Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

4 nhóm vũ trang đồng minh sẽ sát cánh cùng Iran nếu xung đột quân sự nổ ra

(DS&PL) -

Trong 10 năm qua, Iran đã mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, gây dựng và phát triển nhiều nhóm vũ trang đồng minh tại Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và Dải Gaza.

Trong 10 năm qua, Iran đã mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, góp phần gây dựng và phát triển nhiều nhóm vũ trang đồng minh tại Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và Dải Gaza.

Phát biểu hồi tháng 2, ông Hassan Nasrallah, thủ lĩnh nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon tuyên bố: "Iran sẽ không đơn độc nếu bị Mỹ tấn công, vì số phận cả khu vực Trung Đông gắn chặt với Cộng hòa Hồi giáo".

Houthi

Phiến quân Houthi chuẩn bị nã đạn cối vào quân chính phủ Yemen. Ảnh: Reuters

Houthi, theo tiếng Arab có nghĩa là “Đạo quân của đức Allah” mà khởi đầu của nó là phong trào Shia-led của những người Hồi giáo dòng Shiite, xuất hiện ở Sa'dah, miền bắc Yemen vào những năm 1990.

Năm 2011, khu vực Trung Đông xảy ra nhiều biến động lớn như cuộc Cách mạng Tunisie, Cách mạng Ai Cập, Mùa xuân Arab. Cùng lúc đó, tại Yemen, tình trạng thất nghiệp, tham những và suy thoái kinh tế đã dẫn đến những cuộc biểu tình, yêu cầu Tổng thống Saleh từ chức. Một số lớn binh sĩ Yemen đào ngũ, mang theo vũ khí chạy sang phía Houthi đã khiến cho thực lực của Houthi tăng lên đáng kể.

Tính đến cuối năm 2011, Houthi đã có hơn 40.000 tay súng, được Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi yểm trợ tích cực.

Arab Saudi coi Houthi là lực lượng ủy nhiệm của Iran, trong khi nhiều nước phương Tây thường xuyên cáo buộc Tehran trang bị khí tài hiện đại cho phiến quân Yemen nhằm đối phó với Riyadh. Iran thể hiện ủng hộ lực lượng này nhưng luôn bác bỏ cáo buộc tuồn vũ khí cho Houthi.

Các đợt tập kích của Houthi thường gây thiệt hại nặng cho liên quân do Arab Saudi dẫn đầu. Phiến quân từng nhiều lần dùng tên lửa đạn đạo hoặc thiết bị bay không người lái mang thuốc nổ để tấn công cơ sở hạ tầng của Arab Saudi.

Hezbollah 

Xe thiết giáp Mỹ M113 và xe tăng T-54/55 Liên Xô của Hezbollah. Ảnh: AMN

Lực lượng vũ trang Hezbollah (Lebanon) là một tổ chức dân quân của người Shi'a hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở quốc gia láng giềng Syria. Đây là một tổ chức dân quân nổi tiếng và được coi là lực lượng quân sự phi chính phủ mạnh nhất thế giới.

Tuy bị các nước phương Tây và Israel cho là tổ chức khủng bố quốc tế, nhưng đối với đông đảo người dân Lebanon thì Hezbollah có công đánh đuổi Israel ra khỏi miền nam Lebanon vào năm 2000 và cả năm 2006.

Trong hơn 20 năm qua, Hezbollah đã củng cố được địa vị quân sự và chính trị vững chắc tại Lebanon mà không một quyết định quan trọng nào của đất nước có thể phớt lờ vai trò của họ.

Theo các nguồn tin Ả rập, ngay từ năm 2012, nhóm dân quân Hezbollah đã sang Syria giúp quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân “đối lập ôn hòa” được Mỹ và các quốc gia Quân chủ vùng Vịnh hậu thuẫn.

Tuy nhiên, vì nhiều lí do tế nhị, nhóm dân quân người Shi'a này không chính thức công bố sự tham gia của họ vào thời điểm đó.

Hezbollah là lực lượng chủ chốt hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cùng với một nước do người Shi'a cầm quyền khác là Iran. Sự hỗ trợ của 2 đồng minh này cùng với Nga đã giúp chính quyền Alawite của ông Bashar al-Assad đứng vững cho đến hôm nay.

Shiite 

Binh sĩ quân đội Iraq và PMF trong chiến dịch tấn công IS cuối năm 2017. Ảnh: Getty. 

Iran đã huấn luyện, cấp tiền và trang bị cho dân quân Shiite tại Iraq nhằm chống lại quân đội Mỹ sau chiến dịch lật đổ tổng thống Saddam Hussein năm 2003, trước khi chuyển hướng sang cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) gần đây.

Thủ lĩnh các nhóm vũ trang như Asaib Ahl al-Haq, Kataeb Hezbollah và Badr đều có quan hệ thân cận với tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Các nhóm này chiến đấu dưới sự bảo trợ của Lực lượng Động viên Chung (PMF) thành lập năm 2014 và được chính phủ Iraq chấp thuận. IS đã bị đánh bại nhưng PMF vẫn là lực lượng có ảnh hưởng tại Iraq với 140.000 quân và quan điểm chính trị thân Iran. Một số chỉ huy dân quân từng yêu cầu Mỹ rút quân khỏi nước này và đe dọa dùng vũ lực buộc họ rời đi nếu cần thiết.

Hamas

Các tay súng của Hamas. Ảnh: Times of Israel

Trong tiếng Arab, Hamas là viết tắt của từ Harakat Al-Muqawama Al-Islamia có nghĩa là Tổ chức kháng chiến Hồi giáo. Đây là tổ chức vũ trang lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của Palestine. Thậm chí, tháng 1/2006, Hamas còn đánh bại Phong trào Fatah do ông Mahmoud Abbas dẫn đầu, giành thắng lợi trong Tổng tuyển cử của Palestine.

Hamas không ngừng theo đường lối cứng rắn không công nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái Israel. Theo đó, Hamas liên tục tiến hành các cuộc tấn công mang màu sắc khủng bố nhằm vào Israel như: đánh bom liều chết, bắn rocket vào lãnh thổ Israel, đặt bom…

Hamas còn tiến hành các vụ tấn công tại cả Khu Bờ Tây sông Jordan và dải Gaza thuộc Palestine. Chính vì các hoạt động này, Hamas bị gán cho cái tên Tổ chức Hồi giáo cực đoan, quá khích.

Hamas chủ yếu hoạt động tại dải Gaza và khu Bờ Tây cũng như trong lãnh thổ Israel. Trên thực tế, tổ chức này kiểm soát toàn bộ dải Gaza. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2006, các nhà lãnh đạo của Hamas đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trong khu vực. Hoạt động của Hamas trở nên ôn hoà hơn khiến đã có lúc người ta nghĩ tổ chức này sẽ từ bỏ đường lối bạo lực.

Tehran từ lâu đã hậu thuẫn Hamas. Tuy nhiên, quan hệ giữa Iran và Hamas đã nguội lạnh từ năm 2011 khi hàng triệu USD viện trợ cho tổ chức này bị cắt.

Chính phủ Iran dường như vẫn duy trì hỗ trợ quân sự cho cánh vũ trang của Hamas, nhưng phần lớn nguồn viện trợ hiện nay đến từ Qatar. Điều này khiến tổ chức Palestine ít khả năng tham chiến cùng Iran nếu nổ ra xung đột tại Trung Đông. Dù vậy, Hamas vẫn sở hữu nhiều vũ khí đủ sức đe dọa lãnh thổ Israel nhằm giảm áp lực cho Iran.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật