Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xử lý người phụ nữ dương tính COVID không thực hiện cách ly thế nào?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Người phụ nữ trở về từ Tp.Hồ Chí Minh dương tính COVID-19, di chuyển nhiều nơi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 16/10, Hà Nội phát hiện một ca nhiễm COVID-19 là một người phụ nữ trở về từ Tp.Hồ Chí Minh. Đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, trường hợp này trở về từ Tp.Hồ Chí Minh nhưng không thực hiện việc tự theo dõi, cách ly mà đi lại nhiều nơi, lịch trình phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Theo qua điểm của luật sư Trần Văn Huy – Công ty Luật TNHH Bảo Tín (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) thì hành vi của người phụ nữ này là vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình phòng, chống dịch bệnh và gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội. Hành vi ấy, không chỉ đi ngược với mục đích bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và sự an toàn của nhân dân mà còn thể hiện thái độ coi thường phát luật. Chính vì vậy, cần phải xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh chung những ai đang, đã và sẽ có ý định thực hiện hành vi vi phạm phải dừng lại.

Ảnh minh họa.

Về chế tài xử lý hành vi vi phạm của người phụ nữ trong sự việc nêu trên, luật sư Huy cho biết: Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 20/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì người phụ nữ này có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, do đã có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp người phụ nữ này làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan bệnh dịch nguy hiểm truyền nhiễm cho người, theo quy định tại Điều 240 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.

“Ngoài ra, người này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (theo quy định tại điểm 1.1 mục 1 Công văn số: 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, luật sư Huy nói thêm.

Từ sự việc trên, luật sư Huy khuyến cáo: Hiện nay, cả nước đang rất nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đang dần trở lại trạng thái bình thường, dần phục hồi kinh tế, sản xuất, các ca nhiễm bệnh giảm sâu, số người khỏi bệnh tăng cao. Vì vậy, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức cá nhân, nghiêm túc chấp hành và thực hiện đúng các quy định của pháp luật và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc phòng, chống dịch COVID-19 để sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường vốn có và đảm bảo an toàn cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Huy, luật gia Nguyễn Đình Thanh Tú (Hòa Bình) cho biết: Với diễn biến tình hình dịch bệnh tại Tp.Hồ Chí Minh trước đó hết sức căng thẳng, chắc hẳn mọi người đều nhận thức được tầm nguy hiểm, nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Vậy nên, khi mọi người từ vùng dịch trở về phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân mà còn bảo vệ sức khỏe cho mọi người xung quanh.

“Hiện Nhà nước ta đang dần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nhưng mọi người không nên chủ quan, vì chỉ một phút lơ là sẽ làm phá vỡ hết biết bao công sức của Nhà nước, của Chính phủ và của toàn xã hội trong suốt thời gian qua. Do vậy, khi một cá nhân có hành vi vi phạm về các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch, tùy từng mức độ vi phạm mà cần có hình thức xử lý phù hợp để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”, luật gia Tú phát biểu.

Nguyễn Thị Thúy

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (169)

Tin nổi bật