Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: SCB khẳng định thiệt hại lớn hơn 498.000 tỷ đồng rất nhiều

  • Bảo An
(DS&PL) -

Tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát diễn ra chiều 14/3, HĐXX bắt đầu phần hỏi bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và người liên quan. Trước tòa, đại diện SCB khẳng định khoản tiền ngân hàng này bị thiệt hại nhiều hơn cáo trạng đã nêu rất nhiều.

Tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan, ngân hàng SCB tham gia với 2 tư cách là bị hại đối với hành vi tham ô tài sản và người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với hành vi vi phạm về ngân hàng. 

Cáo trạng của VKSND tối cao thể hiện, sau khi áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo và trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.

Báo Thanh niên đưa tin, trong phiên tòa diễn ra chiều 14/3, sau khi HĐXX, đại diện VKSND và luật sư đã thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác, thì HĐXX đã chuyển hỏi bị hại trong vụ án là Ngân hàng SCB.

SCB khẳng định bà Trương Mỹ Lan gây ra thiệt hại cho ngân hàng lớn hơn số tiền cáo trạng đã nêu. Ảnh: PLO

Trình bày tại tòa, đại diện ngân hàng SCB trình bày không đồng ý với khoản tiền thiệt hại như cáo trạng đã nêu. Vị đại diện này đề nghị HĐXX xác định thiệt hại trong vụ án là hơn 677.000 tỷ đồng tiền gốc, và hơn 84.000 tỷ đồng lãi phát sinh tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 5/3/2024; trong đó chưa tính đến lãi bổ sung đến thời điểm thi hành án xong. Tổng cộng thiệt hại của ngân hàng SCB trong vụ án này là hơn 760.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại diện ngân hàng cũng đề cập đến 1.166 mã tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan dùng đảm bảo cho các khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, đại diện SCB đề nghị SCB được quyền khai thác, sử dụng, quản lý, không phân biệt tài sản đó có đủ điều kiện pháp lý đảm bảo hay không.

Đồng thời với các tài sản bị kê biên, là vật chứng trong vụ án, có nguồn gốc đang nằm ở SCB đề nghị giao SCB toàn quyền quản lý, sử dụng các tài sản này.

SCB cũng đề nghị HĐXX tiếp tục truy tìm các tài sản của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo cho SCB.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, tại phiên tòa hôm nay, HĐXX cho biết, vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) có nộp đơn đề nghị khắc phục thêm hậu quả. Tại tòa, vợ bị cáo Trí tiếp tục xin được khắc phục thêm 266 tỷ bằng tiền mặt ngay trong vụ án này. Bị cáo Trí thì cho rằng có một số tài khoản của bị cáo bị phong tỏa và một số người nợ tiền bị cáo nên đề nghị HĐXX hỗ trợ để khắc phục hậu quả.

HĐXX cũng ghi nhận thiện chí muốn khắc phục hậu quả của bị cáo Trí và vợ. Đồng thời, HĐXX cũng giải thích là việc khắc phục hậu quả phải thực hiện trước khi HĐXX tuyên án để HĐXX xem xét, về tài khoản bị phong tỏa có thể báo với CQĐT để hỗ trợ khắc phục.

Trong vụ án này, bị cáo Trí bị cáo buộc lợi dụng việc bà Lan bị bắt, đã có thủ đoạn gian dối chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ, nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của bà Lan. Bị cáo Trí đã khắc phục hơn 800 tỷ đồng và bị kê biên một số bất động sản...

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật