Nguyên nhân khiến cho gót chân khô, nứt nẻ
Khi bị nứt, gót chân bị bong tróc và nứt da, ngứa và chảy máu từ các vết nứt làm cho vi khuẩn, vi nấm hoặc siêu vi xâm nhập. Nứt gót chân không chỉ gây mất thẩm mỹ cho người bệnh mà còn gây đau đớn khó chịu, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt. Đặc biệt khi vùng gót chân nứt nhiều, chảy máu, tạo thành các khe rãnh sâu rất dễ bị nhiễm khuẩn, có thể dẫn đến biến chứng hoại tử bàn chân nếu không điều trị kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân gây nứt gót chân, thường là do da khô, thiếu độ ẩm bởi một vài lý do nào đó như tiếp xúc thường xuyên với không khí lạnh, gió, không giữ ẩm cho bàn chân; cơ thể mất nước hoặc không uống đủ nước, sử dụng xà bông có chất tẩy mạnh, tắm nước nóng hoặc ngâm chân trong nước nóng quá lâu hoặc thường xuyên.
Nếu bạn đứng quá lâu, thường xuyên đi giày cao gót, hoặc đi bộ nhiều trên nền đất cứng… khiến cho lớp sừng ở gót bị dày lên và bị tách ra cũng gây nên hiện tượng nứt gót chân.
Ngoài ra còn có nguyên nhân do một số bệnh lý ở da và cơ thể liên quan trạng thái da khô, tróc vảy như bệnh chàm, tổ đỉa, vẩy nến, tiểu đường, suy giáp; phải dùng thuốc lợi tiểu thường xuyên hoặc uống isotretinoin để trị mụn; sự lão hóa do tuyến mồ hôi ở bàn chân giảm hoạt động hay sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết…
Cách bảo vệ gót chân không bị khô, nứt nẻ vào mùa đông
Không tắm lâu
Trong mùa hanh khô và lạnh giá của mùa đông, hãy cố gắng tắm nhanh nhất có thể để bảo vệ sức khoẻ cũng như đôi bàn chân của mình.
Theo các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, vào mùa đông, thời gian tắm chỉ nên kéo dài khoảng 10 phút. Lý do là bởi nếu việc tắm quá lâu sẽ khiến da bị khô, gót chân ngấm nước nhiều dễ bị nứt nẻ và gây đau đớn.
Chọn sữa tắm và kem dưỡng phù hợp
Trong quá trình tắm nên lựa chọn các loại sữa tắm dịu nhẹ không tạo bọt, không hương liệu nhằm giúp da chân không bị quá khô. Khi tắm xong, nên thoa kem dưỡng ẩm có chứa ure, ceramides, glycerin, bơ hạt mỡ, vitamin E...
Ngoài ra, trong suốt mùa đông hanh khô cũng đừng quên tẩy da chết thường xuyên, ít nhất với tần suất 1 lần/ 2 tuần. Khi tẩy da chết, các chị em nên sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để chà giũa gót chân một cách an toàn.
Tẩy da chết
Để ngăn ngừa vết nứt, tẩy da chết là cần thiết. Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm với chất tẩy da chết như urê và axit salicylic, giúp ngăn ngừa nứt nẻ gót chân. Hoặc sử dụng dụng cụ chà gót chân để loại bỏ da chết, lưu ý thao tác nhẹ nhàng để hạn chế nguy cơ bị cắt hoặc trầy xước. Mục đích là để loại bỏ lớp da cũ, chết nhưng giữ nguyên lớp lành mạnh để chống nhiễm trùng.
Mang tất từ vật liệu tự nhiên
Nên chọn những đôi tất được làm từ các chất liệu tự nhiên, như cotton hoặc len, thay vì chất liệu tổng hợp, để giữ cho bàn chân của bạn không có mồ hôi và không có vi khuẩn. Các vật liệu như bông và len có khả năng thấm hút tự nhiên làm cho đôi chân cũng ít có mùi hôi hơn.
Một trong những mẹo để đánh bại các vết nứt trong thời tiết khô và lạnh khắc nghiệt là bôi vaseline lên gót chân trước khi đi ngủ và ngay lập tức mang vớ cotton trắng để khóa kem dưỡng ẩm trong khi ngủ.
Nứt gót chân không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, nếu không được điều trị sớm nó có thể gây chảy máu, nứt sâu, đau đớn và cản trở việc đi lại của người bệnh.
Linh Chi (T/h)