bộ bắt đầu từ tháng 3/2013 và kết thúc vào tháng 7/2013. Đến tháng 12/2013, Bộ mới tiến hành xử lý. Trong thời gian này, Bộ đã gọi điện tới các trường có vấn đề, đề nghị bổ sung thông tin và kiểm tra lại báo cáo để tránh sai sót. Tuy nhiên, những trường có ngành thuộc diện bị dừng tuyển sinh không có báo cáo gì bổ sung. Bộ đã căn cứ vào báo cáo của các trường để xử lý.

Ấy thế mà chỉ hơn một tháng kể từ khi Bộ công bố dừng tuyển sinh (ngày 25/1), chưa kể thời gian nghỉ tết, các trường đã có thể bổ sung đủ giảng viên theo quy định. Điều này khiến dư luận xã hội  ngạc nhiên về độ "nhanh nhạy" quá mức của các trường.

Theo nguồn tin riêng của báo Đời sống và Pháp luật, con số 62 ngành chưa phải là con số cuối cùng, mà hơn 30 ngành học nữa sẽ được mở lại trong một vài ngày tới. Lãnh đạo một trường nằm trong "top nguy hiểm" tiết lộ, nếu các trường tiếp tục bổ sung được đội ngũ giảng viên thì Bộ lại cho tiếp tục tuyển sinh. Con số cho mở lại ngành chưa dừng lại. Được biết, tình trạng cấm rồi lại không cấm cũng từng xảy ra. Trước đây, Bộ cấm đào tạo thạc sĩ một số ngành rồi lại cho mở, nay đến bậc ĐH.

Trưởng phòng đào tạo của một trường đại học danh tiếng và uy tín bậc nhất ở Hà Nội cho hay: "Tôi tưởng con số ngành được phép tuyển sinh trở lại là hơn 100, không ngờ chỉ có 62 ngành học. Trong thời gian vừa rồi, một số trường cũng gọi nhờ xem có giới thiệu được cho thầy nào để họ cho vào danh sách cơ hữu của họ vì trường tôi có rất nhiều giảng viên là giáo sư, tiến sĩ... Nhưng một cán bộ thì không thể đứng tên ở cả hai trường được. Nếu đứng trong danh sách của trường đó thì phải bỏ ra khỏi danh sách của trường tôi nên chúng tôi không đồng ý".

Một cán bộ làm công tác quản lý của trường đại học Văn hóa cho hay, chính bản thân trường này khi được Bộ yêu cầu thống kê giảng viên trong trường cũng không biết thống kê để làm gì. Trường này tuân thủ yêu cầu của Bộ, thống kê giảng viên theo đúng ngành học. Số lượng giảng viên của trường đáp ứng được tiêu chí của Bộ nên không có ngành nào nằm trong top 207 ngành học phải dừng tuyển sinh. Nếu biết việc thống kê giảng viên cơ hữu ấy sẽ ảnh hưởng tới việc đóng ngành học, có lẽ kết quả của nhiều trường đã khác. Có thể Bộ muốn có một kết quả trung thực nên không tiết lộ mục đích của báo cáo. "Tôi cho rằng đây cũng là lời cảnh báo của Bộ để các trường chuẩn bị đội ngũ giảng viên. Các trường có đội ngũ giảng viên tốt thì các em vào học  ngành đó có tâm lý ổn định hơn, được trang bị kiến thức tốt hơn", vị này nói.

Tạo ra cơ chế xin - cho?

Quyết định cho tuyển sinh lại đối với 62 ngành đào tạo được nhiều chuyên gia giáo dục xem là một cách "chữa ngượng" của Bộ. Việc đột ngột cho dừng 207 ngành học rồi chỉ sau một tháng sau lại cho mở 62 ngành khiến dư luận xã hội đặt ra nghi vấn về việc bộ GD&ĐT đang tạo ra cơ chế xin - cho.

PGS, TS Đặng Ngọc Lệ, nguyên giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, cách làm việc của bộ GD&ĐT rất vô lý, thiếu xác đáng. Tại sao cấm rồi lại vội vàng cho phép các trường đào tạo lại? Trong một tháng, Bộ có đến từng trường, từng ngành kiểm tra có đạt tiêu chuẩn về giảng viên không hay chỉ tiếp tục dựa vào giải trình và báo cáo của trường? Bệnh quan liêu, giấy tờ rất nặng của Bộ đã gây hoang mang cho thí sinh và xã hội".

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, bộ GD&ĐT không thanh tra, kiểm tra kỹ mà cho phép tuyển sinh trở lại nhanh chóng là vì quyền lợi của sinh viên, lợi ích kinh tế của các trường hay vì lý do gì khác? Vấn đề này đặt ra nhiều câu hỏi mà chỉ người trong cuộc mới có câu trả lời.

Trước luồng ý kiến như trên, người đại diện của bộ GD&ĐT, ông Bùi Anh Tuấn lý giải: "Có thể nhìn vào hiện tượng thì mọi người sẽ nghĩ như vậy nhưng không phải vậy. Trong quá trình xử lý các trường vừa qua, không những chúng tôi giám sát việc này mà rất nhiều thầy cô giáo ở các trường cũng phản ánh thực tiễn của trường. Tôi lấy ví dụ ở Hà Tĩnh, các thầy cô giáo cũng phản ánh rằng, tôi thấy đội ngũ như thế này chưa đúng, cần phải thay đổi như thế này, thế kia. Sinh viên có ý kiến, xã hội có ý kiến, tạo ra một cơ chế giám sát. Tôi nghĩ rằng không thể nói là cơ chế xin - cho được nữa mà đã là cơ chế giám sát lẫn nhau".

Ông Tuấn cũng cho biết: "Qua việc cấp lại 62 ngành đào tạo lần này, chúng ta phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác Nhà nước về quản lý giáo dục đại học, chúng tôi đã có những đổi mới để giám sát các trường chặt chẽ hơn trong các ngành đào tạo".

Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa thấy thỏa mãn với giải đáp này.

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH bộ GD&ĐT cũng thừa nhận qua rà soát, Bộ thấy xuất hiện giảng viên ký hợp đồng làm giảng viên cơ hữu cùng lúc ở nhiều trường khác nhau, trường hợp này Bộ chưa chấp nhận.

Đối với một số ngành thuộc khối văn hóa - nghệ thuật và ngôn ngữ, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng: "Bộ sẽ  áp dụng giải pháp linh hoạt các điều kiện đặc thù để đảm bảo đủ số giảng viên cơ hữu theo yêu cầu trong giai đoạn quá độ 2014 - 2017. Nghĩa là đối với các trường nghệ thuật, bộ cho phép tính giảng viên cơ hữu với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, có hợp đồng dài hạn, làm việc toàn phần với cơ sở đào tạo. Chấp nhận các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy dài hạn ngành ngôn ngữ". Tuy nhiên trong 62 ngành mà bộ cho phép tiếp tục tuyển sinh năm 2014, chưa thấy ngành nào thuộc khối nghệ thuật, ngành đặc thù.

Thành Huế

Tin nổi bật