Sáng 27/6, các sĩ tử trên cả nước đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo ghi nhận trên Đời sống & Pháp luật, nhiều thí sinh phấn khởi vì "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được chọn làm ngữ liệu cho đề thi Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh không khí phấn khởi của thí sinh, ở nhiều điểm thi, sáng nay, một số phụ huynh chia sẻ, nếu đề thi vào đúng tác phẩm “Đất nước”, thí sinh đã ôn "trúng tủ". Bởi phần ngữ liệu này giống một phần nội dung thông tin phát tán đề thi bị lộ trên mạng trước đó, báo VietNamnet đưa tin.
Đáng chú ý, phần nghị luận văn học của đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lại nhắc đến tác phẩm “Đất nước”.
Ở ảnh một bức ảnh chụp được cho là đề thi bị lộ từng mô tả đề thi Ngữ văn năm nay như: “Đọc hiểu là đoạn văn không phải thơ” hay “Nghị luận văn học gọi tên Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm”.
Nghi vấn cũng được đẩy cao hơn khi ở đề thi chính thức, phần đọc hiểu cũng là một đoạn văn chứ không phải một tác phẩm thơ.
Bộ GD&ĐT khẳng định tin lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2024 ở trên mạng là hoàn toàn sai sự thật. Ảnh: VietNamnet
Trả lời trên báo VietNamnet về sự việc, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ tiếp nhận thông tin được phản ánh. Tuy nhiên, vị này thông tin thêm, phụ huynh cũng như thí sinh và dư luận cần bình tĩnh bởi việc trùng tên tác phẩm trong đề thi với những dự đoán đâu đó là hoàn toàn có thể xảy ra, vấn đề quan trọng là ở lệnh hỏi, đề chính xác khác nhau như thế nào.
“Trong chương trình sách giáo khoa chỉ có một số tác phẩm đó nên đề thi không ra vào tác phẩm này thì sẽ là tác phẩm khác. Trước khi kỳ thi diễn ra, rất nhiều người dự đoán nên xác suất không đúng người này sẽ đúng với người kia. Tuy nhiên, so sánh giống hay không cần phải xem xét cụ thể. Quan trọng là đề thi chính xác như thế nào, lệnh hỏi ra sao”, vị này nói.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, sẽ nắm bắt để thông tin lại tới Ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về việc có thông tin dư luận như vậy đề kiểm tra, rà soát.
“Nếu có sự trùng hợp, Bộ GD&ĐT sẽ phải tìm hiểu. Nếu có những thông tin về việc lộ đề thật, cơ quan chức năng sẽ phải tìm hiểu, điều tra. Đến thời điểm này, chưa thể nói gì về việc lộ đề hay không”, vị này thông tin.
Thí sinh hoàn thành phần thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024.
Nhận xét chung về đề thi năm nay, báo Dân trí dẫn lời cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn ngữ văn tại hệ thống Tuyensinh247 cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn ngữ văn bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ giáo dục và vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT 2023.
Học sinh trung bình có thể giải quyết được 5-6 điểm, học sinh khá có thể đạt được 7 điểm, mức 8 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng hơn đối tượng học sinh giỏi.
Ở phần nghị luận văn học, trong đoạn trích "Đất nước" (trích trường ca Mặt đường khát vọng), nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết:
"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xưa ngày xưa... " mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ"
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 118-119)
Phần câu hỏi phụ yêu cầu học sinh chỉ ra chất suy tư đan xen với cảm xúc trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích. Đề thi tương đối phù hợp với khả năng của học sinh, phần câu hỏi phụ có tính phân hóa học sinh cao.
Có thể khái quát cấu trúc đề như sau:
Đọc (3.0 điểm)
Viết đoạn (2.0 điểm)
Viết bài (5.0 điểm)
Ngữ liệu: Văn bản văn học
Nghị luận xã hội
Nghị luận văn học
Theo cô Quỳnh Anh, đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường Đại học.