Phạm Ngũ Lão (1255), sinh năm Ất Mão: Ông là danh tướng thời Trần, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay là huyện Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông rất tài giỏi, văn võ song toàn nên được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gả con gái nuôi và tiến cử lên vua Trần Thánh Tông.
Thân vệ Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão (ảnh minh họa).
Tên tuổi ông gắn chặt với những chiến công hiển hách của quân dân triều Trần như các trận Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng… Không chỉ là nhà quân sự tài ba, Phạm Ngũ Lão còn là một nhà thơ với nhiều bài thơ về tinh thần yêu nước.
Trần Nhật Duật (1255), sinh năm Ất Mão: Ông là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Ông được phong tước Chiêu Văn Vương năm 12 tuổi, một trong những tước vương trẻ nhất của vương triều Trần.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.
Nếu Phạm Ngũ Lão xuất thân bình dân, biết ẩn nhẫn chờ thời cơ rồi tạo thế cho sự xuất hiện và thành đạt của mình, đặc biệt là trong lần "ra mắt" thì Trần Nhật Duật, dòng dõi hoàng tộc, lại luôn hòa nhã thân thiện, đặc biệt là biết tận dụng khả năng "bác ngữ học" (biết nhiều ngôn ngữ) của mình mà làm bang giao và xử lý các "cộm nổi" một cách ngoạn mục (như trong vụ "tay không bắt giặc", hóa giải cuộc toan nổi loạn của chúa đạo Ðà Giang - Trịnh Giác Mật).
Và, cả hai đều kiêm toàn việc làm đẹp cho đời, bằng thơ ca - như trường hợp Phạm Ngũ Lão làm thơ "Thuật hoài", còn Trần Nhật Duật thì cho diễn đàn ca trống phách những sáng tác của mình, thâu đêm mà vẫn tưng bừng, thú vị...
Trần Quốc Toản (1267), sinh năm Đinh Mão: Sinh ở xã Trang Liệt (nay là phường Trang Liệt, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Trần Quốc Toản là người anh hùng trẻ tuổi chống quân Nguyên-Mông, nổi tiếng với giai thoại bóp nát quả cam vì phẫn chí ở Hội nghị Bình Than.
Ở tuổi mới 15 với chí hướng "Phá cường địch/Báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua) của mình, ông đã tự đứng ra thành lập đạo quân - nghĩa sĩ - ba nghìn người, đưa vào các trận đánh kịch liệt nhất chống xâm lược Nguyên Mông.
Trần Quốc Toản đã trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí và lòng yêu nước để các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo. Tên của ông được đặt cho nhiều trường Tiểu học, Trung học ở nước ta và một số con đường của các tỉnh, thành phố trong đó có Bắc Ninh.
Mạc Đăng Dung (1483) sinh năm Quý Mão: Ông quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy), thành phố Hải Phòng.
Ông nổi tiếng là đô vật, làm quan lên đến chức Đô chỉ huy sứ rồi Thái phó và thái sư An Hưng Vương. Sau đó, Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, lập ra nhà Mạc từ năm 1527.
Sau 2 năm làm vua, năm 1529, ông nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh để lên làm Thái Thượng hoàng. Trong giai đoạn Nhà Mạc trị vì, mặc dù có chiến tranh giữa các phe phái Nam và Bắc Triều, song cơ bản đó là giai đoạn đất nước phát triển cường thịnh, nhân dân ấm no.
Phan Bội Châu (1867), sinh năm Đinh Mão: Ông ở làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Lúc còn nhỏ ông có tên là Phan Văn San. Đến năm 1900 đổi thành Phan Bội Châu. Phan Bội Châu nổi tiếng thần đồng từ nhỏ: 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 16 tuổi đỗ đầu xứ. Năm 17 tuổi, khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, ông viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp.
Năm 19 tuổi (1885), ông cùng các bạn của mình lập đội “Sĩ tử Cần Vương” (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị khủng bố nên phải giải tán. Năm 1900, Phan Bội Châu đỗ giải nguyên. Năm 1901, ông định tổ chức đánh thành Vinh nhân ngày Quốc khánh 14/7 của Pháp nhưng việc không thành, ông ra Bắc tìm gặp Đề Thám bàn việc đánh giặc.
Ông là chí sỹ yêu nước, lập hội Duy Tân để học việc cách tân đất nước, lãnh đạo phong trào Đông Du ở Nhật, thành lập Việt Nam quang phục hội ở Trung Quốc.
Thảo Ly