Ngày 30/6, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Lê Thị Hồng Dung (SN 1983, Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm và thiết bị y tế Gia Hưng (Công ty Gia Hưng) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, thông tin từ Pháp luật TP.HCM.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2015, Lê Thị Hồng Dung mua pháp nhân, quản lý và điều hành hoạt động của Cty y tế Gia Hưng, chuyên kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư, trang thiết bị y tế.
Cuối năm 2019, do cần tiền để kinh doanh và sử dụng cho mục đích cá nhân, thông qua môi giới trên mạng Facebook, bị cáo Dung mua hồ sơ pháp nhân của 9 công ty khác nhau có cùng ngành nghề đăng ký kinh doanh hàng vật tư, trang thiết bị y tế.
Sau đó, bị cáo mượn hoặc tự ý lấy thông tin cá nhân của những người quen, đứng tên là giám đốc, phó giám đốc, cổ đông góp vốn để sử dụng lập hồ sơ vay vốn các ngân hàng (NH).
Trên thực tế, những người trên không góp vốn, không tham gia hoạt động công ty. Các công ty này không có trụ sở làm việc, không có nhân viên, không hoạt động sản xuất kinh doanh. Toàn bộ hồ sơ pháp nhân, hóa đơn GTGT, con dấu, tài khoản ngân hàng của các công ty đều do Lê Thị Hồng Dung quản lý và sử dụng.
Bị cáo Lê Thị Hồng Dung tại tòa. Ảnh: Vietnamnet
Trong quá trình lập hồ sơ vay vốn, bị cáo Dung đã sử dụng các công ty để ký hợp đồng, chứng từ mua bán hàng vật tư thiết bị y tế khống với nhau; làm giả hợp đồng cung ứng vật tư thiết bị y tế ký với các Bệnh viện tuyến Trung ương.
Sau đó, bị cáo sử dụng các hợp đồng này đưa vào hồ sơ vay vốn, dùng quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị y tế với các bệnh viện, dùng các bất động sản, sổ tiết kiệm, tiền gửi làm tài sản bảo đảm để vay tiền các ngân hàng TPBank, SHB, Eximbank.
Theo Vietnamnet, thực tế không hề có việc mua bán hàng hóa vật tư thiết bị y tế giữa các công ty của bà Dung với các bệnh viện. Bị cáo là người ký giả chữ ký giám đốc đại diện các công ty trên các hợp đồng, chứng từ mua bán hàng vật tư thiết bị y tế; các hợp đồng tín dụng, thế chấp quyền đòi nợ, giấy đề nghị giải ngân, khế ước nhận nợ, các ủy nhiệm chi tại ngân hàng.
Toàn bộ các hợp đồng kinh tế cung ứng hàng vật tư thiết bị y tế kèm phụ lục bảng giá, đơn đặt hàng, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản xác nhận công nợ ký giữa các công ty này với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Da liễu Trung ương, Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương đều được bị cáo làm giả.
Sau khi được các ngân hàng giải ngân cho vay và chuyển tiền vào tài khoản của các công ty do bà Dung quản lý tài khoản, bị cáo đã dùng tiền không đúng mục đích vay vốn.
Cụ thể, bị cáo Dung dùng tiền chuyển trả các khoản vay nợ tại các ngân hàng, trả nợ tiền hàng, trả nợ cá nhân hoặc rút tiền chi tiêu. Đến nay bị cáo không còn khả năng thanh toán, đã chiếm đoạt của 3 ngân hàng số tiền hơn 81 tỷ đồng.
Cũng theo hồ sơ, bà Dung còn thuê người làm giả 1 con dấu và 60 tài liệu của cơ quan, tổ chức (là con dấu của bệnh viện và các hợp đồng kinh tế kèm chứng từ cung ứng vật tư thiết bị y tế ký với các bệnh viện) để lập hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng, sau đó chiếm đoạt không trả tiền.
Sau một ngày xét hỏi, HĐXX quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhằm tránh bỏ lọt tội phạm và xác định trách nhiệm bồi thường dân sự của bên liên quan.