Tại phiên tòa xét xử, cựu trưởng phòng Vinashinlines Giang Kim Đạt nói: "Anh Liêm là Tổng giám đốc, tôi chỉ làm theo lệnh của anh Liêm. Phần nhận tiền cáo trạng viết không đúng..."
Theo thông tin trên báo Vietnamplus, sáng 16/2, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).
Các bị cáo gồm: Trần Văn Liêm (SN 1955), nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines; Trần Văn Khương (SN 1951), nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines; Giang Kim Đạt (SN 1980), nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines cùng bị xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278-Bộ luật hình sự.
Riêng Giang Văn Hiển (SN 1950), ở tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, bố đẻ bị cáo Giang Kim Đạt, bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 251-Bộ luật hình sự.
Cùng đưa tin về phiên tòa, báo Tuổi trẻ thông tin thêm, phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Quốc Thành làm chủ tọa. Có 8 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Giang Kim Đạt tại tòa - Ảnh: Thanh Niên |
Một số luật sư đề nghị triệu tập đại diện Bộ Tài chính để làm rõ một số việc liên quan. Luật sư của bị cáo Giang Kim Đạt cũng đề nghị HĐXX cho bị cáo Đạt được sử dụng tài liệu khi trả lời thẩm vấn do con số và các khoản thu chi trong vụ án này rất nhiều…
Sau khi hoàn tất thủ tục khai mạc phiên tòa, đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố đã công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.
"Tôi chỉ làm theo lệnh của anh Liêm"
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Văn Liêm khai, bản cáo trạng truy tố oan sai cho ông ta.
Trong khi đó, bị cáo Giang Kim Đạt cho rằng, bản cáo trạng cáo buộc bị cáo thống nhất với bị cáo Liêm là không đúng.
"Anh Liêm là Tổng giám đốc, tôi chỉ làm theo lệnh của anh Liêm. Phần nhận tiền cáo trạng viết không đúng. Tiền hoa hồng đó là tiền hoa hồng của môi giới. Họ trích phần môi giới từ bên bán tàu cho tôi" - Báo Vietnamnet dẫn lời bị cáo Đạt khai trước tòa.
VKS Nhân dân Hà Nội được ủy quyền thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm. Hai công tố viên của VKS Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa - Ảnh: VOV |
Còn bị cáo Giang Kim Hiển cũng bác bỏ hoàn toàn cáo trạng. Ông này cho rằng, tất cả cáo buộc và kết luận điều tra đều không đúng sự thật.
"Con tôi mới ra trường, tôi là sĩ quan lâu năm. Nó làm gì có đối tác nước ngoài, nó về bảo bố có đối tác nước ngoài giới thiệu cho con.
Tôi liên hệ và làm ăn với đối tác nước ngoài và yêu cầu họ trích hoa hồng. Tiền đó là tiền của tôi chứ làm gì có tiền của con tôi chuyển cho tôi. Cái đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi đã soạn sẵn đơn gửi tòa", lời bị cáo Hiển.
Cũng không đồng tình với bản cáo trạng, bị cáo Trần Văn Khương trình bày: "Tôi làm việc cho Nhà nước đến nay đã hơn 40 năm. Tôi tự hào vì không tham nhũng một xu, một cắc nào của Nhà nước. Cáo buộc này hoàn toàn sai, oan sai. Xin tòa tìm lại sự trong sạch, rửa oan cho tôi".
Theo báo Tuổi trẻ, được biết, đây là một trong 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng mà trong phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã thống nhất chỉ đạo các cơ quan tố tụng sớm đưa ra xét xử.
Báo Vnexpress trích dẫn cáo trạng thể hiện, ngày 27/7/2006, ông Liêm ký mua tàu M/V Evelyn của công ty Ocean Marine S.A of Panama với giá hơn 6,2 triệu USD. Trong quá trình mua bán, Đạt đã thoả thuận qua Công ty môi giới Marvin Shipping LTD để hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua con tàu này và nhận được hơn 1,9 tỷ đồng “lại quả”. Khoản này được công ty môi giới gửi vào tài khoản của ông Hiển. Trong ngày trên, Vinashinlines còn ký hợp đồng mua tàu Asta của Công ty Asta Ltđ, Vincent & The Grenadines (Croatia). Thương vụ này, Đạt được hưởng hơn 3 tỷ đồng tiền chênh lệch. Ngày 9/3/2007, Đạt đại diện thương thảo mua tàu Samjohn Captain của Công ty Okean Maritime Corporation E.N.E of Athen (Hy Lạp) và được hưởng 2% tổng giá trị tiền mua (hơn 6,4 tỷ đồng). Không chỉ cùng các bị can Liêm, Khương chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng từ thương vụ mua tàu, nhà chức trách cáo buộc trong thời gian làm việc tại Vinashinlines, Đạt còn chiếm hưởng riêng gần 250 tỷ đồng thông qua việc thực hiện các hợp đồng cho thuê tàu của công ty. Số tiền này đều gửi vào tài khoản ngân hàng của ông Hiển. Có số tiền khủng, Đạt đã thông qua bố đẻ mua bất động sản (đất, nhà chung cư, biệt thự) tại Việt Nam và nước ngoài. Đạt đã đầu tư tới 40 bất động sản trong nước, bằng tiền tham ô của Vinashinlines. Cơ quan công an phát hiện Đạt còn mua một căn hộ ở Singapore trị giá gần 3 triệu USD (khoảng 66 tỷ đồng); đặt cọc gần 350.000 bảng Anh để thuê, mua hai căn hộ tại Anh. Tháng 8/2010, khi Bộ Công an đã khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Đạt đã trốn sang Campuchia và bị truy nã quốc tế. Ngày 7/7/2015, Đạt bị bắt. Cơ quan chức năng xác định, trong thời gian trốn truy nã, Đạt đã sử dụng hộ chiếu mang tên người khác để đi lại giữa Campuchia và Singapore. Liên quan tấm hộ chiếu này, Bộ công an đã khởi tố để điều tra vụ án làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. |
Tổng hợp