Các mốc kỷ lục của xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam các năm gần đây.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, ghi nhận đến ngày 15/12, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mốc 700 tỷ USD. Con số này đã phá vỡ kỷ lục 600 tỷ USD được thiết lập vào năm ngoái.
Kỷ lục trị giá xuất nhập mới được Việt Nam thiết lập trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn trên thế giới, sự tác động của đại dịch COVID-19 trong các năm 2020 và 2021, xung đột địa chính trị và các nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái…
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề cùng với các tỉnh, thành phố, và nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, trong 2 thập kỷ qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã liên tiếp đạt các mốc kỷ lục.
Tích cực hiện đại hoá, đồng hành tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Năm 2007, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt con số 100 tỷ USD.
Năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD. Đến năm 2015 con số này đã tăng lên 327,76 tỷ USD. Chỉ 2 năm sau, năm 2017, cột mốc 425,12 tỷ USD được thiết lập. Năm 2019, kỷ lục mới xuất hiện với con số 517,26 tỷ USD. Đến năm 2021, cột mốc 668,54 tỷ USD được thiết lập.
Tính đến hết tháng 11/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt 673,7 tỷ USD. Dự báo, kết thúc năm 2022 sẽ đạt con số kỷ lục 700 tỷ USD.
Với xếp hạng gần đây trong năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trị thứ 2 (chỉ sau Singapore) và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư (xuất siêu) liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu).
Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đạt đỉnh điểm 18,02 tỷ USD ghi nhận trong năm 2008.
Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đổi chiều, chuyển sang thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD).
Trong năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD. Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh, chỉ còn 3,32 tỷ USD.
Diễn biến cán cân thương mại của Việt Nam giai đoạn 2004-2021 và cập nhật 11 tháng đầu năm 2022.
Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, ... qua đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ và quyết liệt cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; triển khai Hải quan số, hướng đến mô hình Hải quan thông minh với mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, chú trọng đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và minh bạch./.
Thanh Tâm