Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu vốn đầu tư nếu không thể kiểm soát được lạm phát.
5 đồng tiền đang gặp phải khủng hoảng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung liệu có thể phục hồi? - Ảnh: Reuters |
Vào năm 2013, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bất ngờ dừng chính sách kích thích tiền tệ, khiến các nhà đầu tư ở những thị trường mới nổi bán tháo, Morgan Stanley đã đặt ra thuật ngữ "mong manh" để mô tả một nhóm các nền kinh tế đang phát triển phải chấp nhận nguồn vốn đầu tư quay hướng ra nước ngoài.
5 quốc gia được đề cập - Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ và Indonesia - đều xuất hiện khoản thâm hụt lớn ở những tài khoản vãng lai và sụt giảm ở các lĩnh vực tài chính dễ tổn thương, dẫn đến việc đồng nội tệ giảm giá mạnh trong nửa cuối năm 2013.
Khi tâm lý các nhà đầu tư hướng tới thị trường mới nổi bắt đầu cải thiện trong năm 2016 và một số nước đã nỗ lực để giải quyết hạn chế, một số nhà phân tích cho rằng thuật ngữ “mong manh” đã “hết hạn sử dụng”.
Nhận định này rõ ràng là lạc quan quá sớm.
Ngày 12/9, đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, dẫn đến khoản lỗ hơn 12%, mức thiệt hại tồi tệ nhất ở châu Á và tỷ lệ lạm phát tăng chóng mặt. Ngân hàng trung ương của nước này buộc phải tăng lãi suất chuẩn hai lần trong 3 tháng qua.
Trong khi đó, đồng rupiah của Indonesia cũng tụt xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, mất 10,5% so với đồng đô la kể từ đầu năm nay. Ngân hàng trung ương của Indonesia đã tăng lãi suất 4 lần kể từ tháng 5 và nỗ lực rất nhiều để tăng giá rupiah.
Các thành viên khác trong nhóm đang ở tình trạng tồi tệ hơn nhiều.
Tại Brazil, nơi chuẩn bị diễn ra bầu cử tổng thống, đồng tiền đã giảm 27% so với đồng USD dù nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh đã nỗ lực phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất.
Đồng rand của Nam Phi giảm 24% trong năm nay, khi số liệu mới được công bố cho thấy nền kinh tế Nam Phi đã rơi vào suy thoái từ quý trước lần đầu tiên kể từ năm 2009. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng tiền đang khủng hoảng đã làm dấy lên nỗi sợ hãi về suy thoái tài chính trên diện rộng.
Sự mong manh của 5 nền kinh tế đã khiến nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích bất ngờ. Thâm hụt tài khoản vãng lai của hầu hết các quốc gia, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã giảm cùng một phần của tổng sản phẩm quốc nội kể từ năm 2013. Một số ngân hàng trung ương quốc gia, đặc biệt là của Indonesia, đã xây dựng uy tín bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ với chi phí tăng trưởng.
Sự sụt giảm mạnh trong thị trường ngoại hối, trái phiếu và vốn chủ sở hữu của các nền kinh tế đang phát triển trong vài tuần qua trở nên trầm trọng hơn khi đồng nhân dân tệ thay đổi, một trong những hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế theo dõi dòng vốn tới hơn 50 quốc gia đang phát triển cho thấy việc đồng nhân dân tệ mất giá bất ngờ trong năm 2015 kéo theo suy thoái toàn khu vực. Hiện tượng này đang lặp lại một lần nữa trên quy mô lớn hơn.
Một thông tin tốt cho các thị trường mới nổi là sự tăng trưởng của Mỹ đang đạt đỉnh điểm. Thị trường trái phiếu dự đoán nền kinh tế sẽ chậm lại trong năm tới, tạo đà cho các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, những nền kinh tế “mong manh” vẫn sẽ “dễ vỡ” vào một thời điểm nhất định nếu không được cải thiện từ bên trong.
Thu Phương (Theo SCMP)