"Vào ngày 28/5, nội các Tây Ban Nha sẽ thông qua việc công nhận nhà nước Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đẩy giải pháp hai nhà nước vào tình thế nguy hiểm bằng chính sách gây đau thương và hủy diệt ở Dải Gaza", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez chia sẻ ngày 23/5.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cũng thông báo: "Việc công nhận nhà nước Palestine là biện pháp ủng hộ các lực lượng ôn hòa đang mất dần vị thế trong cuộc xung đột kéo dài và tàn bạo này. Giữa cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta phải duy trì con đường duy nhất mang đến giải pháp chính trị cho cả người Israel và Palestine, đó là hai quốc gia tồn tại cạnh nhau trong hòa bình và an ninh”.
Đồng quan điểm, chính phủ Ireland sẽ họp báo trong hôm nay để thông báo quyết định chính thức công nhận nhà nước Palestine vào ngày 28/5. "Nhưng tôi phải nói rõ, Hamas không phải người dân Palestine. Quyết định công nhận nhà nước Palestine hôm nay được đưa ra nhằm giúp tạo dựng tương lai hòa bình. Giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, báo thù và oán hận kéo dài nhiều thế hệ", Thủ tướng Ireland Simon Harris nói.
Những người biểu tình ủng hộ Palestine ở Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters
Đây không phải lần đầu tiên các nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine. Tháng 10/2024, Thụy Điển trở thành quốc gia EU đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine. Phát biểu vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Thụy Điển cho biết: “Đây là bước quan trọng nhằm khẳng định quyền tự quyết của người Palestine. Chúng tôi hy vọng động thái này sẽ là dẫn đường cho những quốc gia khác”.
Khoảng 140 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã công nhận Nhà nước Palestine kể từ năm 1988. Tuy nhiên, động thái công nhận lần này từ các nước châu Âu sẽ có những tác động quan trọng.
Theo giới chuyên gia, động thái mới nhất của 3 quốc gia cho thấy vị thế của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Israel – Palestine đã xói mòn kể từ thời kỳ đàm phán và thỏa thuận hòa bình ở Oslo. Với tiến trình hoà bình đang hấp hối, giới chức Palestine đã làm việc cần mẫn để vận động sự ủng hộ ở châu Âu để “cứu vãn” tiến trình này. Tiến trình này từng được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Donald Trump với Hiệp định Abraham.
Ông Hugh Lovatt, chuyên gia về quan hệ Israel - Palestine tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định: “Việc công nhận Nhà nước Palestine là một bước đi hữu hình hướng tới con đường chính trị khả thi mang lại quyền tự quyết cho người dân Palestine. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự tham gia của Arab trong việc hỗ trợ lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza. Theo kế hoạch 'tầm nhìn Arab’ nhằm thực thi giải pháp hai Nhà nước, các quốc gia như Saudi Arabia đã kêu gọi Mỹ và châu Âu công nhận Palestine”.
Trước sự công nhận mới nhất của 3 nước châu Âu và sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới, nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi giáo lên tiếng hoan nghênh.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, Qatar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều thể hiện rõ sự vui mừng khi các quốc gia thân thiện, ủng hộ quyền tự quyết của người dân Palestine; cho đây là bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng Giải pháp hai Nhà nước.
Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác lại cho rằng, việc công nhận đơn phương sẽ không đem lại giải pháp hiệu quả cho vấn đề. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, đàm phán trực tiếp giữa các bên là cách tiếp cận tốt nhất. Giải pháp hai nhà nước phải đảm bảo an ninh của Israel cũng như mang lại tương lai, phẩm giá và an ninh cho người dân Palestine. Đây cũng là nhận định của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock:
“Để đạt được giải pháp cho tình huống hiện nay không cần sự công nhận mang tính biểu tượng nào. Điều cần thiết cho một giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông và cho giải pháp hai nhà nước là các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên”.
Hầu hết các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine, song phải vào thời điểm sau khi đạt được thỏa thuận về các vấn đề nan giải như biên giới cuối cùng và tình trạng của Jerusalem.
8 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu đã công nhận nhà nước Palestine, gồm Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungazy, Czech, Slovakia, Thụy Điển và Cyprus.
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình ở Dải Gaza hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Việc 3 quốc gia châu Âu tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine được đưa ra ngay sau khi Toà án Hình sự quốc tế (ICC) đang ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì tội ác chiến tranh. Israel cũng đang bị điều tra vì cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu áp đặt chế độ trừng phạt đối với những người định cư bạo lực và các nhóm cực hữu ủng hộ Israel.
Israel đã phản đối mạnh mẽ động thái công nhận Nhà nước Palestine của ba quốc gia châu Âu. Tel Aviv cho rằng hành động này là “có lợi cho chủ nghĩa khủng bố” sau khi lực lượng Hamas của người Palestine tiến hành cuộc tấn công vào khu vực do Israel kiểm soát vào tháng 10 năm ngoái.
Israel đã ra lệnh triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại 3 quốc gia nói trên để "tham vấn khẩn cấp" và cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” hơn nữa.
Ngoại trưởng Israel Katz cáo buộc động thái của 3 nước châu Âu là “bước đi lệch lạc” và là “sự bất công đối với các nạn nhân vụ tấn công ngày 7/10”.