Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xử đại án Vinashinlines: Giang Kim Đạt "không chối tội, không kêu oan"

(DS&PL) -

Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa xét xử đại án Vinashinlines, bị cáo Giang Kim Đạt cho biết không chối tội, không kêu oan nhưng tha thiết đề nghị HĐXX xem xét thận trọn

Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa xét xử đại án Vinashinlines, bị cáo Giang Kim Đạt cho biết không chối tội, không kêu oan nhưng tha thiết đề nghị HĐXX xem xét thận trọng, khách quan toàn bộ vụ việc...

Báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều 20/2, phiên toà xét xử đại án tham ô, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương (Vinashinlines) đã kết thúc phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi toà nghị án.

Giang Kim Đạt kể lại quá trình quen biết với ông Trần Văn Liêm, nguyên tổng giám đốc Vinashinlines và được ông Liêm mời về đây làm. Tuy nhiên ông Đạt tiếp tục khẳng định không nộp bất cứ hồ sơ xin việc nào, cũng không nhận bất cứ quyết định bổ nhiệm nào từ Vinashinlines.

Giang Kim Đạt cho rằng do không có hợp đồng lao động với Vinashinlines nên việc cơ quan tố tụng cáo buộc ông lợi dụng chức vụ là không đúng.

Đối với riêng thương vụ mua bán tàu Hoa Sen, Giang Kim Đạt cho biết đã từ chối tham gia ban đàm phán mua con tàu này vì không có nhiều thông tin. “Bị cáo đã từng khuyên ông Liêm từ chối mua con tàu này”, ông Đạt nói.

Bị cáo Giang Kim Đạt tại tòa - Ảnh: VOV

Tuy nhiên, ông Đạt cho biết đã một lần ký nháy vào hợp đồng mua bán con tàu Hoa Sen nên khi vụ án bị khởi tố ông đã lo sợ và bỏ trốn.

“Bị cáo không chối tội, không kêu oan nhưng tha thiết đề nghị HĐXX xem xét thận trọng, khách quan toàn bộ vụ việc”, Giang Kim Đạt nói.

Về số tiền gần 260 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Giang Văn Hiển, bị cáo Đạt tiếp tục khẳng định đây là số tiền ông cho bố đẻ của mình. “Đề nghị HĐXX xem xét cho bố của bị cáo”, Giang Kim Đạt xin cho bố mình khi nói lời cuối cùng.

Theo báo Dân trí, đứng trước HĐXX nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Liêm vẫn một mực kêu oan, cho rằng lời luận tội của Viện Kiểm sát đối với hành vi chủ mưu của mình là oan sai.

“Tôi khẩn thiết cầu xin quý tòa anh minh soi xét. Gia đình bị cáo đã nộp số tiền vào tài khoản tạm giữ. Việc liên quan đến nhà đất và xe ô tô vẫn giữ nguyên quan điểm của luật sư bào chữa. Kính mong tòa xem xét để gia đình sớm giải quyết việc nợ gia đình Giang Văn Hiển. Đề nghị tòa xem xét để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.” - Trần Văn Liêm nói.

Bị cáo Trần Văn Khương, nguyên kế toán Vinashinlines, nói ngắn gọn, xin tòa công tâm phán xét, đồng thời cho rằng mình bị oan khi bị quy kết tham ô tài sản.

Nói lời sau cùng, bị cáo Giang Văn Hiển cảm ơn HĐXX đã lắng nghe bị cáo trình bày.

“Cuộc đời của gia đình tôi không bao giờ giáo dục con lấy tiền của nhà nước. Tôi từng giáo dục con không lấy một cây kim sợi, chỉ của nhân dân.” - Giang Văn Hiển nói.

Theo báo Vnexpress, Trước đó, trong phần đối đáp, không đồng tình với quan điểm của các luật sư rằng số tiền Đạt chiếm hưởng không phải thuộc về Vinashinlines, VKS khẳng định 260 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc mua bán tàu và cho thuê tàu. Đạt là người giao dịch, qua công ty môi giới mà được chiếm hưởng, trong khi theo quy định khoản tiền phải hoạch toán, đưa vào tài khoản của Vinashinlines.

VKS cũng công bố lời khai tại cơ quan điều tra cho thấy, Đạt đã trao đổi qua mail, thông qua các công ty môi giới thoả thuận việc nhận hoa hồng, chuyển tiền vào tài khoản của ông Hiển. “Các chứng từ chuyển tiền, thể hiện nội dung là hoa hồng mua tàu, cho thuê tàu”, cơ quan công tố nêu quan điểm và cho hay Đạt còn khai thường thoả thuận nhận hoa hồng từ 1 đến 1,75% giá trị hợp đồng khi mua tàu.

Về ý kiến của luật sư bào chữa cho rằng ông Giang Văn Hiển không phạm tội rửa tiền, vì không biết nguồn gốc chuyển vào tài khoản. VKS cho rằng, tại cơ quan điều tra, ông Hiển khai mở nhiều tài khoản là do con trai nhờ, để các đối tác nước ngoài chuyển tiền vào. “Bị cáo Hiển biết nguồn gốc tiền bất hợp pháp nhưng vẫn rút ra mua bất động sản nhằm biến thành tài sản hợp pháp. Việc truy tố là có căn cứ”, công tố viên đáp.

Điều 278. Tội tham ô tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ)  Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến  hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn  bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 251. Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có

1. Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị  phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần.

3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Tổng hợp

Tin nổi bật