Sau cuộc họp ngày 21/11 (giờ địa phương), 14 quốc gia, bao gồm 8 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đã "lên án mạnh mẽ" vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phương (ICBM) Hwasong-17 của Triều Tiên, được thực hiện ngày 18/11.
Quả tên lửa đã rơi xuống vị trí cách bờ biển Nhật Bản 200km và được cho là có thể chạm tới vùng đất liền của Mỹ.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 21/11, các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cho hay: "Động thái này thể hiện sự leo thang căng thẳng và mối đe dọa rõ ràng tới hòa bình và an ninh quốc tế".
Theo đó, các nước thành viên kêu gọi hội đồng hạn chế sự phát triển của chương trình vũ khí Triều Tiên.
Trong nhiều tháng, Mỹ đã thúc đẩy Hội đồng bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên khi nước này thực hiện một loạt các vụ thử tên lửa. Trước đó, Hội đồng đã thông qua gần chục nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng về hoạt động hạt nhân và tên lửa của nước này kể từ năm 2006.
Nhật Bản đưa tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 18/11. Ảnh: Reuters
Hôm 21/11, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho biết Bắc Kinh "quan ngại" trước "vòng xoáy gia tăng căng thẳng và đối đầu" trên Bán đảo Triều Tiên nhưng cho rằng Hội đồng Bảo an cần giúp xoa dịu căng thẳng và không phải lúc nào cũng lên án hoặc gây áp lực với Bình Nhưỡng.
Ông Zhang cho rằng Mỹ nên chủ động và đưa ra các đề xuất thực tế để đáp ứng "những lo ngại chính đáng" của Triều Tiên. Đại sứ Trung Quốc nhận định: "Tất cả các bên nên giữ bình tĩnh, kiềm chế, hành động và nói năng thận trọng, tránh mọi động thái có thể làm leo thang căng thẳng và dẫn đến tính toán sai lầm để tránh tình hình trở thành một vòng luẩn quẩn".
Trong khi đó, phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Anna Evstigneeva chỉ trích Mỹ đang có ý buộc Triều Tiên đơn phương giải pháp thông qua các biện pháp trừng phạt và vũ lực, đồng thời cho rằng Washington và đồng minh là nguyên nhân gây gia tăng các vụ phóng thử tên lửa.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng, điều quan trọng là Hội đồng bảo an cần phải đưa ra phản ứng lên án chung. Bà Thomas-Greenfield đồng thời chỉ trích Moscow và Bắc Kinh vì đã cản trở hành động này.
Đại sứ Mỹ cho biết Washington đang lên kế hoạch đề xuất một tuyên bố cấp tổng thống tại Hội đồng Bảo an để yêu cầu Triều Tiên "phải chịu trách nhiệm về những lời lẽ nguy hiểm và những hành động gây bất ổn của họ". Theo phái bộ Mỹ, tuyên bố này sẽ sớm được chia sẻ với Hội đồng Bảo an và sẽ có các cuộc thảo luận sau đó.
Kể từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã thực hiện số vụ phóng thử tên lửa cao kỷ lục. Hành động này của Bình Nhưỡng đã vấp phải sự lên án và gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng nói rằng các vụ phóng thử tên lửa của họ nhằm mục đích bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa hàng thập kỷ đến từ phía Mỹ và Hàn Quốc. Vụ thử tên lửa Hwasong-17 được thực hiện ít lâu sau khi Triều Tiên vừa đưa ra cảnh báo về "sự đáp trả quân sự gay gắt".
Cụ thể, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên chính thức của Bình Nhưỡng khi ấy đưa tin: "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nếu Mỹ tiếp tục thực hiện các hành động gây đe dọa, chính phủ chúng tôi sẽ kiên quyết phản ứng lại các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân và đối đầu toàn diện".
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui ngày 21/11, chỉ trích Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đứng về phía Mỹ và không duy trì sự công bằng, khách quan. Trong đó, ông Choe nói rằng việc phát triển vũ khí để tự vệ là quyền của Bình Nhưỡng.
Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)