Gia đình không thể đến đón người thân
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày oằn mình chống lại cơn càn quét của dịch Covid-19, đâu đó vẫn có hình ảnh những bệnh nhân mắc Covid-19 xuất viện, được bố trí xe đưa về nhà.
Cổng bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.Hồ Chí Minh (số 12, đường 400, phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), mỗi ngày đều chuẩn bị sẵn phương tiện, tài xế đưa những bệnh nhân điều trị Covid-19 xuất viện về nơi cư trú. Đây là hoạt động do bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện Hồi sức Covid-19 phối hợp hội Phụ nữ Hội và hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
BS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc bệnh viện Hồi sức Covid-19 cùng Th.s Lê Minh Hiển lên phương án đưa bệnh nhân xuất viện về nhà.
Để lên ý tưởng, phương án, triển khai hoạt động thật không hề đơn giản trong thời điểm TP. Hồ Chí Minh đang căng thẳng vì dịch Covid-19. Mọi hoạt động từ y tế, đời sống dân sinh, kinh tế, xã hội gặp muôn vàn khó khăn.
Th.s Lê Minh Hiển, phòng Công tác Xã hội, Cán bộ quản lý bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại, khi thiết kế quy trình làm việc tại bệnh viện Hồi sức Covid-19, ban Giám đốc đưa ra quy trình, trước khi bệnh nhân xuất viện, phòng Công tác xã hội sẽ điện thoại báo tin vui cho gia đình bệnh nhân. Đồng thời, mời gia đình đến đón và nhắc họ chuẩn bị một bộ quần áo sạch mang theo. Mục đích đảm bảo tuyệt đối kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ không mang bất cứ đồ dùng, vật dụng gì từ nơi điều trị ra khu vực bên ngoài.
Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như kế hoạch. Ngày 26/7, 17 bệnh nhân được bệnh viện gọi điện cho người thân, có đến 16 người gia đình không thể đón bệnh nhân về. Nguyên nhân do gia đình họ đang trong khu cách ly tập trung, bị phong tỏa, người nhà cũng đang nằm viện điều trị. Có trường hợp đồng ý đến đón nhưng lại không thuê được xe.
Câu chuyện ngày 26/7 này khiến ban Giám đốc, các bác sĩ trăn trở, vì bệnh nhân xuất viện chưa được lo chu toàn. Ngay sau đó, một lộ trình, kế hoạch hoạt động mang tính chiến lược lâu dài được ban Giám đốc, phòng Công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy tỉ mỉ vạch ra.
Tuy nhiên, thời điểm này mọi việc không hề dễ dàng, TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều hoạt động phải tạm ngưng trong đó có các dịch vụ vận chuyển hành khách. Do đó, việc tìm đối tác là cá nhân, đơn vị hỗ trợ đưa đón bệnh nhân không hề đơn giản.
Thông qua đài, báo, phòng Công tác xã hội liên hệ với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh chia sẻ khó khăn. Qua đó, hai bên bàn bạc và thống nhất phối hợp cùng thực hiện. Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ phương tiện, tài xế và lên phương án thực hiện kế hoạch đưa bệnh nhân về nhà.
“Tôi được biết các bác sĩ bệnh viện Hồi sức Covid-19 rất lo lắng, thương bệnh nhân xuất viện trong thời điểm giãn cách xã hội chưa biết về nhà bằng cách nào. Sau đó, Chi hội luật sư bên tôi được đề nghị giúp đỡ việc đưa đón bệnh nhân. Vì trước đó chúng tôi có nhiều hoạt động từ thiện cho trẻ em.
Tôi gặp anh Hiển thống nhất, bước đầu bên hội sẽ hỗ trợ 2 chiếc xe, do 2 luật sư cầm lái. Tiếp theo, tôi sẽ vận động bên hội Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh để tìm cách hỗ trợ thêm. Tôi gọi điện cho chị Trân, Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và may mắn bên đó họ đồng ý hỗ trợ thêm ô tô cùng tài xế”, luật sư Ngọc Nữ kể.
Khó khăn nào rồi cũng qua
Được sự đồng ý của ban Giám đốc bệnh viện, phòng Công tác xã hội tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục pháp lý, đảm bảo cho phương tiện hoạt động, lưu thông trong thời điểm có dịch Covid-19.
“Chúng tôi cố gắng nhanh nhất, để sáng hôm sau triển khai thực hiện được. Những ngày sau đó, chúng tôi mời lãnh đạo các khoa trong bệnh viện Hồi sức Covid-19 họp, ban hành quy trình xuất viện mới, đạt mục tiêu giảm thời gian chờ cho bệnh nhân.
Tất cả bệnh nhân được xuất viện phải thông tin cho phòng Công tác xã hội, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh (trực tiếp là luật sư Trần Thị Ngọc Nữ) biết để sắp xếp, điều xe hợp lý”, Th.s Hiển cho biết.
Th.s Hiển cho biết, trong quá trình triển khai, khó khăn nhất là nguồn nhân lực. Lực lượng mỏng, thời gian này công việc, nhân sự được phân chia nhiều việc. Trong đó, nặng nề nhất là công việc trực online trả lời cho bệnh nhân, tìm thân nhân cho họ trong lúc nằm viện. “Bệnh nhân đi điều trị thân nhân đâu được theo. Trong khi, có thể thân nhân của họ cũng đang điều trị tại bệnh viện khác, bị cách ly. Trường hợp xấu nhất là đã mất. Do đó, phải cung cấp cho bệnh nhân biết thân nhân họ đang ở đâu, tình trạng ra sao”, ông Hiển cho biết.
Khó khăn nữa là việc đưa những bệnh nhân lớn tuổi về nhà. Những trường hợp này bệnh nhân thường bị lẫn, không nhớ địa chỉ, liên hệ với người thân bệnh nhân không được. Do đó, việc tìm địa chỉ rất lâu, phải nhờ sự hỗ trợ từ quản lý khu phố, rất vất vả cho tài xế.
Công tác chở bệnh nhân xuất viện sẽ bắt đầu từ sáng sớm. Sau khi chuẩn bị xe, khử khuẩn, mặc đồ bảo hộ, đến 10h sáng, tài xế sẽ đón bệnh nhân tại cổng bệnh viện. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, đến 15h chiều công việc này kết thúc. Tuy nhiên, không phải ngày nào, chuyến xe nào cũng thuận lợi.
Luật sư Ngọc Nữ cho biết, những người thực hiện công việc này phải hy sinh rất nhiều, nhất là lợi ích bản thân.
“Nhiều người đồng ý cho mượn xe còn tài xế phải tự lo. Mặc dù, tài xế được chích ngừa, khử khuẩn đầy đủ, nhưng tâm lý vẫn không yên tâm, bởi sự an toàn là rất mong manh. Khi về nhà, họ không dám tiếp xúc gần người thân”, luật sư Ngọc Nữ chia sẻ. |
Hoàng Văn Việt (còn nữa)
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 4 (136)