Trong hàng nghìn năm, loài mèo vẫn luôn thu hút sự quan tâm và chú ý của con người. Từ trước khi mèo hoang được thuần hoá, các nền văn hoá cổ đại đã tin vào linh vật mèo. Tới khoảng năm 8000 trước Công nguyên, khi những con mèo hoang bắt đầu trở nên gần gũi hơn với con người, loài mèo càng có vị trí quan trọng hơn.
Các nhà khảo cổ học và nhân chủng học ước tính rằng mèo hoang bắt đầu được thuần hóa ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (khu vực ngày nay là miền Nam Iraq, Syria, Liban, Jordan, Palestine, Israel, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) vào khoảng năm 8000 trước Công nguyên. Loài mèo khi ấy đã giúp ngăn chặn các loài động vật nhỏ phá hoại mùa màng, do đó người dân địa phương đánh giá rất cao sự hiện diện của chúng.
Loài mèo được đánh giá cao trong văn hoá cổ đại.
Những con mèo hoang được thuần hoá một phần này này cuối cùng đã lan rộng khắp châu Á và sau đó đến châu Âu vào khoảng năm 4400 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, một loài mèo khác trong thời điểm ấy được xác định đến từ Châu Phi, đặc biệt là Ai Cập, nơi chúng phát triển mạnh. Những con mèo này cuối cùng đã đi qua và xung quanh Biển Địa Trung Hải, chúng được đưa lên tàu và cả đất liền để bắt những loài gặm nhấm.
Trong khi chó được thuần hoá hoàn toàn và có thể làm nhiều việc khác nhau, loài mèo cũng được nhận định là "hoàn hảo" theo cách riêng. Loài mèo ngày nay vẫn giữ được những nét riêng giống như tổ tiên của chúng. Đó là lý do mà loài mèo thường trở thành chủ đề của nhiều thần thoại cổ.
Văn hoá Ai Cập cổ đại
Người Ai Cập cổ đại tôn kính động vật, nhưng không có loài vật nào được tôn kính như mèo. Người Ai Cập không chỉ coi mèo là loài vật đẹp đẽ mà họ còn coi chúng là những sinh vật kỳ diệu mang lại may mắn cho gia đình.
Người Ai Cập đeo trang sức cho mèo của họ và coi mèo là thành viên quan trọng của gia đình. Khi một con mèo qua đời, gia đình người Ai Cập cổ đã ướp xác chúng để chúng có thể cùng những người bạn đồng hành của mình sang thế giới bên kia. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình sẽ cạo lông mày để bày tỏ sự tiếc thương.
Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng loài mèo.
Người Ai Cập cổ đại xem con mèo như người bảo vệ vì chúng đã giúp họ giết rắn, côn trùng và các sinh vật nguy hiểm khác. Trên thực tế, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bộ xương của nhiều con mèo trong lăng mộ của các pharaoh và các quý tộc khác thời Ai Cập cổ đại.
Tương tự như người Mỹ bản địa, người Ai Cập cổ đại tin rằng các vị thần có thể biến hình thành động vật. Trong đó, thần thoại Ai Cập tin rằng nữ thần Bastet có hình dạng một con mèo. Bastet có vai trò cai trị nhà cửa và khả năng sinh sản. Bà cũng là một vị thần bảo vệ, ngăn chặn tà ma và bệnh tật xâm nhập vào nhà.
Văn hoá Hy Lạp cổ đại
Khi người Hy Lạp cổ đại đến Ai Cập trước năm 500 trước Công nguyên, trông thấy số lượng mèo được thuần hóa khiến họ phải sửng sốt, vì thời điểm ấy ở Hy Lạp, mèo vẫn chưa hoàn toàn được các gia đình nuôi. Do đó, mèo không xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp thời kỳ đầu. Tuy nhiên, các nhà sử học phỏng đoán rằng nữ thần Hy Lạp Artemis được lấy cảm hứng từ hình tượng nữ thần Ai Cập Bastet. Bởi vậy, hình ảnh con mèo đôi khi được gắn với nữ thần Artemis.Vă
Thần thoại Celtic
Các nữ thần Celtic Brigid và Ceridwen đều được gắn với loài mèo. Cả người Ailen và người Scotland cũng từng kể những câu chuyện về một chú mèo thần tiên tên là Cat Sith, một con mèo đen lớn với một đốm trắng trên ngực. Trong đó, một số phiên bản tiến tấu của chuyện Cat Sith nói rằng con mèo này là một phù thủy biến hình.
Theo truyền thống của người Celtic, luôn phải để lại một đĩa sữa cho mèo vào buổi tối của lễ Samhain - ngày lễ giống với ngày Halloween hiện nay. Hành động này để cầu may mắn và ngăn sự xui xẻo trong gia đình.
Thần thoại Bắc Âu
Trong thần thoại Bắc Âu, nữ thần Freya cưỡi cỗ xe do hai con mèo kéo. Tương tự như nữ thần Bastet của Ai Cập, Freya là một nữ thần của sự sinh sản, đồng thời là nữ thần của tình yêu và sự may mắn.
Nữ thần Freya của thần thoại Bắc Âu cũng được gắn với hình ảnh mèo.
Mối liên hệ giữa Freya và mèo rất có thể là do người Viking coi mèo có sức mạnh đặc biệt. Cụ thể, họ cho rằng loài mèo có thể nhìn và nghe thấy những thứ mà những loài vật không thể. Ngoài ra, họ coi con mèo là biểu tượng của sức mạnh nữ tính hay nữ tính thiêng liêng. Hơn nữa, sự độc lập của con mèo tượng trưng cho sức mạnh của nữ thần Freya.
Minh Hạnh (Theo Uniguide)