Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Xe sử dụng Uber hoạt động như taxi dù”

(DS&PL) -

Xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 6 vừa qua và mới đây tại Hà Nội, Uber là ứng dụng di động được giới truyền thông trong nước nhắc đến nhiều bởi tính hợp pháp của nó.

Xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 6 vừa qua và mới đây tại Hà Nội, Uber là ứng dụng di động được giới truyền thông trong nước nhắc đến nhiều bởi tính hợp pháp của nó.

Ảnh minh họa.

Trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều ngày 1/12 do Bộ GTVT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh, trái pháp luật, ẩn chứa nhiều rủi ro với người dùng.

Tuy nhiên sau đó, khi đánh giá về dịch vụ này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lại cho rằng: “Rõ ràng loại hình này có giá thấp hơn so với taxi thông thường. Chi phí thấp, người dân thấy lợi khi sử dụng. Không nên cấm và cần phải hợp pháp hóa”.

"Nên tạm dừng Uber"

Chỉ sau phát biểu của Bộ trưởng Thăng 2 ngày, chiều 4/12, Hiệp Hội vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị tạm dừng hoạt động loại hình dịch vụ vận tải thông qua Uber.

Nói về lý do đưa ra đề xuất này với BizLIVE, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội giao thông vận tải Hà Nội cho biết, bên cạnh một vài tiện ích, Uber tồn tại quá nhiều nhược điểm cần khắc phục bằng các yếu tố về pháp lý.

Ông Bùi Danh Liên.

Theo ông Liên, hiện Uber là hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe, không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Uber cũng không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải gồm: không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải. Trong khi hoạt động tại Việt Nam nhưng lại giấy phép bên Hà Lan, theo ông Liên, điều đó là “không được”.

Ông Liên nhìn nhận, những xe sử dụng Uber hoạt động như taxi “dù”, không có biển hiệu, hoạt động ngoài tầm kiểm soát, không đóng thuế nên gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình vận tải khác.

Trước ý kiến cho rằng Uber đang là “đối thủ” của taxi, ông Liên cho rằng, cạnh tranh là tốt, bởi có cạnh tranh mới phát triển tốt hơn nhưng cạnh tranh phải công bằng.

“Nhưng thực tế, sự thuận tiện Uber mang lại cũng chỉ đem lại cho một nhóm nhỏ thích xe xịn để đi chơi, muốn đi chung để tiết kiệm. Còn hiểm họa, sự cố, rủi ro mà khách hàng sẽ phải đối mặt thì chưa được tính đến. Cần phải cân bằng được lợi ích cũng như rủi ro”, ông Liên nói.

Nói tới chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng liên quan đến Uber, ông Liên cho rằng, ý của Bộ trưởng là “ngồi họp bàn với nhau để nghiên cứu, hợp thức hóa, chứ không có nghĩa là cho phép Uber hoạt động khi chưa đủ điều kiện”.

Ông Liên nhấn mạnh thêm, kiến nghị tạm dừng Uber của Hiệp hội trước hết để đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho khách hàng rồi mới tới sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Vị Chủ tịch này cũng chia sẻ thêm, trước khi có những quy định pháp lý rõ ràng về Uber, Hiệp hội ra lệnh “cấm” các đơn vị kinh doanh vận tải thành viên bán dịch vụ cho Uber. Nếu phát hiện trường hợp nào tham gia, sẽ “mời” ra khỏi hiệp hội.

Ứng xử với Uber như thế nào?

Liên quan đến mô hình hoạt động của Uber ở Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI lại tỏ ra khá đồng tình với mô hình kinh doanh này, tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Uber còn nhiều yếu tố cần được xem xét, đặc biệt về tính hợp pháp.

“Ở Việt Nam, theo tôi không nên đặt vấn đề cấm đoán mà nên khuyến khích việc sử dụng Uber, trước hết là với những công ty, hãng kinh doanh vận tải ô tô đã có giấy phép”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn chỉ rõ, Luật quy định nếu các hãng taxi hoặc công ty vận tải xe ô tô có giấy phép chở khách tuyến không cố định nếu ứng dụng dịch vụ Uber thì sẽ không có vấn đề gì nhưng nếu ô tô cá nhân mà tham gia Uber để kinh doanh chở khách thì vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Luật Giao thông Đường bộ và các nghị định hướng dẫn quy định muốn kinh doanh chở khách thì công ty, phương tiện xe phải đáp ứng các điều kiện nhất định. “Kinh doanh chở khách là ngành nghề có điều kiện kinh doanh chứ không phải pháp luật chưa quy định”, ông Tuấn nói.

Do vậy, ông Tuấn cho rằng, cần nghiên cứu, thay đổi hệ thống pháp luật để khuyến khích và tạo điều kiện cho mô hình này hoạt động được đúng luật và nhà nước thu được thuế.

Ông Đậu Anh Tuấn.

Theo ông Tuấn, không nên cấm đoán để bảo hộ các công ty hiện tại vì những ý tưởng kinh doanh đột phá nhưng có thể mang lại lợi ích cho người dân, mà mở dần dần buộc những công ty hiện tại phải thay đổi.

“Vai trò của Nhà nước là bảo đảm và tạo thuận lợi các doanh nghiệp cạnh tranh nhau lành mạnh bằng ý tưởng, bằng dịch vụ, bằng cách thức tổ chức… nhưng đều phải đóng thuế đầy đủ và phải bảo vệ người tiêu dùng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn chia sẻ thêm, sự xuất hiện của Uber cũng chính là lúc các hãng taxi phải đặt ra vấn đề phải thay đổi như thế nào trước những xu hướng có tính đột phá này. Liệu có nên tìm ra mô hình hợp tác hoặc phát triển theo hướng này không là vấn đề nên được cân nhắc chi tiết.

Thêm vào đó, theo ông Tuấn, vấn đề bảo mật thông tin, quyền riêng tư cá nhân cũng đáng quan tâm khi dữ liệu đi lại của cá nhân có thể dễ dàng hệ thống, tổng hợp và có thể mua bán. Đây là những câu hỏi mà các nhà làm luật ở Việt Nam cần phải tính đến trong thời gian tới.

Tin nổi bật