Lầu Năm Góc và tình báo Mỹ đang điều tra sự xuất hiện của 3 vật thể bay không xác định (UFO) trong tuần qua tại các bang Alaska, Michigan và gần biên giới Canada. Được biết, Mỹ và Canada đã phát hiện và bắn hạ 3 vật thể bay này trong 3 ngày liên tiếp 10/2, 11/2 và 12/2 (giờ địa phương).
Sự xuất hiện của các vật thể bay này trên bầu trời Bắc Mỹ được phát hiện ít lâu sau khi một khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận nước này. New York Times gọi chuỗi sự kiện này là "sự xâm nhập của các vật thể bay".
Vật thể bay được phát hiện trên bầu trời bang Montana (Mỹ) hôm 11/2 đã làm dấy lên cuộc tranh luận liên quan đến sự tồn tại của UFO.
Cụ thể, ngày 11/2, các quan chức quân sự đã phát hiện một đốm sáng trên radar tại Montana, sau đó ít lâu đốm sáng này đã biến mất. Khi ấy, các quan chức chỉ cho rằng đây là một hiện tượng kỳ lạ. Tuy nhiên, đốm sáng sau đó đã xuất hiện lại ở Montana vào ngày 12/2. Tại các bang Alaska và Michigan, quan chức cũng ghi nhận hiện tượng tương tự.
Ngay khi các quan chức quân sự đưa ra xác nhận của họ, tiêm kích F-16 đã được điều động bắn hạ UFO trên khu vực Hồ Huron, gần biên giới Canada.
Hình ảnh máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ. Ảnh: Getty
Sau sự kiện trên, các câu hỏi lớn đã được đặt ra: Vật thể bay kia là gì? Vì sao Mỹ ngày càng phát hiện nhiều vật thể bay như vậy?
Đến nay, vẫn chưa có ai đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên. Các quan chức Mỹ hiện chưa thể xác định các vật thể bay kia cũng như mục đích của chúng.
Với câu hỏi thứ 2, các quan chức hiện chưa nhận định sự xuất hiện này là vô tình hay có chủ đích. Tuy nhiên, sau vụ khinh khí cầu Mỹ bay vào không phận Trung Quốc vừa qua, cả Mỹ và Canada đều đang đề cao cảnh giác và theo dõi sát sao các vật thể có thể xâm nhập không phận của họ.
Trong đó, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã điều chỉnh lại radar nhạy bén hơn để có thể phát hiện các vụ việc tương tự. Do đó, số lượng vật thể bay mà họ phát hiện cũng tăng lên. Nói cách khác, NORAD đang theo dõi nhiều vụ xâm nhập hơn bởi vì họ đang chủ động tìm kiếm các vật thể xâm nhập không phận.
Trong cuộc họp báo tối 12/2, bà Melissa Dalton, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách bảo vệ nội địa và các vấn đề bán cầu, cho hay: "Chúng tôi đang giám sát kỹ lưỡng hơn không phận của mình, bao gồm việc tăng độ nhạy của radar. Điều này có thể phần nào giải thích được lý do vì sao có nhiều vật thể không xác định được phát hiện trong tuần qua".
Đồng thời, các quan chức Mỹ không loại bỏ giả thuyết cho rằng có thể sẽ còn nhiều vật thể khác chưa được tìm thấy. Một số ý kiến cho rằng các vật thể này có thể đến từ các cường quốc khác với mục đích thử khả năng phát hiện vật thể bay của Mỹ sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc.
Theo quân đội Mỹ, vật thể bay bị bắn hạ hôm 12/2 được phát hiện khi đang tiến đến khu vực Hồ Huron ở độ cao hơn 6.000 m. Vật thể này bị coi là mối đe dọa với hàng không dân dụng nên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh bắn hạ nó. Quân đội thông tin thêm rằng vật thể này có hình bát giác và không rõ tải trọng của nó.
Các quan chức Mỹ và Canada cho biết biết thêm, 2 vật thể bị bắn hạ hôm 10 và 11/2 cũng bay ở độ cao thấp hơn so với khinh khí cầu Trung Quốc và gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng. Hai vật thể trên bị phát hiện khi đang bay qua khu vực ít dân cư ở Alaska và Yukon (Canada) trong khi vật thể bay thứ 3 bị bắn hạ trên hồ nên cả 3 vụ việc đều không gây rủi ro.
Trong suốt cuối tuần, các quan chức vẫn đang cố gắng xác định ba vật thể đó là gì. Trong đó, một quan chức Bộ Quốc phòng nhận định vật thể bị bắn hôm 10/2 không phải là một quả khí cầu - và nó đã vỡ thành nhiều mảnh sau khi bị bắn hạ. Vật thể bị bắn hạ hôm 11/2 được chính quyền Canada mô tả có hình trụ và các quan chức Mỹ nói rằng nhiều khả năng nó là một loại khí cầu nào đó. Trong khi đó, vật thể bị bắn hôm 12/2 cũng được phỏng đoán không phải khí cầu.
Radar của NORAD đã theo dõi hai vật thể đầu tiên trong ít nhất 12 giờ trước khi chúng bị bắn hạ. Nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng không nói liệu họ có phát hiện ra các vật thể này trên radar trước khi chúng đến gần không phận Mỹ hay không. Một quan chức cho biết họ chưa xác định được thứ gì đã giữ các vật thể này ở trên cao.
Khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ hồi đầu tháng 2 vừa qua. Ảnh: Reuters
Các quan chức Mỹ vẫn đang xem xét video và các dữ liệu cảm biến khác được thu thập bởi các phi công Mỹ, những người đã quan sát các vật thể trước khi chúng bị phá hủy. Nhưng bản chất chính xác của các vật thể, chúng đến từ đâu và mục đích của chúng sẽ không được xác nhận cho đến khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát Hoàng gia Canada có cơ hội kiểm tra kỹ lưỡng các mảnh vỡ, các quan chức nhấn mạnh.
Trong cuộc họp báo hôm 12/2, khi được hỏi liệu các vật thể này có đến từ ngoài trái đất hay không, Tướng Glen D. VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Bắc của Lực lượng Không quân, trả lời: "Tôi chưa loại trừ bất cứ điều gì vào thời điểm này".
Tuy nhiên các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã không đề cập tới khả năng các vật thể này đến từ bên ngoài trái đất trong các cuộc phỏng vấn cùng ngày.
Dưới sự thúc giục của Quốc hội, Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo đã tăng cường nghiên cứu các sự cố liên quan tới các vật thể không xác định gần các căn cứ quân sự trong những năm gần đây. Các nghiên cứu về UFO đã cho thấy những nỗ lực theo dõi các cuộc tập trận và căn cứ quân sự của Mỹ chưa từng bị phát hiện trước đây.
Trong một báo cáo công khai được công bố vào tháng 1, cộng đồng tình báo cho biết trong số 366 UFO, 163 vật thể sau đó được xác định là khí cầu. Một tài liệu mật có liên quan mà The New York Times thu thập được trong tháng 2 cho biết ít nhất hai sự cố tại các căn cứ quân sự của Mỹ có thể là ví dụ về công nghệ tiên tiến trên không.
Minh Hạnh (Theo New York Times)