Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Loạt tin "sét đánh ngang tai" bủa vây Tổng thống Zelensky

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Cùng Đời sống & Pháp luật nhìn lại những tin nóng cùng 10 phát ngôn gây chú ý trong tuần qua (17-23/2/2025).

Ông Trump cảnh báo Ukraine nếu bác thỏa thuận khoáng sản

"Chúng tôi sẽ ký một thỏa thuận hoặc sẽ có rất nhiều rắc rối với Ukraine", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngày 22/2, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng 2 bên sắp đạt được thỏa thuận và Washington sẽ nhận được 400-500 tỷ USD.

Ông cũng chỉ trích người tiền nhiệm Joe Biden vì chính sách viện trợ cho Ukraine. "Chúng ta trao tiền cho họ, lấy của cải của chúng ta cho một đất nước ở rất xa", chủ nhân Nhà Trắng nói.

"Tôi đang cố gắng lấy lại tiền. Tôi muốn họ cung cấp cho chúng ta cái gì đó cho tất cả những gì mà chúng ta bỏ ra. Chúng ta yêu cầu đất hiếm và dầu, bất cứ thứ gì chúng tôi có thể có được. Tôi nghĩ chúng ta đã tiến khá gần đến một thỏa thuận", ông Trump nêu rõ.

Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn một thỏa thuận 500 tỷ USD đổi viện trợ của Mỹ lấy khoáng sản của Kiev. Theo các nguồn tin, ông Trump muốn Mỹ được sở hữu 50% tài nguyên khoáng sản của Ukraine, bao gồm graphite, lithium và uranium, để đổi lấy viện trợ. 

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất với lý do thỏa thuận không công bằng, không bao gồm các đảm bảo an ninh cho Kiev.

Giới chức Mỹ sau đó được cho là đã điều chỉnh lại dự thảo thỏa thuận, có xét đến những quan điểm của Kiev. Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk cuối ngày 22/2 cho biết, Ukraine sẽ bắt đầu làm việc để hoàn tất thỏa thuận với Mỹ về tài nguyên khoáng sản của nước này.

 

Mỹ hối thúc Ukraine bầu cử

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 19/2 chỉ trích việc Ukraine không tiến hành bầu cử trong thời gian thiết quân luật.

"Tôi nghĩ rằng không phù hợp khi một số người bạn châu Âu của chúng ta chỉ trích ông Donald Trump vì ông gợi ý rằng Ukraine nên tổ chức bầu cử", ông Vance nói trong một cuộc phỏng vấn.

"Mỹ từng có một cuộc nội chiến. Tất nhiên, chúng tôi vẫn tổ chức một cuộc bầu cử vào cuối năm theo đúng lịch trình", ông Vance nói thêm.

Phó Tổng thống Mỹ coi ý tưởng không thể tổ chức bầu cử trong thời gian diễn ra xung đột là "vô lý". "Tổng thống Trump đã nói rất rõ rằng ông ấy nghĩ điều đó nên xảy ra", ông Vance nhấn mạnh.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, gọi nhà lãnh đạo Ukraine là một "nhà độc tài không qua bầu cử". "Ông ấy từ chối tổ chức các cuộc bầu cử, có tỷ lệ tín nhiệm rất thấp trong các cuộc thăm dò ý kiến ở Ukraine", ông Trump tuyên bố.

Ukraine không còn khả năng thay đổi cục diện

Các lực lượng Nga ngày 20/2 tuyên bố đã giành lại phần lớn lãnh thổ khu vực Kursk từ tay lực lượng Ukraine, một vị tướng cấp cao của nước này cho biết Theo Tướng Sergei Rudskoi, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, lực lượng Moscow đã giành lại hơn 800km2 lãnh thổ từ tay Ukraine ở vùng Kursk, chiếm khoảng 64% tổng diện tích mà Kiev kiểm soát được kể từ khi mở cuộc tấn công khu vực này vào tháng 8/2024.

Chia sẻ với Krasnaya Zvezda, vị tướng trên cho biết thêm, Nga đang tiến quân theo mọi hướng và Ukraine đã bị đẩy vào thế phòng thủ kể từ tháng 2/2024 giữa lúc Moscow mở một cuộc tấn công lớn và đã giành lại một phần lãnh thổ đáng kể.

Ông Rudskoi còn cho hay, Nga hiện kiểm soát 75% các khu vực Donetsk, Zaporizhia và Kherson của Ukraine và hơn 99% khu vực Luhansk. Theo ông, 4 khu vực này hiện là một phần hợp pháp của Nga và sẽ không bao giờ được trả lại cho Ukraine.

"Năm ngoái là bước ngoặt trong việc đạt được các mục tiêu của chúng tôi. Chính quyền Kiev sẽ không thể thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường nữa", Tướng Rudskoi nói. "Đối phương đã mất phần lớn khả năng sản xuất vũ khí, thiết bị và đạn dược cần thiết. Việc huy động thường là bắt buộc".

Theo Tướng Rudskoi, tương lai của cuộc xung đột không còn phụ thuộc vào Ukraine mà phụ thuộc vào việc phương Tây có đồng ý xây dựng một kiến trúc an ninh châu Âu mới có tính đến lợi ích của Nga hay không.

 

Ông Zelensky cáo buộc ông Trump “thông tin sai lệch”

Bình luận sau các cuộc đàm phán cấp cao Nga – Mỹ ở thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút hôm 18/2, ông Trump đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky vì "bắt đầu cuộc xung đột" với Nga. Lãnh đạo Nhà Trắng cũng cho rằng Ukraine nên tổ chức một cuộc bầu cử mới vì tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Zelensky hiện chỉ còn khoảng 4%.

Ngay sau đó,  ông Zelensky đã chỉ trích Mỹ đưa Nga thoát khỏi sự cô lập toàn cầu thông qua việc tổ chức đối thoại song phương tại Riyadh. Ông cũng lên tiếng bác bỏ một số tuyên bố “vô căn cứ” do ông Trump đưa ra một ngày trước đó.

CNN dẫn lời Tổng thống Ukraine nhấn mạnh: "Đáng tiếc, Tổng thống Trump, người tôi rất tôn trọng với tư cách lãnh đạo Mỹ, một quốc gia luôn ủng hộ và được chúng tôi quý trọng, thật không may lại sống trong không gian thông tin sai lệch như vậy”.

Ông Zelensky cũng phản bác trích dẫn của ông Trump về một cuộc thăm dò dư luận gần đây. Ông nói chỉ 1% người dân Ukraine ủng hộ nhượng bộ Nga, đồng thời cảnh báo lãnh đạo Chính phủ Mỹ không nên “che đậy trách nhiệm của Moscow”.

Tổng thống Ukraine khẳng định tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là bảo đảm an ninh tốt nhất cho Ukraine. Ông tiết lộ sẽ đàm phán với các đồng minh châu Âu về việc tài trợ cho quân đội Ukraine.

Mỹ: Châu Âu sẽ "không có ghế" tại bàn đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sốc cho các đồng minh châu Âu khi thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tham khảo ý kiến ​​của các nước này hoặc Ukraine và tuyên bố bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình, Reuters đưa tin. 

Các quan chức chính quyền ông Trump trong những ngày gần đây cũng đã nói rõ rằng họ mong đợi các đồng minh châu Âu trong NATO sẽ chịu trách nhiệm chính cho khu vực này vì Mỹ hiện có những ưu tiên khác, chẳng hạn như an ninh biên giới và cuộc đua với Trung Quốc.

Các động thái của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại rằng châu Âu có thể bị loại khỏi một thỏa thuận hòa bình, vốn dĩ cũng sẽ ảnh hưởng đến an ninh của chính họ, đặc biệt là nếu thỏa thuận đó được coi là quá có lợi cho Nga.

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine Keith Kellogg phát biểu tại Hội nghị An ninh Toàn cầu ở Munich, Đức, rằng Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình, với Ukraine và Nga là hai nhân vật chính.

Khi được hỏi về triển vọng của châu Âu tại bàn đàm phán, ông Kellogg cho rằng “Châu Âu sẽ không có ghế tại bàn đàm phán hòa bình”.

 

Tỷ phú Elon Musk công kích Tổng thống Ukraine

Ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã dùng những từ ngữ mạnh để chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Động thái này diễn ra sau khi căng thẳng giữa ông Zelensky và ông Trump leo thang trong những ngày qua khi 2 nhà lãnh đạo chỉ trích lẫn nhau.

Trong bài đăng trên X hôm 20/2, ông Musk đã cáo buộc ông Zelensky "tham nhũng, hành động như một nhà độc tài khi Ukraine đang trong thời kỳ thiết quân luật".

Ông Musk cho rằng, người dân Ukraine không đánh giá cao năng lực lãnh đạo của ông Zelensky và ông Trump đã đúng khi không để Kiev tham gia đàm phán với Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến với Nga.

Ông Musk đồng thời cáo buộc ông Zelensky sợ phải tổ chức bầu cử, vì không muốn thua cuộc.

Ukraine chưa bình luận về những lời công kích từ ông Musk.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ‘dội nước lạnh’ vào Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth mới đây cho rằng việc khôi phục biên giới của Ukraine về trước năm 2014 là không thực tế, và chính quyền của Tổng thống Donald Trump không coi việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một phần của giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột.

Phát biểu trong cuộc họp với các đồng minh quân sự của Ukraine tại trụ sở của NATO ở Brussels ngày 12/2, ông Hegseth đưa ra tuyên bố công khai rõ ràng và thẳng thắn nhất từ trước đến nay về quan điểm của chính quyền Mỹ đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm qua.

Ông Hegseth cho rằng bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào cũng phải bao gồm "những đảm bảo an ninh vững chắc để xung đột không quay lại”. Tuy nhiên, ông cho biết, "Mỹ không tin rằng trao tư cách thành viên NATO cho Ukraine là kết quả thực tế từ quá trình đàm phán".

Thay vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng những đảm bảo an ninh nên được hỗ trợ bởi "châu Âu vững mạnh và quân đội ngoài châu Âu”.

"Nếu triển khai lực lượng đến Ukraine để gìn giữ hoà bình, đó nên là lực lượng ngoài NATO và không liên quan đến Điều 5", ông chủ Lầu Năm Góc nói, ngụ ý nói đến điều khoản về phòng thủ chung của Liên minh châu Âu (EU).

 

Ngoại trưởng Mỹ: Chỉ Tổng thống Trump mới có thể chấm dứt xung đột Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đưa ra những tuyên bố tích cực về triển vọng giải quyết xung đột Ukraine sau cuộc đàm phán với Nga ở Ả rập Xê út.

"Chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể đưa cuộc chiến ở Ukraine đến hồi kết", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố ngay sau khi các quan chức Nga và Mỹ gặp nhau tại Ả rập Xê út để thảo luận về cuộc chiến kéo dài 3 năm ở Ukraine hôm 18/2.

"Chỉ trong vài tháng, Tổng thống Trump đã chuyển toàn bộ cuộc thảo luận trên toàn cầu từ liệu cuộc chiến có kết thúc hay không sang cách thức kết thúc cuộc chiến như thế nào. Chỉ có Tổng thống Trump mới có thể làm được điều đó", ông Rubio cho biết.

Phát biểu sau cuộc đàm phán tại Ả rập Xê út, Tổng thống Donald Trump cho biết ông "có đủ sức mạnh để chấm dứt cuộc chiến này" và điều đó "sẽ diễn ra tốt đẹp".

Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố thêm rằng, lẽ ra ông đã có thể giúp Ukraine đạt được một thỏa thuận để họ giữ lại được lãnh thổ và không có đổ máu, "nhưng họ lại không lựa chọn".

Ông Trump cho biết, ông nhiều khả năng sẽ gặp gỡ người đồng cấp Nga Putin trong tháng này, cũng tại Ả rập Xê út

Ông Putin hoan nghênh hội đàm Nga - Mỹ 

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/2 cho biết, Moscow chưa bao giờ đóng cánh cửa đàm phán hòa bình về Ukraine, đồng thời khẳng định chính Liên minh châu Âu (EU) và Kiev đã cắt đứt mọi liên lạc với Nga.

Ông Putin đưa ra tuyên bố trên sau khi được các quan chức Nga thông báo về kết quả cuộc hội đàm giữa các đại diện của Moscow và Washington tại Riyadh ngày 18/2.

"Nga chưa bao giờ rút lui khỏi tiến trình đàm phán với Ukraine, chưa bao giờ như vậy", Tổng thống Putin nói với các phóng viên tại St. Petersburg.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh, chính Ukraine đã cấm các quan chức nước này tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow.  "Họ đã rút khỏi các cuộc đàm phán Istanbul và công khai thông báo điều đó", ông Putin cho biết. 

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng nói rằng không ai loại bỏ Kiev ra khỏi tiến trình đàm phán. Cả Moscow và Washington đều trông đợi Ukraine tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình. 

Ông Putin cho biết ông hoan nghênh và có quan điểm tích cực về các kết quả đạt được sau hội đàm Nga - Mỹ ở Ả rập Xê út, đồng thời khẳng định Moscow và Washington đã nhất trí nối lại hoạt động bình thường của các cơ quan ngoại giao. 

 

Ông Zelensky tuyên bố không công nhận kết quả thượng đỉnh Mỹ-Nga

Trang tin Kyiv Independent cho biết, Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây đã tuyên bố: "Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả đàm phán hòa bình nào mà Ukraine không tham gia".

Bình luận của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh ở Ảrập Xêút, nhằm thảo luận về phương án kết thúc xung đột.

"Chúng tôi có một vị trí hiển nhiên tại bàn đàm phán, vì cuộc xung đột đang xảy ra trực tiếp tại Ukraine. Ukraine sẽ không bao giờ công nhận một thỏa thuận mà mình không tham gia.

Chúng tôi biết ơn tất cả sự ủng hộ của Mỹ, nhưng không một nhà lãnh đạo nào có thể đạt được thỏa thuận với Nga mà không có ý kiến của Kiev. Sau cùng, đây là vấn đề xoay quanh Ukraine", ông Zelensky cho biết.

Tin nổi bật