Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Việt Nam có thể hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

(DS&PL) -

Việt Nam có thể là quốc gia nhận được nhiều cơ hội cũng như lợi ích kinh tế từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việt Nam có thể là quốc gia nhận được nhiều cơ hội cũng như lợi ích kinh tế từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tình hình ngày càng căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến mới của các công ty nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao và các hỗ trợ từ chính phủ bị thắt chặt.

Mặc dù các nhà kinh tế từng cảnh báo rằng căng thẳng thương mại leo thang giữa hai siêu cường kinh tế có thể gián tiếp ảnh hưởng xấu đến chỉ số tăng trưởng ở Đông Nam Á nhưng khu vực này vẫn được coi là thị trường thuận lợi nhất cho các công ty nước ngoài cho cả các khâu sản xuất, gia công và tiêu thụ.

Tuyên bố áp dụng thuế suất 25% cho 34 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc vào ngày 6/7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được một đáp trả tương tự từ phía Trung Quốc. Thay đổi này đã khiến một số doanh nghiệp nước ngoài chuyển sang Việt Nam – quốc gia kề cận.

Một xưởng sản xuất máy biến áp tại Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: EPA

Adam McCarty, chuyên gia kinh tế gia của Mekong Economics tại Hà Nội cho biết: “Đây là xu hướng tất yếu sẽ diễn ra. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành cú hích trong vài tháng qua, khiến mọi doanh nghiệp phải điều chỉnh lại chiến lược mở rộng của họ nếu không muốn bị ảnh hưởng”.

Theo ông McCarty, các công ty nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và ngay cả Trung Quốc đại lục đều đổ xô về Việt Nam nhằm đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ cũng như giảm chi phí sản xuất do mức lương công nhân trung bình của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc.

Về tình hình kinh tế tại đây, kinh tế Việt Nam đã phát triển với tốc độ kỷ lục, phần lớn do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tăng trưởng đã tăng 7,08% trong nửa đầu năm 2018, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2011. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn viện trợ FDI đầu năm đã tăng 8,4% so với một năm trước đó, vượt qua mức kỷ lục 10 năm của năm 2017.

Các công ty Hong Kong nằm trong số các nhà đầu tư lớn ở Việt Nam, những người có mục tiêu đa dạng hóa và thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hồi tháng 6, Man Wah Holdings, một nhà sản xuất đồ nội thất Hong Kong với các nhà máy độc quyền ở đại lục, đã mua một công ty sản xuất và xuất khẩu ghế sofa của Việt Nam với giá 68 triệu USD.

Một xưởng gia công các bộ phận xe máy cho công ty Trung Quốc Lifan tại Việt Nam - Ảnh: EPA

Tập đoàn in ấn Hung Hing, một công ty Hong Kong khác, từng sản xuất các sản phẩm ở Trung Quốc, đã quyết định mở rộng sang Việt Nam với một cơ sở in ấn và đóng gói mới tại Hà Nội. Đó là một phần trong mối quan hệ hợp tác giữa Hung Hing và Dream International - một nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới từng làm việc với các thương hiệu lớn như Hasbro, Mattel và Disney. Hơn 70% doanh thu của Hung Hing đến từ hàng xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ và châu Âu.

Một đại diện của công ty nói với tờ SCMP rằng việc mở rộng sản xuất sang các quốc gia khác sẽ giúp nó phục vụ tốt hơn lượng lớn khách hàng ở nước ngoài. Đại diện công ty cũng bác bỏ ý kiến ​​cho rằng động thái này liên quan đến mục đích tránh hậu quả của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi không có chiến tranh thương mại, một hệ thống các thỏa thuận thương mại tự do liên quan đến ASEAN, hoặc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, và các thành viên đã khiến khu vực này trở nên hấp dẫn hơn so với Trung Quốc.

Thị trường tiêu thụ ASEAN hiện đang lớn mạnh và phát triển nhanh chóng. Chi tiêu trung bình của các hộ gia đình trong khối đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2017, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Tổng GDP của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 5,3% trong năm nay.

"Các công ty có thể đã có kế hoạch di chuyển cơ sở kinh doanh khi căng thẳng thương mại mới manh nha từ tháng 6/2017 và họ đã phải thực hiện nhanh hơn dự tính", Max Brown, người đứng đầu đơn vị tình báo kinh doanh của Dezan Shira trên ASEAN cho biết.

Chi phí nhân công thấp là một ưu thế của Việt Nam so với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực - Ảnh: EPA

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng Việt Nam không thể tránh khỏi những rủi ro do căng thẳng thương mại leo thang.

Chuyên gia McCarty nói: "Một cuộc chiến thương mại không bao gồm Việt Nam có thể có thể trở thành yếu tố tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Nhưng tiêu cực là khi Việt Nam bị gộp lại với Trung Quốc như những gì đang diễn ra với ngành thép. Điều tương tự có thể lặp lại ở các ngành hàng khác".

Vào tháng 5, Mỹ đã đánh thuế nặng các sản phẩm thép từ Việt Nam với cáo buộc "có nguồn gốc Trung Quốc". Quyết định này đã phá vỡ chính sách thuế quan Mỹ từng áp dụng với thép Trung Quốc trong 3 năm trở lại đây.

Ngoài việc đẩy nhanh xu hướng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, một cuộc chiến thương mại giữa hai châu lục cũng sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực. Các quốc gia như Malaysia và Indonesia – nơi xây dựng nhiều nhà máy và dây chuyền sản xuất hạng nặng cho các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc có thể phải đối mặt với thặng dư hàng hóa do nguồn cung giảm.

Giám đốc Dezan Shira nhận định: “Thuế không phải là chất xúc tác duy nhất khiến các công ty di dời sản xuất sang Việt Nam. Tiền lương, chi phí đất đai và sự cạnh tranh gia tăng là những yếu tố quan trọng khác”.

Thu Phương (Theo SCMP)

Tin nổi bật