Bị cáo thừa nhận có phần khai chưa đúng trong quá trình điều tra
Theo tin trên báo Tuổi trẻ, trong phần trả lời câu hỏi của HĐXX, bà Trương Mỹ Lan cho rằng cáo trạng không đúng hành vi của bà. Bà Lan phủ nhận nội dung không có vị trí nhưng nắm 91% cổ phần SCB.
Bà Lan cho rằng trong quá trình điều tra, có lúc bà khai đúng, có phần khai chưa đúng và bà chưa bao giờ xác nhận nắm giữ 90% cổ phần SCB.
Bà Lan cho rằng mình chỉ nắm 4,9% cổ phần SCB, hai con gái của bà nắm giữ mỗi người gần 5%. Tất cả thành viên trong gia đình bà nắm giữ dưới 15%, bạn bè ở nước ngoài 30% và của bạn bè ở Việt Nam 30%.
Khi Chủ tọa cho rằng bà Lan nắm giữ dưới 5% cổ phần trên giấy, còn thực chất những người khác đứng tên cổ phần giùm bà Lan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời thẩm vấn tại phiên tòa sáng 11/3. Ảnh: Tuổi trẻ.
Bà Lan cho rằng: "Những người đang quản lý cổ phần họ không biết mặt tôi. Những người đứng tên này không có việc làm thì được Tạ Chiêu Trung nhờ đứng tên vì người nước ngoài không thể đứng tên góp vốn được. Bạn bè tôi là Việt kiều Canada, Việt kiều Úc, Việt kiều Mỹ. Bạn bè thấy tôi nên tin tưởng. Cổ đông nước ngoài thì tôi bảo lãnh chứ không phải của tôi."
Chủ tọa chất vấn bị cáo Trương Mỹ Lan: "Không phải biết Trương Mỹ Lan mới là đứng giùm Trương Mỹ Lan. Những người đứng tên cổ phần đều khai đứng tên cho Trương Mỹ Lan".
"Xin hội đồng xét xử cho tôi nói về cổ đông nước ngoài. Những người này trước đây chỉ vào giúp SCB thôi, không có mục đích gì khác, lúc đầu tôi ra sức thuyết phục họ, giờ làm sao tôi nhớ nổi hết là nhà đầu tư nào, công ty nào…
Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng vào ngày 1/1/2012, tôi được động viên từ một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi kêu gọi cổ đông 3 ngân hàng đừng quậy phá, vì 3 ngân hàng khác nhau, lãnh đạo khác nhau, nhờ tôi bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục hợp nhất.
Tiếp theo Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi phải đi kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65%, nhóm này góp tiếng nói cùng bị cáo để hợp nhất thành công. Lúc đầu tôi từ chối nhiều lần vì tôi không có nghiệp vụ ngân hàng, các anh ở Ngân hàng Nhà nước đã trấn an tôi an tâm, vì tôi có tiếng nói, uy tín với các cổ đông.
Tôi được yêu cầu: Nhóm bạn bè của tôi phải chiếm trên 65% cổ phần và phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài thì mới dễ thành công. Tôi còn được yêu cầu cho mượn tài sản đưa vào cơ cấu ngân hàng.
Tôi rất là buồn vì không nghĩ tôi có ngày hôm nay", bị cáo Trương Mỹ Lan khóc và trình bày trước tòa.
Bà Trương Mỹ Lan khẳng định những người ở SCB không phải thân tín của mình
Chủ tọa tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Lan: "Hội đồng cần bị cáo có lời giải thích đối với lời khai của các bị cáo khác về quyền điều hành Ngân hàng SCB".
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lan khai: "Hội đồng quản trị khi hợp nhất 3 ngân hàng, tôi chỉ kêu gọi cổ đông vào, kêu gọi đừng gây lộn, cứ tin vào ban điều hành của SCB đi.
Lúc đó tình hình rất hỗn loạn, anh em phải tính làm cách nào trả 20.000 tỉ cho Ngân hàng Nhà nước. Tôi không có nghiệp vụ ngân hàng, hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát cũng không có ai tham gia.
Vị trí của tôi chỉ là giúp giải quyết tài sản chứ không điều hành. Nếu tôi như cáo trạng nói, thì không thể ngày hôm nay tất cả tài sản của tôi đều nằm ở SCB, của cả gia tộc nợ nần".
Về cáo buộc đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng, bà Lan khẳng định những người ở SCB không phải thân tín của mình.
"Tất cả người ở SCB đều không phải người thân tín của tôi, nếu thân tín của tôi thì không thể làm mấy tháng một năm rồi nghỉ, kể cả bà Nguyễn Thị Thu Sương, Lê Khánh Hiền, Võ Tấn Hoàng Văn. Võ Tấn Hoàng Văn là tổng giám đốc một năm gặp tôi không được bao nhiêu lần, một tổng giám đốc SCB tại sao không dám nói sự thật" - bà Lan nói.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - thừa nhận việc nhận 5,2 triệu USD tiền hối lộ như cáo trạng đã truy tố.
Ảnh: PLO
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin diễn biến phần trả lời thẩm vấn của bị cáo Trương Mỹ Lan, theo đó, bị cáo đề cập đến bị cáo Đỗ Thị Nhàn (trưởng đoàn thanh tra), bị cáo Lan khai không hề biết Đỗ Thị Nhàn mà chính Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành nhờ bị cáo gặp bà Nhàn để nói kết thúc sớm thanh tra, tiếp tục hỗ trợ cho Ngân hàng SCB mượn tài sản và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào giúp SCB.
Chủ toạ phiên toà tiếp tục chất vấn các khoản tiền vay của Công ty Đông Phương: "Công ty Đông Phương vay 1.700 tỉ nhưng chỉ sử dụng 400 tỉ, số tiền còn lại đưa cho bị cáo sử dụng. Bị cáo giải thích sao về vấn đề này?”
Bị cáo Lan khai vấn đề này không đúng vì thời điểm đó, ngân hàng nhà nước đang siết cho vay bất động sản, khuyến khích cho vay thương mại. Cho nên khi gặp lãnh đạo Công ty Đông Phương, bị cáo thấy công ty này đang kinh doanh rất tốt nên bị cáo đã đứng ra cho mượn tài sản để bảo lãnh cho Công ty Đông Phương vay. Do tài sản đảm bảo là của bị cáo nên Tùng (chủ tịch Công ty Đông Phương) cứ nghĩ là tài sản của mình và được quyền sử dụng hết 1.700 tỷ đồng là không đúng.
Như đã đưa tin, hôm nay (11/3), TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên tòa bước vào ngày làm việc thứ 5. HĐXX đang xét hỏi đối với hai bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.
Bảo An (T/h)