Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

5 giải pháp lành mạnh hoá thị trường trái phiếu

(DS&PL) -

Trái phiếu là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng cho nền kinh tế. Để phát huy hết tiềm lực cần xây dựng môi trường thông thoáng, minh bạch để đảm bảo cho thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững.

Trái phiếu là lựa chọn tối ưu để huy động vốn dài hạn cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang rất sơ khai, lượng trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm khoảng 5% trong khi trên 95% là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Mặc dù đây là loại trái phiếu dành riêng cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng trên thực tế, phần đông người mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ lại là những cá nhân không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, không minh bạch và thiếu bền vững.

Theo đó, để tạo “hấp lực” cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục tham gia vào thị trường này, việc cấp thiết nhất là tạo độ an toàn để củng cố niềm tin đối với thị trường.

Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp phải tự chứng minh độ tín nhiệm của mình bằng cách công khai đầy đủ thông tin kinh doanh, tình hình tài chính, mục tiêu huy động và hoạt động sử dụng vốn.

Đồng thời, để gây dựng niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp, chính các doanh nghiệp phải chủ động tham gia xếp hạng tín nhiệm tại các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thứ hai, các tổ chức trung gian làm dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu cần tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm soát thông tin doanh nghiệp công bố ra thị trường. Nếu để xảy ra sai phạm thì các tổ chức trung gian phải chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nhà đầu tư.

Các đơn vị trung gian dịch vụ tư vấn phát hành phải có trách nhiệm theo dõi và phát hiện dấu hiệu sai lệch, rủi ro phát sinh trong quá trình lưu hành trái phiếu để báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Thứ ba, nhà đầu tư phải xác định được độ rủi ro của thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có đủ khả năng đánh giá được mức độ rủi ro và chấp nhận chi phí khi tham gia thị trường.

Nếu nhà đầu tư không chuyên hoặc còn ít hiểu biết về trái phiếu nhưng có vốn, muốn tham gia vào thị trường này nên đầu tư thông qua các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư trung gian.

Thứ tư, Chính phủ nắm giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh thông qua xác lập các khung khổ pháp lý phù hợp, kiểm soát và xử lý kịp thời các hành vi sai lệch để đảm bảo thị trường ổn định.

Thời gian qua, Chính phủ đã phải thực hiện các biện pháp mạnh đối với một số cá nhân có sai phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống, lừa đảo và gây hậu quả ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, riêng lẻ, có vai trò cảnh báo cho các nhà đầu tư huy động vốn cũng như những người tham gia thị trường cần thận trọng và tỉnh táo.

Để tránh những tình trạng đó tiếp tục tái diễn, phía Nhà nước cần tăng cường hệ thống pháp lý chặt chẽ hơn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời những sai phạm và xử lý nghiêm bằng công cụ kinh tế để ngăn chặn sớm những tiêu cực trong quá trình phát hành trái phiếu.

Thứ năm, bên cạnh việc xử lý đối với các tổ chức, đối tượng vi phạm thì cũng phải tăng cường xử lý trách nhiệm đối với chính cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Cương quyết xử lý mạnh tay đối với các hành vi của các cơ quan quản lý, giám sát cố tình bỏ qua sai phạm để vụ lợi cá nhân, che giấu sai phạm vì lợi ích nhóm.

Trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể còn nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy vậy, đây là thị trường có nhiều tiềm năng và cơ hội: Nhà nước cần hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp và các biện pháp quản lý hữu hiệu; nhà đầu tư cần có độ am hiểu sâu về thị trường để không bị tác động bởi các thông tin nhiễu; doanh nghiệp cần chủ động trong minh bạch thông tin, nâng cao tín nhiệm trên thị trường.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số chuyên đề Doanh nhân Việt Nam 13/10

Tin nổi bật