Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Yếu huyệt” khiến nghệ sỹ thành “mồi ngon” của tội phạm cướp giật

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Những nghệ sỹ nổi tiếng với đồ dùng cá nhân đắt tiền, rủng rỉnh tiền bạc, đi xe xịn... đã và đang rơi vào tầm ngắm của tội phạm cướp giật.

(ĐSPL) - Trong thời gian qua, đã có không ít nạn nhân thuộc giới nghệ sỹ liên tục bị cướp tấn công. Người may mắn chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng cũng không ít nghệ sỹ vừa mất tài sản vừa bị chấn thương nặng. Những nghệ sỹ nổi tiếng với đồ dùng cá nhân đắt tiền, rủng rỉnh tiền bạc, đi xe xịn... đã và đang rơi vào tầm ngắm của tội phạm cướp giật.

Hàng hiệu hớ hênh -“mồi ngon” cho cướp

Không phải ngẫu nhiên mà nghệ sỹ lại trở thành “miếng mồi ngon” được các đối tượng cướp giật “chăm chút” kỹ lưỡng. Bởi thực tế cho thấy nghệ sỹ có quá nhiều điểm yếu để cướp giật lợi dụng tấn công. Những nơi nghệ sỹ thường lui tới vốn đã theo một quy luật nhất định, có xê dịch thời gian nhưng lại thường rơi vào quãng “thời gian vàng” như lúc rất đông, hoặc lúc rất vắng nên kẻ cướp dễ bề ra tay, tẩu thoát. Những chiếc xe tay ga đắt tiền, túi xách hàng hiệu, nữ trang cao cấp... mà nghệ sỹ sử dụng không tránh khỏi sự thèm thuồng của bọn cướp giật. Ghi nhận thực tế từ những ngày rong ruổi ngồi quán nước, lăn lóc vỉa hè... bám sát nhiều địa điểm, nơi nghệ sỹ thường lui tới, PV có thêm nhiều lý giải khiến nghệ sỹ trở thành “mồi” ngon của cướp giật.

Thông tin về những nơi nghệ sỹ thường lui tới nhan nhản trên báo chí nên việc tìm họ ở đâu thường không khó. Ngay cả địa chỉ nhà riêng của nhiều nghệ sỹ, những ngôi nhà triệu đô cũng được nhắc đến với hình ảnh thật lung linh. Đó là những thông tin thu hút người hâm mộ nhưng cũng là “điểm chết” khi vô tình đánh vào lòng tham của kẻ cướp. Đã có rất nhiều vụ cướp xảy ra trước cổng các sân khấu, tụ điểm ca nhạc, phòng trà, quán bar...

Nơi đầu tiên PV thâm nhập là sân khấu Sen Hồng, tọa lạc trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM), nơi này thuộc điểm nóng cướp giật phố Tây. Theo quan sát, khoảng 14h mỗi ngày, nhiều nghệ sỹ múa, ca sỹ, diễn viên... thường đến sân khấu Sen Hồng để tập luyện cho các chương trình sẽ diễn ra vào buổi tối. Các nghệ sỹ thường đeo túi xách đắt tiền, đứng mua quà vặt trước cổng sân khấu. Có nhóm còn cười đùa với nhau, lơ là việc bảo quản tài sản có giá trị cao của mình. Bà Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi, quê Bình Định) bán bánh tráng trộn trước cổng sân khấu Sen Hồng chia sẻ: “Nghệ sỹ vô tư lắm, túi xách, xe cộ... cứ để hớ hênh. Nhiều cô mặc váy ngắn, cầm túi xách đi tới đi lui sát mé đường, cướp chạy qua giật một cái thì mất tiêu mà còn chưa kịp hiểu chuyện gì”.

“Buổi tối, ở đây còn đông đúc và bất an hơn, lẫn trong khán giả, người hâm mộ vây quanh nghệ sỹ là những bàn tay “ma quái” của các đối tượng cướp giật. Bọn chúng chia nhau hành động, có đứa canh gác, có đứa chuẩn bị sẵn xe để tẩu thoát. Chúng nhắm vào tài sản hớ hênh của đám đông và hiển nhiên cướp được của nghệ sỹ thì chắc là béo bở. Bởi nghệ sỹ thường bỏ nhiều tiền trong túi để đi biểu diễn nhiều nơi, vật dụng, trang sức của họ lại toàn là hàng đắt tiền. Tụi nó cướp được bán lại cũng bộn tiền”, ông Nguyễn Văn Vĩnh (45 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) chạy xe ôm tại cổng sân khấu Sen Hồng cho biết thêm.

Tương tự sân khấu Sen Hồng, những sân khấu, nhà hát, trung tâm biểu diễn ca nhạc, kịch nói... khác tại TP.HCM như Hòa Bình, Nam Quang, Nụ Cười Mới... thường nằm ở vị trí mặt tiền của các tuyến đường lớn, đông đúc. Nghệ sỹ đến những nơi này theo những khung giờ nhất định, và rất ít khi đề phòng cướp giật. Một số diễn viên đến sân khấu kịch Nụ Cười Mới (đường 3/2, Q.10) ăn vận trang phục hào nhoáng, đi xe tay ga đắt tiền, đeo túi xách quai chéo... gây chú ý với người đi đường, chứ chưa nói đến cướp. Do đó, nếu đã bị bám đuổi thì chỉ cần họ sơ hở là có thể “bay” đồ trong tích tắc. Ngoài địa điểm biểu diễn, những băng cướp có tổ chức chọn nghệ sỹ là đối tượng để cướp giật còn lượn lờ tại các trung tâm mua sắm lớn, những khách sạn nghệ sỹ thường lưu trú khi vào TP.HCM biểu diễn, các nơi vui chơi của nghệ sỹ như bar, vũ trường, nhà hàng... để ra tay

Những quán bar nổi tiếng được giới nghệ sỹ yêu thích và cũng được các đối tượng cướp giật “chăm sóc” rất kỹ.

Lý giải những góc khuất

Lý giải việc các đối tượng cướp giật chọn nghệ sỹ làm “con mồi”, Thiếu tá Trần Phan Thế Anh, công tác tại Công an phường 13, Q.5 chia sẻ: “Thời gian gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như nắm bắt tình hình thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy những dấu hiệu cho thấy tội phạm cướp giật đang chuyển hướng sang giới nghệ sỹ. Ai bị cướp thì cũng khổ sở và bức xúc vì mất của nhưng giới nghệ sỹ khi bị cướp thường ít đến trình báo cơ quan công an”.

“Trong trường hợp nhận được trình báo của người dân, chúng tôi đều ghi nhận và tiến hành xác minh, làm rõ để truy lùng đối tượng. Tuy nhiên, cướp giật là loại tội phạm không hoạt động cố định, phạm vi gây án rất rộng, nếu không gây án ở địa bàn quản lý thì làm sao công an phường có thể bắt giữ. Thêm nữa, nguyên nhân để các đối tượng cướp giật chọn giới nghệ sỹ vì giới này có quá nhiều sơ hở trong việc bảo quản tài sản cá nhân. Tư tưởng phóng khoáng, gần gũi với công chúng khiến nghệ sỹ mất đi cảnh giác đề phòng”, Thiếu tá Thế Anh cho biết thêm.

Một nguyên nhân khác, khiến giới nghệ sỹ dễ bị cướp là mỗi khi xuất hiện trước công chúng, ra đường, họ thường sử dụng nhiều trang sức, vật dụng có giá trị cao. Ngoài ra, do tính chất công việc nghệ sỹ thường phải biểu diễn vào ban đêm, khi ra về thì đã rất khuya, một số phải đi qua các cung đường vắng thì rất khó thoát khỏi nanh vuốt của bọn cướp giật.

Lời gan ruột của những nghệ sỹ từng... gặp cướp

Những nghệ sỹ từng bị cướp “hỏi thăm”.

Nhà thiết kế Võ Việt Chung, một nạn nhân của cướp giật cho biết: “Vào tháng 7/2014, tôi bị giật giỏ xách có 300 triệu đồng vừa rút từ ngân hàng tại giao lộ Trần Hưng Đạo-Tản Đà. Cú giật mạnh khiến tôi đập đầu xuống đường và phải nhập viện”.

“Lần trước, tôi cũng bị giật giỏ xách bên trong có mấy trăm triệu đồng và 7.500 USD tại giao lộ này, có trình báo công an, nhưng không thấy giải quyết được gì nên lần sau tôi không trình báo. Đến nay, tôi vẫn rất lo sợ mỗi khi phải đến khu vực này trả tiền vải cho chủ hàng. Giờ cứ hễ nhắc đến chuyện cướp giật, tôi lại thấy run, mọi người nên cẩn thận mỗi khi ra đường, bởi bọn cướp thường xuất hiện rất bất ngờ và ra tay rất tàn độc. May mắn, tôi không bị chấn thương nặng, chứ nhiều nghệ sỹ khác bị chấn thương sọ não, rất nguy hiểm”, nhà thiết kế Võ Việt Chung chia sẻ thêm.

Ca sỹ Thảo Trang, người từng bị cướp làm trầy xước khắp cơ thể cho biết: “Tôi đã cảnh giác khi ra đường nhưng vẫn bị cướp. Có lẽ, chuyện cẩn thận là không bao giờ thừa mỗi khi ra đường với bất cứ ai. Bởi ai cũng có thể trở thành mồi ngon của bọn cướp giật”. Nhiều nghệ sỹ mong muốn cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng cướp giật diễn ra như hiện nay. Tuy nhiên, nghệ sỹ cũng cần chú ý hơn trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản cá nhân. Hơn ai hết, họ luôn rơi vào tầm ngắm và là “ưu tiên hàng đầu”... của tội phạm cướp giật.

Tin nổi bật