Ngày 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực phòng, chống COVID-19.
Theo thông tin trên báo Lao Động, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho hay, chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ tư, lực lượng công an đã huy động trên 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ làm lực lượng nòng cốt phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Thiết lập 10.300 tổ, chốt khu cách ly và các bệnh viện dã chiến với trên 560.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia truy vết, khoanh vùng phòng chống dịch; huy động hàng nghìn lượt trinh sát của Bộ Công an xuống địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó, điều động 11.603 lượt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự phòng chống dịch tại các địa bàn cơ sở.
Quá trình tham gia công tác phòng chống dịch, có trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ bị mắc COVID-19 và có 11 người tử vong do COVID-19, trong đó có 6 người đã hy sinh trong qua trình làm nhiệm vụ phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Người Lao Động
Lực lượng công an có gần 600 báo cáo tham mưu với Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo Quốc gia về các chủ trương, giải pháp trong phòng chống dịch, phát hiện, xử lý, tham mưu xử lý gần 800 vụ tham gia tụ tập đông người liên quan đến công tác phòng chống dịch.
Đồng thời, tấn công, vô hiệu hóa hàng chục nghìn tài khoản, bài viết có nội dung xấu, độc tuyên truyền trên không gian mạng, xuyên tạc về chủ trương, công tác phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước ta.
Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 550 đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch. Phát hiện, xử lý hành chính 1.295 vụ với 3.232 trường hợp xuất nhập cảnh vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, xử phạt vi phạm hành chính 459.368 trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh.
Với trách nhiệm được giao, lực lượng công an cũng chủ động phối hợp, phát hiện xử lý 365 vụ với 413 đối tượng lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để thực hiện các hành vi như đầu cơ nâng khống giá bán các mặt hàng thiết yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch; buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả; tiêu cực, trục lợi trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch.
Công an các cấp đã khởi tố 37 vụ với 104 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 220 vụ, 222 đối tượng với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lực lượng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để tham nhũng tiêu cực, đặc biệt là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các vụ mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo, như vụ án Việt Á.
Lực lượng công an cũng đã triển khai nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác tiêm chủng, khai báo y tế và hộ chiếu vaccine. Ngoài ra, chủ động, kịp thời khẩn trương triển khai hiệu quả ứng dụng của 4 phần mềm tiện ích tích hợp trên Thẻ căn cước công dân để kết nối xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Báo Người Lao Động cho biết thêm, từ điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu lên các bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, đã sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
TP.HCM đã rút ra là ứng xử chính sách và sự phối hợp điều hành của các ngành, các cấp trên địa bàn kịp thời đã có tính chất quyết định đến kết quả phòng chống dịch như việc bố trí nguồn lực cho phòng chống dịch, chiến lược vaccine; việc sản xuất, lưu thông, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, việc ra các quyết định phòng chống dịch đã khó, quyết định "mở cửa" càng khó hơn và TP.HCM đã "mở cửa" nền kinh tế từ ngày 1/10/2021.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến. Ảnh: Lao Động
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình diễn biến phức tạp hơn, thành lập hệ thống chỉ đạo từ trung ương tới cơ sở.
"Chúng ta xác định đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác phòng, chống dịch đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra 2 lần Lời kêu gọi, hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, đặc biệt Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.
Nhờ vậy, Việt Nam đã "đi sau về trước" trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Việt Nam cũng trở thành một trong 5 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.
Đồng thời, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.
"Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực", báo Người Lao Động dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
XEM THÊM: Bộ Y tế: Phòng, chống dịch Covid-19 để lại nhiều bài học quý báu
Về phướng hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vắc-xin, trang thiết bị, vật tư y tế...).
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mặc dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.
Đinh Kim (T/h)