Tiền hậu bất nhất
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 18/12/2008, Công ty cửa cuốn Úc Smartdoor thuộc Tập đoàn Thiên Phú đã được chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp thanh kim loại định hình theo Văn bằng 8106 do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp ngày 15-12-2004.
Sản phẩm cửa cuốn Smartdoor từng bị vi phạm sở hữu kiểu dáng công nghiệp. |
Quyết định xử phạt của UBND TP Hà Nội đối với sản phẩm cửa cuốn vi phạm sở hữu kiểu dáng công nghiệp. |
Sau đó, Công ty TNHH Hưng Phát (gọi tắt là Austdoor) nhiều lần làm nhái sản phẩm của Smartdoor. Chính Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã hai lần có công văn gửi các đội quản lý thị trường khẳng định, Công ty Austdoor vi phạm bằng độc quyền số 8106. Công ty này đã hai lần bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ vì hành vi làm hàng nhái, bị phạt hơn 300 triệu đồng.
Ngày 15/4/2010, Công ty Smartdoor bất ngờ nhận được công văn từ Công ty Austdoor yêu cầu chấm dứt việc sản xuất thanh kim loại định hình giống với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo bằng độc quyền số 14163.
Trước đó, ngày 22/3/2010, ông Hoàng Văn Tân, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ký cấp bằng độc quyền số 14163 cho Công ty Austdoor song theo Công ty Smartdoor, kiểu dáng công nghiệp của bằng độc quyền số 14163 chính là kiểu dáng đã cấp cho bằng độc quyền số 8106.
Ông Phạm Quang Hoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Phú cho biết: “Ông Hoàng Văn Tân vừa ký công văn xác nhận Công ty Austdoor vi phạm kiểu dáng công nghiệp của chúng tôi để làm cơ sở cho UBND thành phố Hà Nội xử phạt nhưng chỉ sau đó vài tháng, cũng chính ông Tân lại ký chứng nhận cấp bằng sở hữu độc quyền cho sản phẩm vi phạm. Cấp hai văn bằng cho cùng một kiểu dáng, việc này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử sở hữu trí tuệ Việt Nam và thế giới”.
Sau khi thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vào cuộc, ngày 23/10/2012, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã đưa ra kết luận chính thức về vụ việc. Theo đó, cục quyết định hủy bỏ một phần hiệu lực Văn bằng 14163 với lý do có nhiều điểm chưa đạt tiêu chuẩn công nhận. Văn bằng 14163 có 10 phương án bảo hộ thì có 4 phương án 1, 2, 4, 6 bị loại bỏ khỏi văn bằng bảo hộ vì không có sự khác biệt đáng kể so với Văn bằng 8106.
Vì sao không xử lý cán bộ sai phạm?
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã có đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu phải xử lý trách nhiệm của các cán bộ liên quan như ông Hoàng Văn Tân và ông Lê Ngọc Lâm, Trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp, là những người trực tiếp thẩm định hồ sơ...
Cụ thể, ngày 19/2/2009, Công ty Austdoor đã nộp đơn số 3-2009-00148 kiểu dáng “Thanh kim loại định hình” gồm 2 phương án, đơn đã được chấp nhận hợp lệ và công bố. Ngày 2-2-2010, công ty có đơn đề nghị ghép các đơn nộp sau là: 3-2009-00272, 3-2009-00609, 3-2009-00828 và bổ sung 4 phương án mới thành 10 phương án.
Đề nghị này đã được ông Lê Ngọc Lâm chấp nhận. Việc ghép các đơn này là trái với quy định tại Điểm 46.5 và Điểm 48.5 của Quy chế thẩm định đơn Kiểu dáng công nghiệp. Việc “ghép”, bổ sung phương án không được Phòng Kiểu dáng công nghiệp công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp là trái với quy định tại Điểm 17.1.g Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
Ngoài ra, quy trình xử lý đơn không phải một năm (dài hơn so với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ) như ông Tân giải trình với cơ quan chức năng. Thực tế, nếu tính từ ngày đề nghị bổ sung 4 phương án mới (2/2/2010) đến ngày Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra Thông báo số 10460/SHTT-KDCN dự định cấp văn bằng bảo hộ thì thời gian chỉ gần hai tháng.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, vào lúc cấp Bằng 14163, tranh chấp giữa các doanh nghiệp về kiểu dáng cửa cuốn rất căng thẳng. Các văn bằng kiểu dáng được các cơ quan chức năng sử dụng để xử lý những doanh nghiệp vi phạm với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, việc một doanh nghiệp từng sai phạm lại dễ dàng có văn bằng với 10 kiểu dáng độc quyền là điều khó hiểu, cần được làm rõ.
Ngày 18-7-2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2563/TB-BKHCN do ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra bộ ký. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, kết luận này chưa thỏa đáng. Kết luận thanh tra thừa nhận việc ông Tân, ông Lâm không công bố đơn sửa đổi là trái pháp luật nhưng lại không quy trách nhiệm. Kết luận thanh tra cho rằng, khi “ghép đơn”, ông Tân và ông Lâm nhận định, việc ghép đơn không mở rộng phạm vi bảo hộ, không làm thay đổi bản chất đối tượng, không vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 115 Luật Sở hữu trí tuệ.
Kết luận thanh tra nêu trên là hoàn toàn trái ngược với chính Kết luận số 2679/QĐ-SHTT ngày 23/10/2012 do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Tạ Quang Minh ký. Theo ông Tạ Quang Minh: “Việc ghép đơn, bổ sung phương án làm mở rộng phạm vi bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp ban đầu và việc cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp 14163 là vi phạm trình tự, thủ tục cấp văn bằng bảo hộ”; “việc ghép đơn và bổ sung phương án có ngày nộp khác nhau vào đơn có ngày ưu tiên sớm nhất là sai quy định”, “việc không được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp là sai trình tự cấp văn bằng bảo hộ, làm ảnh hưởng đến quyền có ý kiến đối với đơn đăng ký của các chủ thể khác”.
Đặc biệt, việc Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam quyết định phải loại bỏ các phương án 1, 2, 4, 6 khỏi văn bằng bảo hộ 14163 vì không có sự khác biệt đáng kể so với Văn bằng 8106 rõ ràng cho thấy việc cấp bằng bảo hộ có sai phạm, thẩm định thiếu nghiêm túc. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng “một kiểu dáng, hai bằng độc quyền” thuộc về ông Hoàng Văn Tân và Lê Ngọc Lâm.
Với những kết luận nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Thông báo số 2563/TB-BKHCN ngày 18/7/2014 với nội dung trái ngược kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam là thiếu thuyết phục, không làm rõ trách nhiệm cán bộ sai phạm.