Theo Vnexpress, đây là cây thảo, sống hàng năm, cao 0,3 đến 1 m. Lá mềm, nhẵn, chia thùy sâu với mép răng cưa không đều. Hoa có lá đài màu lục hoặc hơi tím, tràng hoa màu trắng, đầu các cánh hoa có mũi nhọn, dài. Quả hình trứng, mọc thẳng, có nhiều gai cứng, khi chín nứt thành 4 mảnh đều nhau. Hạt hình thận, màu đen nâu.
Thành phần hóa học chủ yếu của cây cà độc dược lùn hyoscyamin, atropin và hyoscin. Cây có vị cay, đắng, tính ấm, gây tê, chống đau và được dùng như cà độc dược.
Cây này phân bố ở các nước châu Âu, sang Pháp, Anh, Ấn Độ. Ở nước ta, cà độc dược lùn được nhập trồng làm thuốc. Các bộ phận của cây đều chứa alcaloid, chủ yếu là hyoscyamin, atropin và hyoscin, axit chlorogenic, tinh dầu, saponin, tanin. Cây có vị cay, đắng, tính ấm, có độc, gây tê, chống đau, làm dịu thần kinh, trừ đàm, khử phong thấp, được dùng như cà độc dược.
Cà độc dược là một vị thuốc tốt nhưng cũng có tính độc. Do đó người dân không nên tùy ý sử dụng mà phải tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc Đông y giàu kinh nghiệm. Người lớn không nên dùng cà độc dược để chế biến thức ăn. Tránh để con trẻ tiếp xúc với các bộ phận của cây bởi các em thường bỏ vào miệng nhai dễ gây ngộ độc.
Theo mô tả, cà độc dược (Datura metel L.), thuộc họ cà Solanaceae. Cây cao đến 2m, phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều. Hoa to, mọc đứng, đơn điệu, ít khi xếp đôi ở nách lá. Đài loa liền nhau, hình ống, màu xanh phía trên có 5 răng, cánh hoa màu trắng dính liền với nhau thành hình phễu dài đến 20 cm nhưng vẫn thấy có 5 thùy, 5 nhụy đính trên cánh hoa. Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3 cm, có nhiều gai mềm mỏng, khi chín nở thành 4 mảnh. Hạt nhiều, nhăn nheo, màu nâu nhạt.
Cà độc dược được trồng làm cảnh ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Tuy nhiên, ít người biết rằng cây này chứa scopolamine, gây ảo giác giống như trong cây loa kèn độc.
Báo Thanh Niên dẫn lời tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hoạt chất chính trong cà độc dược là scopolamine, một chất liệt phó giao cảm. Nó gây ảo giác, khô miệng, tăng nhãn áp, mất trí nhớ tạm thời.
"Việc sử dụng scopolamine là rất nguy hiểm nếu không được sử dụng chính xác hoặc dùng số lượng quá lớn. Nó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như hoa mắt, chóng mặt, mất cân bằng, rối loạn nhịp tim, nặng có thể gây tử vong", tiến sĩ Triết nhấn mạnh.
Lá hoặc hoa cà độc dược còn được dân gian sử dụng trong điều trị hen suyễn (dạng hít). Tuy nhiên tiến sĩ Triết lưu ý khi sử dụng cà độc dược lẫn scopolamine cần chú ý liều lượng và phải có hướng dẫn của chuyên gia.
Tương tự, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết cà độc dược có vị cay, tính ôn, có độc. Loại cây này được ứng dụng chữa ho, hen, thấp khớp, sưng chân, giảm lở loét trong dạ dày, ruột, chữa trĩ, say sóng, say tàu xe...
Tuy nhiên việc sử dụng phải có sự giám sát chỉ định của thầy thuốc có chuyên môn. Do trong thành phần hóa học của cây cà độc dược hầu hết là alkaloid, trong đó alkaloid chính là L-scopolamin (hyoscin), ngoài ra còn có hyoscyamine, atropine, scopolamine. Do vậy ngộ độc cà độc dược là biểu hiện tác động dược lý và hóa học của các alkaloid nói trên, với biểu hiện triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng ngộ độc phụ thuộc nhiều vào liều lượng thuốc, liều thấp có biểu hiện nhẹ như hơi khô miệng, giảm tiết mồ hôi, liều cao hơn gây giãn đồng tử, da khô nóng đỏ, ảo giác, mê sảng và hôn mê.
Ngoài ra, triệu chứng còn phụ thuộc vào loại dược chất khác nhau, như scopolamine có trong cà độc dược thường gây nên các triệu chứng thần kinh trung ương như mất định hướng, ảo giác, mê sảng ngay cả với liều thấp.
"Cà độc dược là một vị thuốc đông y tốt, chữa được nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, độc tố của nó có thể gây hậu quả lớn cho sức khỏe. Vì vậy, không nên tự ý sử dụng cà độc dược nếu không có hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín", bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Cây này cũng thuộc họ cà, tên khoa học là Datura innoxia Mill. Cây mọc hằng năm, cao 1-2 m, toàn thể phủ lông mịn, dày đặc, màu trắng. Lá mọc so le, hình trứng rộng 4-10 cm, dài 10-14 cm, màu lục sẫm, mép nguyên hoặc có răng dạng sóng, gốc không cân, cuống lá dài 4-5 cm.
Thành phần hóa học chủ yếu của cây độc dược gai tù là scopolamin và hyoscyamin. Cây này có độc mạnh, có tính chất làm giãn đồng tử mắt và được sử dụng làm thuốc trị hen, xử trí vết chích của cá độc.
Hoa của cà độc dược gai tù mọc đơn độc ở nách lá phía ngọn, cuống hoa dài khoảng 1 cm, đài hoa hình ống dài 8-10 cm, rộng 2-3 cm, có 5 răng, tràng hoa có 5-10 cạnh, dài 15-20 cm, đường kính 7,5 cm, phần gốc màu lục nhạt, phần ngọn màu trắng, nhị đính ở miệng ống tràng, bầu hình trứng tròn. Quả nang gần tròn, đường kính gần 4 cm, phủ lông mềm màu trắng nhạt và gai dài mềm, nứt thành 4 mảnh không đều.
Cà độc dược gai tù có nguồn gốc từ Mexico, được nhập trồng ở nhiều nước châu Âu, châu Á, tại Việt Nam phân bố nhiều ở Hà Nội và một số tỉnh khác.
Thành phần hóa học: Một số bộ phận chứa tỷ lệ cao scopolamin (0,16-0,25% trong lá; 0,23-0,85% trong cây), dầu cố định và vitamin C. Hạt chứa các alcaloid, chủ yếu là scopolamin và cũng có dầu cố định. Rễ chứa tigloidin, atropin, tropin, pseudotripin...
Các thành phần của cây có độc mạnh, có tính chất làm giãn đồng tử mắt. Ở Ấn Độ, các bộ phận của cây được sử dụng làm thuốc như cà độc dược Datura metel L. Ở Nuven Calendoni, lá được dùng làm thuốc trị hen, xử trí vết chích của cá độc.
T.D (T/h)