Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xét tuyển 2024: Một số ngành là "trụ đỡ" của nền kinh tế "chắt chiu" từng thí sinh

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Bên cạnh những ngành học có tín hiệu hoàn tất tuyển sinh bổ sung, cũng có một số ngành học được coi là "trụ đỡ" của nền kinh tế đang "chắt chiu" từng thí sinh.

Ngành học "thời thượng" 9 điểm/môn vẫn trượt

Năm 2024 ghi nhận 117 ngành/chuyên ngành thuộc các trường đại học có điểm chuẩn từ 28 trở lên, cao gấp hơn 4 lần so với năm trước.

Như vậy, để vào những ngành này thí sinh phải đạt trung bình từ 9,34 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển. Điều này dẫn đến tình trạng không ít thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học.

Đại đoàn kết dẫn lời Minh Hòa (ở Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, em đạt được 27,8 điểm tổ hợp khối C00, mức điểm được xem là hiếm có ở trường THPT nơi em theo học 3 năm cấp 3. Khi biết điểm, không chỉ Hòa và gia đình vui mừng mà thầy cô giáo, bạn bè cũng chúc mừng rất nhiều.

Cân nhắc sở thích và điều kiện gia đình, Hòa đăng ký ngành sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của các trường có mở ngành đào tạo này ở miền Bắc. Nhưng 20 nguyện vọng là xét tuyển đều… trượt trong sự ngỡ ngàng của em và gia đình.

“Em theo dõi dự báo của các chuyên gia cũng biết năm nay điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ cao, nhưng không ngờ đăng ký tới 20 nguyện vọng rồi vẫn không đỗ nguyện vọng nào. Trong lần xét tuyển bổ sung này, em rẽ hướng sang nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, hy vọng còn cơ hội vào đại học”, Hòa nói.

Năm 2024 ghi nhận 117 ngành/chuyên ngành thuộc các trường đại học có điểm chuẩn từ 28 trở lên. Ảnh minh họa 

Báo Đại đoàn kết dẫn lời ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Tài chính – Marketing) cho rằng, để đảm bảo an toàn, thí sinh nên sắp xếp thêm những ngành đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vào phía dưới, đề phòng trường hợp không trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, dù thí sinh ưu tiên những ngành mình thích nhưng nếu điểm số những ngành này quá cao, vượt hơn năng lực của thí sinh thì có thể chọn thêm những ngành học cùng thuộc khối ngành mình yêu thích để đặt nhiều nguyện vọng.

Một giải pháp khác các chuyên gia khuyến cáo đó là không nên đăng ký quá ít nguyện vọng. Ngoài nguyện vọng chính, thí sinh nên chuẩn bị nguyện vọng dự phòng như đặt một số nguyện vọng bao gồm các trường có điểm chuẩn thấp hơn hoặc các trường khác có cùng ngành học.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm trên báo Giáo dục & Thời đại, ngoài yếu tố phụ thuộc vào sự lựa chọn của thí sinh, còn có tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội dẫn đến những thay đổi trong quan niệm cũng như nhu cầu của giới trẻ.

Vì thế, xu hướng lựa chọn của thí sinh dịch chuyển mạnh sang những ngành được cho là “thời thượng”, phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngành "khát" nhân sự "chật vật" tìm thí sinh

Đến thời điểm này, trên 100 cơ sở giáo dục đại học thông báo xét tuyển bổ sung với khoảng 28.000 sinh viên.

Trường Đại học Bạc Liêu thông báo từ ngày 28/8 - 5/9 nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 13 ngành đào tạo, với hơn 500 chỉ tiêu; trong đó có một số ngành Sư phạm như: Giáo dục Mầm non (4 chỉ tiêu - hệ cao đẳng) và Giáo dục Tiểu học (6 chỉ tiêu).

Dự đoán, một số ngành khó tuyển sinh gồm: Bảo vệ thực vật, Khoa học môi trường và lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thực trạng mà Trường Đại học Bạc Liêu phải đối diện nhiều năm nay, dù cơ hội việc làm của các lĩnh vực này rất tốt.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Trường Đại học Tây Nguyên thông báo xét tuyển bổ sung 281 sinh viên hệ chính quy cho 21 ngành đào tạo.

“Dù khởi sắc hơn so với năm ngoái nhưng để lấp đầy chỉ tiêu một số ngành như: Chăn nuôi, Khoa học cây trồng sẽ không dễ”, đại diện Trường Đại học Tây Nguyên cho hay. Đáng chú ý, đây là những ngành mà nhiều công ty, doanh nghiệp đang “khát” nhân lực.

Một số ngành là "trụ đỡ" của nền kinh tế "chắt chiu" từng thí sinh. Ảnh minh họa 

Từ thực tế trên, TS Lê Viết Khuyến nhận thấy, một số cơ sở đào tạo vẫn “chật vật”, “chắt chiu” từng thí sinh, nhất là những ngành khoa học cơ bản và một số ngành truyền thống. Dự đoán, các trường có thể phải thông báo xét tuyển bổ sung thành nhiều đợt trong năm.

Các ngành truyền thống có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội. Một số ngành được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Thế nhưng, kết quả tuyển sinh trong những năm gần đây đạt thấp.

Đề xuất cần có cơ chế "đặt hàng" sinh viên

Đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù cho ngành khó tuyển, nhất là ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, báo Giáo dục & Thời đại dẫn lời TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nhấn mạnh, đây là ngành thiết yếu, nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước.

Vì thế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn thông qua các chính sách đãi ngộ về học bổng, việc làm… Đồng thời, cần có cơ chế “đặt hàng” và bổ sung chính sách ưu đãi cho sinh viên học các ngành khoa học cơ bản.

Nêu quan điểm về vấn đề một số ngành học khó tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, vấn đề nằm ở quan hệ khép kín giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước, quan hệ này sẽ tuân thủ theo quy luật thị trường.

Nếu trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu nguồn nhân lực khoa học - công nghệ không nhiều, sẽ có ít thí sinh chọn học những ngành này. Nếu nguồn nhân lực chất lượng cao khoa học - công nghệ chưa sẵn sàng, sẽ khó thúc đẩy được đầu tư phát triển nền kinh tế tri thức. Nếu không phát triển được khoa học cơ bản sẽ không có các công nghệ nền tảng và sẽ không có công nghệ mũi nhọn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, sự thiếu hụt nhân lực các ngành khoa học cơ bản khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn, mà phải mất nhiều năm. Nhiệm vụ đặt ra không chỉ là phải giữ các ngành khoa học cơ bản, mà còn phát triển mạnh hơn nữa, gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách đầu tư đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ; trong đó các ngành khoa học cơ bản phải đi trước một bước.

Năm nay, cả nước có 733.600 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Gần 673.600 thí sinh trúng tuyển đợt 1. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo quy định, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển các đợt bổ sung (nếu cần) cho tới tháng 12/2024.

Thí sinh chưa trúng tuyển đợt một hoặc đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học, có thể đăng ký tuyển bổ sung. Thí sinh cần thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo (nếu có xét tuyển bổ sung), đồng thời nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại cơ sở đào tạo đó.

Tin nổi bật