Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

1.111 ngày trải nghiệm vô giá của thanh niên Việt đi xe máy vòng quanh thế giới

(DS&PL) -

Trần Đặng Đăng Khoa là phượt thủ nổi tiếng với chuyến đi bằng xe máy khắp thế giới. Trong chuyến độc hành, anh bị kẹt tại Mozambique.

Trần Đặng Đăng Khoa là phượt thủ nổi tiếng với chuyến đi bằng xe máy khắp thế giới. Trong chuyến độc hành, anh bị kẹt tại Mozambique. Mới đây, anh đáp chuyến bay về nước và phải vào khu cách ly. Khoa cho hay, mình đã đến được các châu lục, có quá nhiều trải nghiệm nên không hối tiếc vì phải thay đổi lộ trình, kết thúc chuyến đi sớm hơn dự định.

Khoa cùng "người bạn" đồng hành. 

Khao khát vượt qua giới hạn bản thân"

Trần Đặng Đăng Khoa kể, mình thích được dịch chuyển ngay từ nhỏ. Trước khi vòng quanh thế giới, anh là nhân viên kỹ thuật của một công ty về máy móc, kỹ thuật của Đức. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, anh đến cơ quan làm việc. Cuối tuần, anh dắt xe khám phá những vùng đất mới trong nước.

Ngày ấy, cuộc sống ổn định, bình yên và trôi qua thật nhẹ nhàng. Đi gần rồi đi xa, năm 2015, anh đi hết 7 nước Đông Nam Á. Trong đầu Khoa chợt nghĩ: “Tại sao mình không đi xa hơn? Sao mình không đi vòng quanh thế giới, xem như là cột mốc của cuộc đời”. Và, anh vạch kế hoạch, khởi động chuyến đi cùng “người bạn thân” là chiếc xe máy.

Chia sẻ ý định này, nhiều người cho rằng, đó là điều không thực tế. Tuy nhiên, Khoa vẫn giữ nguyên ý định. Anh hiểu, nhiều bạn trẻ ngại thay đổi. Trong khi đó, anh đang có công việc tốt, ổn định, bạn bè, đồng nghiệp yêu quý, sếp giúp đỡ, nhiều cơ hội mở ra trước mắt. Vậy tại sao phải thay đổi?

“Chấp nhận cuộc sống ngày đi làm 8 tiếng, sáng đến cơ quan, tối về nhà, Khoa không cảm nhận đó là mình. Khoa muốn vượt ra ngoài giới hạn, thử thách. Ở bên ngoài kia, cuộc sống có rất nhiều điều cần được khám phá”, phượt thủ này nói.

Tháng 6/2017, anh tạm biệt mẹ, em trai, khởi hành từ cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Mọi người cứ ngỡ, Khoa có đủ tiềm lực tài chính mới dám đi phượt khắp nơi trên thế giới. Nhưng, thực tế, không phải như vậy.

Gia đình anh có hoàn cảnh bình thường, vẫn phải lo cơm áo gạo tiền. Anh là lao động chính trong nhà, hàng tháng, vẫn phải gửi tiền về lo cho em nhỏ còn đi học.

Thời gian đầu, chưa có việc làm, nguồn thu thêm, anh phải ăn mì gói cho qua bữa. Về sau, khi những chuyến đi của Khoa ngày càng nổi tiếng, nhiều nhãn hàng biết đến, hỗ trợ thì anh mới khá giả chút đỉnh nhưng nhiều lúc vẫn ăn mì.

Trong chuyến độc hành, không ít lần, Khoa gặp khó khăn, tâm trạng cô đơn, chán nản và mệt mỏi. Du lịch một mình, đồng nghĩa phải tự lên lộ trình, ăn ở, đi lại và vô vàn chuyện khác. Anh phải tự lo đủ thứ từ visa, giấy tờ nhập cảnh xe, bảo hiểm, bằng lái, các giấy tờ khác theo yêu cầu của từng nước.

Mỗi lần qua đại dương tới châu lục khác lại phải lo đóng thùng, ship xe nên kéo thêm rất nhiều thứ khác phải xử lý. Chuyến đi qua nhiều nơi cũng đồng nghĩa phải chấp nhận thời tiết thay đổi liên tục, nắng hạn, khô cạn, mưa đá, lở tuyết… Anh cũng từng gặp những chuyện không vui như rơi đồ, bị quỵt tiền, bị cướp…

Có lần, phải ngang qua cửa khẩu Taftan, nằm ngay ngã ba biên giới 3 nước Iran, Pakistan và Afghanistan. Đây là khu vực nguy hiểm, bất ổn, bạo động vũ trang. Trong lòng rất lo lắng và tràn ngập nỗi sợ nhưng khao khát được chinh phục mọi con đường, khám phá nhiều đất nước lớn hơn nên sau cùng anh đã vượt qua được. Thời gian xa nhà, có người thân mất, đó là câu chuyện rất buồn mà anh phải trải qua…

Mặc dù vậy, Khoa là người hướng vui, suy nghĩ lạc quan. Anh cho rằng, tất cả những khó khăn đã trải qua là điều rất bình thường của cuộc sống. Ba năm trôi qua, anh đến 65 quốc gia, mỗi nơi đều có nền văn hoá, cuộc sống khác nhau. Chỉ có một điểm chung, ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng anh tin, cơ bản con người là tốt, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Trở về bất ngờ

Khoa cho hay, anh dự định đi đường bộ và sẽ trở về bằng đường bộ. Lộ trình dự định từ châu Phi về Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan – Campuchia và kết thúc ở cửa khẩu Mộc Bài. Lộ trình ấy phải thay đổi vì dịch Covid-19. Tết Âm lịch vừa rồi, Khoa ở Madagascar, đợi xe máy gửi từ Australia để tiếp tục hành trình. Lúc này, dịch bệnh bùng phát dữ dội, lây lan nhanh trên nhiều quốc gia.

Những ngày đầu, Khoa có dự định, chờ dịch bệnh ổn định, cuộc sống trở lại bình thường sẽ tiếp tục hành trình của mình. Tuy nhiên, sau đó, anh nhận ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chuyển xe máy về thủ đô Beira, Mozambique để gửi về Việt Nam. Riêng anh, ở lại chờ cơ hội về nước. Anh đã chuẩn bị tâm lý sẽ ở lại quốc gia này thời gian dài. Và, anh chỉ hy vọng, sẽ được về nước trước Tết nguyên đán bằng chuyến bay thương mại.

Không ngờ, đầu tháng Sáu, anh nhận được tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở Mozambique sắp có chuyến bay hồi hương của hãng hàng không Nam Phi phối hợp với đại sứ quán và các cơ quan hai nước, dành một số suất cho công dân Việt Nam về nước. Anh đăng ký trở về. Anh và các hành khách phải chuẩn bị gấp rút các thủ tục như giấy tờ nhập cảnh, thanh toán, thuê xe ở biên giới, giấy đồng ý xuất cảnh khi các bên đóng cửa… Trưa 15/6, anh cùng mọi người lên máy bay từ Nam Phi về đến Việt Nam 16/6 và vào khu cách ly tại Trung đoàn 126, tỉnh Hưng Yên.

Mặc dù phải thay đổi hành trình, trở về nước trước dự kiến, nhưng Khoa không cảm thấy hối tiếc, vì đã đi qua hết tất cả các châu lục, trải nghiệm được nhiều thứ mà có lẽ, sau này cũng không thể quay lại. Anh hạnh phúc khi được đặt chân về nước.

“Khoa đã xa nhà 3 năm, nên ở lại trong khu cách ly thêm 14 ngày cũng không khác nhau quá. Trong lúc dịch bệnh này, Khoa thực hiện việc cách ly cũng là điều hiển nhiên”, phượt thủ chia sẻ. Đồng thời, anh cho biết thêm, các cán bộ tại khu cách ly tiếp đón mọi người rất chu đáo. Đã lâu, anh không được ăn cơm Việt nên ăn cơm ở khu cách ly thấy rất. ngon.

Mơ về một hạnh phúc

Khoa chia sẻ, trước đây, sau mỗi chuyến đi lại muốn có ngay một chuyến đi tiếp. Tuy nhiên, sau chuyến đi lần này, anh lại mong muốn có 1 gia đình nhỏ, gầy dựng hạnh phúc. Sau đó sẽ cùng vợ con đi du lịch, có thể bằng xe ô tô khám phá những vùng đất mới. Đồng thời, anh sẽ tập trung vào công việc, hoàn thiện, xuất bản cuốn sách về chuyến đi vừa qua. Toàn bộ tiền thu được sẽ gây quỹ thiện nguyện cho trẻ em. Anh cũng tiếp tục các chương trình từ thiện, làm đại sứ cho đêm nhạc từ thiện gây quỹ cho tổ chức Operatione Smile, chăm sóc cho trẻ mồ côi…

Huy Cường

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 100

Tin nổi bật