Sáng nay (14/10), TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên tòa xét xử sơ vụ gian lận thi cử tại tỉnh này. Bà Phạm Thị Hà là vợ của ông Triệu Tài Vinh, có đơn xin xét xử vắng mặt.
Phiên tòa diễn ra sáng 14/10. Ảnh: Infonet |
Thông tin trên báo Infonet, tại phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang vào sáng 14/10, trong số 187 người bị triệu tập thì 86 người có mặt; 82 người có đơn xin vắng mặt và 19 người vắng mặt không có lý do.
Trong số những người có đơn xin vắng mặt có bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang. Bà Phạm Thị Hà là vợ của ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Bà Hà được triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng và đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Trong việc xem xét, xử lý đối với cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã kỷ luật khiển trách đối với bà Triệu Thị Giang (Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang, em gái ruột nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh), vì nhờ người tác động nâng điểm cho cháu.
Còn bà Phạm Thị Hà phải "kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm".
Quá trình thẩm tra, xác minh xác định tại thời điểm bà Triệu Thị Giang nhờ người khác nâng điểm cho cháu mình (thí sinh Triệu N.M., con gái vợ chồng ông Triệu Tài Vinh và bà Phạm Thị Hà), vợ chồng ông Vinh, bà Hà "không biết việc nhờ vả và cũng không biết ai đã nâng điểm cho con mình".
Liên quan đến sự việc, VTC News cho hay, 8h02 ngày 14/10, thư ký phiên tòa đọc nội quy phiên tòa.
Hội đồng xét xử gồm: Thẩm phán Vương Thị Thu Hà (Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Giang, Chủ tọa); Thẩm phán Mai Văn Hùng và 3 Hội thẩm nhân dân: Văn Minh Tiến, Trần Thị Ngoan, và Nguyễn Thị Phượng. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố gồm hai Kiểm sát viên Trần Đức Hùng và Vũ Thị Thanh Nga.
5 bị cáo bị truy tố trong vụ án này gồm: Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ";
Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi";
Các bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT), Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS 2015.
Ngày 18/9, TAND tỉnh Hà Giang mở phiên xử sơ thẩm lần 1. Tuy nhiên, trong số những người được triệu tập với tư cách nhân chứng, liên quan tới vụ án chỉ có 54 người đến dự phiên tòa, vắng 122 người, trong đó có 60 người vắng mặt có lý do, 62 người vắng mặt không lý do (22 người làm chứng). Về việc này, HĐXX căn cứ vào đề nghị của kiểm sát viên và luật sư nhận thấy việc vắng mặt của người làm chứng ảnh hưởng đến phiên xét xử. Vì vậy, phiên tòa được hoãn và dời đến ngày 14,15,16 tháng 10. Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất rồi đưa danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương sửa kết quả bài thi để nâng điểm. Ngoài ra, Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh khác. Sau đó, một mình Phó trưởng phòng Khảo thí đã sửa kết quả 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh. Bị can Phạm Văn Khuông cung cấp thông tin của con ông này để nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng thêm 13,3 điểm. Cựu công an Lê Thị Dung có mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Riêng bị can Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Phó giám đốc Sở GD&ĐT đã chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi. Cơ quan an ninh điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm. Bên cạnh đó, 2 bị can Hoài và Lương cũng không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do quen biết, bạn bè, người thân. Đối với hành vi của 3 cán bộ Phòng PK20 Công an Hà Giang, dù họ giúp Vũ Trọng Lương bê hòm đựng bài thi nhưng không biết động cơ phạm tội của bị can Lương. Các cán bộ này cũng không bàn bạc hay hưởng lợi nên không đề cập xử lý. Ngoài ra, vụ án còn một số người liên quan. Cơ quan an ninh điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để xử lý. |
Thủy Tiên (T/h)