Theo bán Dân trí, sau 4 ngày xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, TAND TP.HCM đã thẩm vấn xong 77 bị cáo tại tòa, công bố cáo trạng truy tố và lời khai của 5 người đang bị truy nã và 2 bị cáo xin xét xử vắng mặt.
Nguồn tin cho biết, sau ngày nghỉ cuối tuần, sáng 11/3, HĐXX tiếp tục làm việc và sẽ bắt đầu xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí. Trong vụ án này, chỉ có bị cáo Trí không bị cáo buộc đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB.
Theo cáo buộc của VKSND, ông Trí bị cơ quan tố tụng cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ ngày 26/12/2022 đến ngày 15/11/2023, Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại một phiên tòa xét xử. Ảnh: PLO
4 ngày xét xử vừa qua, tất cả các bị cáo đã được xét hỏi đều nhận tội, thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Họ cho rằng bản thân chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi hay được chia chác gì từ bà Trương Mỹ Lan nên mong HĐXX xem xét, đồng ý khắc phục một phần hậu quả đã gây ra.
Tại vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc ở 3 tội danh: đưa hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; và tham ô tài sản. Theo cáo trạng, tổng cộng trong 10 năm (từ 2012 - 2022), bị cáo gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 498.000 tỷ đồng, bị truy tố ở khung hình phạt lên đến tử hình.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng là bị hại trong mối quan hệ với ông Nguyễn Cao Trí. Cáo trạng cho rằng bà Trương Mỹ Lan bị ông Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Nguyễn Cao Trí đã thỏa thuận và nhận 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan, cho 3 mục đích: chuyển nhượng hơn 31% vốn điều lệ Công ty CP cao su công nghiệp do Trí sở hữu; chuyển nhượng vốn điều lệ Công ty CP Sài Gòn Đại Ninh; đầu tư dự án tại Quảng Ninh.
Theo cáo trạng, khi biết và Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 7/10/2022, nửa tháng sau, bị cáo Trí chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư hơn 31% vốn điều lệ Công ty CP cao su công nghiệp; điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí được yêu cầu dẫn giải đến tòa sau 2 này xin xét xử vắng mặt. Ảnh: Dân trí.
Ông Nguyễn Cao Trí còn hẹn gặp và yêu cầu người đứng tên sở hữu cổ phần giúp cho Trương Mỹ Lan ký hồ sơ thanh lý hợp đồng đã được soạn trước. Sau đó, bị cáo Trí đưa cho một số người đứng tên hộ ký hợp thức, hoàn thiện thủ tục thanh lý, ghi lùi ngày trong các văn bản, mục đích để chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan, báo Thanh niên đưa lại nội dung cáo trạng của VKSND tối cao.
Trong phiên xét xử trước, thông qua luật sư của mình, cả hai vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ đều có đơn yêu cầu HĐXX cho phép mình uỷ quyền cho con và cháu để thu hồi các khoản nợ bên ngoài, để thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả vụ án.
Về vấn đề này, HĐXX cho biết luôn tạo điều kiện cao nhất cho tất cả bị cáo trong vụ án để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, các bị cáo cần nêu cụ thể thông tin, địa chỉ cụ thể của các tổ chức, cá nhân đang còn nợ, thông tin tài sản cần thu hồi để HĐXX ghi nhận.
Đối với đơn của ông Trương Lập Hưng (cháu bị cáo Lan) đề nghị HĐXX xác nhận vào đơn về việc bị cáo Lan ủy quyền cho ông Hưng và con gái bà Lan đi thu hồi nợ nhằm khắc phục hậu quả, HĐXX xác định đây là quan hệ dân sự, HĐXX không có nghĩa vụ phải xác nhận vào đơn của bị cáo Lan.
Chủ tọa cũng thông báo rõ đây là việc của gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan, thu hồi các khoản tiền nhằm đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo trong vụ án theo quy định pháp luật.
Vụ án Vạn Thịnh Phát dự kiến xét xử trong gần 2 tháng (từ ngày 5/3 - 29/4). Tuần trước (từ ngày 5 - 8/3), tòa đã xét hỏi xong đối với 84/86 bị cáo.
Bảo An (T/h)