Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

15.000 tỷ cải tạo chùa Hương: Bất chấp vì lợi nhuận là ứng xử thiếu văn hóa với di tích?

(DS&PL) -

Đó là ý kiến của GS.TS Bùi Quang Thanh về đề xuất 15.000 tỷ cải tạo khu di tích chùa Hương của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Đó là ý kiến của GS.TS Bùi Quang Thanh, viện Văn học nghệ thuật Quốc gia Việt Nam về đề xuất 15.000 tỷ cải tạo khu di tích chùa Hương của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Phá vỡ cảnh quan, độ hài hòa giữa tín ngưỡng và tôn giáo

Sự việc sở Kế hoạch & Đầu tư gửi công văn đến UBND TP. Hà Nội về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn vẫn đang khiến dư luận dậy sóng. Theo công văn này, doanh nghiệp của đại gia Xuân Trường đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Trao đổi với báo ĐS&PL, GS.TS Bùi Quang Thanh, viện Văn học nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đánh giá: "Việc doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng để phục vụ kinh doanh, quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, khai thác giá trị văn hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt chung, tinh thần xã hội nói chung là điều bình thường.

Tuy nhiên, khi quan tâm đến văn hóa thì phải tuân theo quy luật riêng của nó. Lĩnh vực văn hóa không như quy luật kinh tế, nó không như xây dựng một cơ sở vật chất đã có. Cũng là cơ sở vật chất đã có thì nó lại gắn với đặc trưng của văn hóa, nếu đánh đồng nó với cơ sở vật chất xây dựng nói chung thì đó là suy nghĩ nhầm lẫn.

Văn hóa là nơi mà con người qua quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội, thể hiện quan điểm nhân sinh của họ, giữa con người với con người. Họ thể hiện quan điểm của họ đối với vũ trụ, thế giới quan. Thông qua các hành vi thực hành tín ngưỡng để họ thể hiện niềm tin quan điểm của họ về thế giới khách quan, vũ trụ, trời đất, con người. Như vậy không thể khai thác một cách tùy ý được, phải xác định được giá trị văn hóa, bảo tồn được giá trị đấy, nếu khai thác mà làm tan rã là phản tác dụng. Nếu bất chấp bản sắc văn hóa, đặc trưng văn hóa để phục vụ cho lợi nhuận thì đấy là ứng xử thiếu văn hóa".

Chùa Hương được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, tháng 9/2018 chùa được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Cụ thể về đề xuất cải tạo khu di tích Hương Sơn, ông Thanh bày tỏ: "Tôi băn khoăn 2 vấn đề như sau: Thứ nhất, việc tôn tạo và tu bổ di tích cũ như thế nào? Nếu định phá đi để làm to hơn là không nên nếu nó làm mất bản sắc văn hóa truyền thống. Thứ hai, chủ đầu tư Xuân Trường đưa ra hướng cải tạo là không hợp lý. Chùa Hương đã có sự gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian bản địa với Phật giáo, nó đã có sự hài hòa. Tín ngưỡng dân gian bản địa chính là cái gốc Việt – Mường ở đó.

Phật giáo, Đạo giáo là ngoại lai khi vào Việt Nam đầu Công Nguyên thì phải bám vào tín ngưỡng để lan ra các địa phương. Cộng đồng Việt Nam rất thông minh và khôn khéo, có nghĩa là rất hòa, dung dị khi trải qua những va đập giữa tín ngưỡng và tôn giáo".

"Nếu Xuân Trường xây một tháp phật Xá Lị to như thế là đề cao Phật giáo và không quan tâm đến tín ngưỡng. Nhìn trên bình diện khu vực Hương Tích nó đã có sự cân đối hài hòa hàng trăm năm nay để đáp ứng nhu cầu tâm linh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng người dân các dân tộc.

Nếu tôn tạo một công trình Phật giáo hoành tráng thì tạo ra độ vênh với tín ngưỡng bản địa. Độ vênh đó dễ dẫn đến một suy luận, khi khách du lịch quốc tế đến sẽ đánh giá rằng Phật giáo ở đây được đề cao hơn. Như vậy là va chạm đến lòng tự trọng của người dân bản địa, vi phạm đến tín ngưỡng của cộng đồng người dân. Tất nhiên người dân sẽ có phản ứng", ông Thanh đưa ra lời khuyên về việc này.

Đối với đề xuất nạo vét Suối Yến (nằm trong quần thể khu di tích Hương Sơn) ông Thanh cho rằng, nếu hiện đại hóa, hoành tráng hóa môi trường sinh thái lên, điều đó là không nên.

Cụ thể, ông nói: "Thứ nhất, sẽ làm phá vỡ cảnh quan đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, gắn với cảnh quan không gian văn hóa tín ngưỡng, mà đó là không gian văn hóa thiêng. Hai là, suối Yến không đơn thuần là con suối để chứa nước, nhìn nhận dưới góc độ phong thủy học thì lâu nay trong tiềm thức của người dân, người ta coi đây là một long mạch linh thiêng. Về tâm linh bao đời nay, người dân tin như thế, nếu uốn Suối Yến sẽ tác động đến môi sinh văn hóa, sinh kế ở đây và quyền chủ sở hữu cộng đồng đã bị ảnh hưởng".

Ban quản lý dự án nói gì?

Du khách vãn cảnh chùa Hương

Trao đổi với báo ĐS&PL, ông Nguyễn Bá Hiển, Phó Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, tới thời điểm này (18/12) vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ doanh nghiệp, cũng như các cơ quan chức năng liên quan đến đề xuất đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn.

Tuy nhiên ông cho rằng, dự án mà giúp khu di tích tốt hơn, tăng thêm lượng du khách về với di tích thì Ban quản lý hoàn toàn ủng hộ để phát triển, hoàn thiện tốt hơn các sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Về việc nạo vét các dòng chảy, khôi phục, tôn tạo đền chùa, miếu mạo trong khu vực cũng cần thiết bởi cơ sở vật chất chùa Hương chưa thật sự đáp ứng hết được lượng khách vào dịp lễ hội và tiềm năng phát triển du lịch tại đây.

Trước đó, trong công văn gửi sở Kế hoạch & Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường kiến nghị: “Chùa Tam Chúc nằm sát với chùa Hương (Hà Nội). Chính vì vậy doanh nghiệp muốn xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội ở giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương, với diện tích 1.000 ha gồm núi đá có cây và đầm lầy. Nếu được TP. Hà Nội đồng ý chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi, xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.

Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6 - 8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm".

Đặng Thủy 

Bài đăng trên ấn phẩm báo Đời sống & Pháp luật số 153

Tin nổi bật