Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

5 vụ án mất tích đáng sợ chưa có lời giải: Ngàn người "bốc hơi" không dấu vết

(DS&PL) -

Việc hàng ngàn người cùng biến mất mà chẳng đề lại dấu vết gì khiến các nhà khoa học “đau đầu” suốt nhiều thập kỷ.

Việc hàng ngàn người cùng biến mất mà chẳng đề lại dấu vết gì khiến các nhà khoa học “đau đầu” suốt nhiều thập kỷ.

2000 người Eskimo "bốc hơi"

Người Eskimo. - Ảnh: World Atlas

Vào một đêm giá lạnh tháng 11/1930, ông Joe Labelle cố gắng lê từng bước trên tuyết lạnh, tiến về phía ngôi làng Anjikuni để kiếm chỗ nghỉ qua đêm. Đó là ngôi làng của những người Eskimo, nằm ở hạt Kivalliq, bang Nunavut, Canada - khu vực xa xôi hẻo lánh và lạnh giá nhất của Bắc Mỹ.

Ông Joe Labelle đã từng nhiều lần qua lại mua bán da thú với người dân làng này và rất thân thiết với họ. Nhưng khi gần đến nơi, ông Joe Labelle đã cảm thấy một điều kỳ lạ: Ngôi làng im ắng một cách lạ thường. Không có tiếng chó sủa, tiếng trẻ con nô đùa và tiếng người lớn cười nói vui vẻ phát ra từ những ngôi nhà đầu tiên ông nhìn thấy.

Tất cả đều đã biến mất. Hơn 2.000 người già, trẻ, gái, trai đã từng sống ở đây, mà bây giờ không còn bóng dáng một ai.

Bình tâm hơn một chút, người lái buôn xem xét kỹ hiện trường và chợt nhận ra rằng, không chỉ người mà đến súc vật nơi đây cũng chẳng còn một mống. Chó, dê, cừu, tuần lộc cũng biến mất.

Tại một ngôi nhà, ông thấy củi vẫn đang cháy trong lò sưởi. Nồi súp treo bên cạnh vẫn đang sôi sùng sục, còn trên ghế ngoài phòng khách, hai chiếc áo đang khâu dở, kim chỉ vẫn còn cắm vào áo.

Vào nhà kho, ông thấy quần áo và thức ăn khô vẫn nguyên vẹn. Dù vội đến đâu thì đây cũng là hai thứ mà một người không thể không mang theo khi đi ra ngoài trong mùa đông giá lạnh thế này. Không phải họ đã đi di tản.

Joe Labelle bỏ chạy thục mạng về phía một điểm bưu điện cách đó vài kilomet. Khi tới nơi, ông chỉ kịp thều thào nói với nhân viên điện tín vài câu trước khi ngất xỉu, nhưng cũng đủ để người này hiểu ra vấn đề và đánh một bức điện báo tin cho cảnh sát địa phương.

Ngày hôm sau, cảnh sát đến Anjikuni và bắt đầu tìm kiếm, nhưng vẫn không có bóng người hay gia súc nào được tìm thấy. Kinh hoàng hơn, khi ra khu vực nghĩa trang, mọi người phát hiện tất cả các ngôi mộ đều đã bị bới tung lên. Huyệt mộ trống không, quan tài biến mất.

Người Eskimo thường xếp những tảng đá lớn bên trên mộ để ngăn chặn các loài thú ăn thịt xâm phạm mồ mả người thân của mình. Những tảng đá này giờ đây được xếp gọn gàng thành hàng lối bên cạnh huyệt mộ. Không loài động vật nào có thể làm được điều này.

Khắp ngôi làng, không hề có dấu hiệu của sự tấn công từ một thế lực nào đó. Giả thiết người dân nơi đây đã cùng nhau di cư, mang theo cả gia súc cũng không hợp lý. Các phương tiện di chuyển của họ cùng với vũ khí, lương thực, quần áo, đồ dùng vẫn còn nguyên vẹn.

Sau rất nhiều nỗ lực, cảnh sát Canada cũng phải khép lại hồ sơ mà không tìm ra được nguyên nhân. Đến nay, "ngôi làng chết" Anjikuni vẫn là một đề tài nằm trong vòng bí ẩn. Không ai có thể cắt nghĩa được, chuyện gì đã xảy ra. Bản thân nhân chứng duy nhất là người lái buôn da thú Joe Labelle cũng đã qua đời từ lâu. Có lẽ, đây mãi mãi là một bí ẩn không bao giờ có lời giải đáp.

117 người di cư biến mất tại đảo Roanoke

Tranh vẽ minh họa vụ mất tích bí ẩn - Ảnh: Poets

Năm 1587, 117 người di cư từ Anh do John White (1540 – 1593) dẫn đầu đã tìm đến hòn đảo Roanoke trên bờ biển Bắc Carolina (Mỹ) ngày nay để tạo dựng một cuộc sống mới trên miền đất hứa.

Trớ trêu thay, khi đến nơi, họ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người bản xứ. John White khi đó quyết định trở về Anh để xin quân viện trợ.

Phải mất 3 năm sau, năm 1590, John White mới có thể trở lại hòn đảo Roanoke. Hiện thực trước mắt ông phải chứng kiến quá đỗi kinh ngạc: Hơn 100 người dân, từ đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều biến mất.

Tuy nhiên, có một manh mối được để lại: Chữ "Croatoan" được khắc lên một cây cột, và 3 chữ cái "CRO" khắc ở một thân cây khác (trước đó White từng hướng dẫn quân lính của mình cách để lại dấu vết nếu có biến cố xảy ra, nhưng phải kèm theo một dấu thập Maltese để nhận biết). Không may là một cơn bão ập đến sau đó đã cuốn đi hết hy vọng tìm kiếm thêm manh mối của ông, và bí ẩn kia cũng vì thế mà ngày càng bị vùi sâu theo thời gian.

Liệu có phải họ đã di chuyển đến hòn đảo khác gần đó liên quan đến những cụm từ được khắc, để rồi chung sống (hoặc bị giết) bởi bộ lạc thổ dân trên đảo? Chiến tranh đã khiến họ bỏ mạng? Dịch bệnh và thiên tai? Các cuộc điều tra và tìm kiếm vẫn tiếp tục, nhưng kết quả nhận được vẫn chỉ là những cái lắc đầu vô vọng.

Truyền thuyết này cũng chính là chủ đề của rất nhiều tác phẩm điện ảnh, sách và các chương trình truyền hình về sau. Vì không có bằng chứng khảo cổ học nên sự thật về sự biến mất của binh đoàn La Mã tinh nhuệ không bao giờ được khám phá .

4.000 chiến binh của binh đoàn La Mã 9 biến mất không dấu vết

Legio IX Hispana trở thành một trong những đội quân đáng sợ nhất trong lịch sử quân đội La Mã. - Ảnh minh họa: Pinterest

Quân đoàn 9 Tây Ban Nha (Legio IX Hispana) là một quân đoàn lê dương lâu đời của đế quốc La Mã. Theo S.Danno-Collins, Quân đoàn 9 do Pompeius Vĩ Đại thành lập tại xứ Hispania (Tây Ban Nha) thuộc Cộng hòa La Mã vào năm 65 TCN.

Quân đoàn số 9 gồm hơn 4.000 chiến binh quả cảm nhất, dũng mãnh nhất đã chiến đấu và giành được nhiều thắng lợi trong các cuộc chinh phạt từ châu Phi và Tây Ban Nha đến Đức và Anh.

Nhưng vào năm 109 SCN, trong khi đang viễn chinh tại khu vực ngày nay gọi là Scotland, toàn bộ quân đoàn tinh nhuệ đã biến mất. Tới năm 197, danh sách các quân đoàn lê dương của đế quốc không còn Quân đoàn 9 Tây Ban Nha. Nó đã biến mất khỏi lịch sử một cách bí ẩn.

Giả thuyết từng được chấp nhận rộng rãi là Quân đoàn 9 bị tiêu diệt trong khoảng từ 108-120. Tuy nhiên, một số di vật được khai quật ở Nijmegen, Hà Lan (đương thời là Germania Inferior thuộc La Mã) cho thấy sự hiện diện của các quân nhân Quân đoàn 9 vào khoảng cuối thế kỉ I - đầu thế kỉ II. Một số ước tính cho thấy các di vật có niên đại từ khoảng năm 120! Có lẽ nào Quân đoàn 9 đã được chuyển từ Anh về Germania Inferior?

Vì không có bằng chứng khảo cổ học nên sự thật về sự biến mất của binh đoàn La Mã tinh nhuệ không bao giờ được khám phá .

Chiến hạm USS Cyclops cùng 306 hành khách, thủy thủ không bao giờ cập bến

Chiến hạm USS Cyclops - Ảnh: Fox News

Các tài liệu chỉ ra rằng, rất nhiều tàu thuyền và máy bay biến mất không dấu vết khi qua vùng tam giác quỷ Bermuda trong hơn 100 năm qua. Dù các nhà khoa học có thể giải thích hầu hết các vụ mất tích nhưng số còn lại vẫn nằm trong vòng bí ẩn. USS Cyclops là một trong những con tàu lớn nhất biến mất hoàn toàn khi qua vùng biển Bermuda.

Trong Chiến tranh thế giới thứ 1, USS Cyclops là một trong những tàu nhiên liệu lớn nhất của Hải quân Mỹ. Nó được nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày 4/3/1918, khi đang cập bến tại vùng Tây Ấn trên hải trình từ Brazil đến Baltimore, mang theo 10.800 tấn quặng mangan (sử dụng trong sản xuất đạn dược).

USS Cyclops đã không bao giờ cập bến Baltimore (thành phố cảng của bang Maryland, Mỹ). Hải quân Mỹ không tìm thấy bất kể dấu vết nào của con tàu dài 165 m cùng 306 hành khách và thủy thủ đoàn. Tính tới thời điểm hiện tại, sự cố USS Cyclops vẫn là tổn thất nghiêm trọng nhất của hải quân Mỹ khi không chiến đấu.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật