Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Vũ Trọng Lương khai nhận nâng điểm cho 107 thí sinh tốt nghiệp THPT là tự nguyện làm và do quen biết cá nhân.
Bị cáo Vũ Trọng Lương là người đầu tiên bước lên bục xét hỏi. Ảnh: VOV |
Thông tin trên VOV, ngày 14/0, TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia, đối với 5 bị cáo: Triệu Thị Chính, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang và bị cáo Lê Thị Dung, nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh cùng bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Hai bị cáo: Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, bị cáo Vũ Trọng Lương, nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang cùng bị truy tố với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong số 187 người được triệu tập, chỉ có 86 người đến tòa. 82 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 19 trường hợp vắng mặt không lý do. Đáng chú ý là bà Phạm Thị Hà – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, vợ ông Triệu Tài Vinh (Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang) có đơn vắng mặt không tham dự phiên tòa.
Dù vắng mặt rất nhiều người được triệu tập, nhưng HĐXX vẫn cho phiên tòa diễn ra, với lý do những người có vai trò quan trọng đã có mặt theo yêu cầu. Bên cạnh đó các luật sư, bị cáo, người có liên quan không đề nghị xin hoãn phiên tòa.
Người đầu tiên bước lên bục thẩm vấn là bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu Phó phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang) thừa nhận quá trình phối hợp với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang).
Cụ thể đầu tháng 6, bị cáo Hoài đưa danh sách các thí sinh cần sửa điểm ghi trên tờ giấy A4 cho Lương. Tiếp tục hai lần sau đó, Hoài gửi danh sách thí sinh cho cấp dưới qua tin nhắn và email, bổ sung danh sách các thí sinh cần nâng điểm.
Qua 3 lần nhận danh sách từ cấp trên (bị cáo Hoài), Lương cầm trong tay danh sách của 93 thí sinh cần nâng điểm. Cộng thêm 14 trường hợp Lương khai "tự nguyện nâng điểm vì có quan hệ quen biết với phụ huynh của thí sinh". Tổng cộng, bị cáo đã nâng điểm cho 107 thí sinh.
Khi được HĐXX hỏi về động cơ, mục đích của việc nâng điểm, Lương trả lời: "Bị cáo là cấp dưới. Anh Hoài (cấp trên trực tiếp của bị cáo) bảo làm nên bị cáo đồng ý, tự nguyện làm". Đối với 14 trường hợp nâng điểm "do quen biết cá nhân", Lương cho biết: "Họ nhờ nâng điểm cho con, cháu của họ. Giữa bị cáo và họ không có thỏa thuận gì, không hứa hẹn nâng đỡ bị cáo trong công tác".
Liên quan đến sự việc, báo Tri Thức Trực Tuyến cho hay, sau hơn một giờ xét hỏi, Vũ Trọng Lương thừa nhận hành vi của bản thân đã vi phạm pháp luật. "Bị cáo cảm thấy ân hận, ăn năn hối cải về những gì mình đã làm", người đứng trước bục gỗ cúi gằm mặt và nói.
Theo cáo buộc, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương để nâng điểm môn trắc nghiệm cho các thí sinh. Dù bị cáo Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi nhưng Hoài đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương.
Ngoài ra, Vũ Trọng Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh. Một mình bị cáo Lương thao tác trên máy tính để sửa kết quả bài làm của thí sinh. Phó trưởng Phòng Khảo thí đã sửa kết quả bài làm của 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai của những người liên quan, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.
Đối với hành vi của 3 cán bộ Phòng PK20 Công an Hà Giang, dù họ giúp Vũ Trọng Lương bê hòm đựng bài thi nhưng không biết động cơ phạm tội của bị can Lương. Các cán bộ này cũng không bàn bạc hay hưởng lợi nên không đề cập xử lý.
Ngoài ra, vụ án còn một số người liên quan. Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để xử lý.
Thủy Tiên (T/h)