Đóng

Xe máy điện lên ngôi, thị trường xe xăng cũ lâm cảnh “ế chồng ế”

  • Thành Lâm
(DS&PL) -

Theo lộ trình Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026 đã khiến thị trường xe máy cũ biến động mạnh.

Xe máy xăng cũ càng thêm ế ẩm

Theo lộ trình Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng vào khu vực đường vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ chính thức cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1, hướng tới xây dựng một đô thị xanh, sạch và bền vững.

Trong bối cảnh chính sách này sắp được áp dụng, thị trường xe máy điện đang trở nên sôi động, được xem là một lựa chọn hiện đại và phù hợp xu thế. Ngược lại, các chợ xe máy xăng cũ đang rơi vào cảnh ảm đạm.

Chia sẻ với PV ĐS&PL, Anh Đức – Chủ một đại lý xe máy tại Thường Tín (Hà Nội) cho biết: "Từ khi thành phố đưa ra lộ trình cấm xe máy xăng trong vành đai 1, lượng khách đến xem và đặt mua xe giảm rõ rệt. Các mẫu xe ga và xe số chạy xăng, vốn là mặt hàng chủ lực của chúng tôi, nay bán chậm hơn trước nhiều. Khách hàng tỏ ra thận trọng, nhất là với những người có nhu cầu di chuyển vào trung tâm. Dù lộ trình cấm là từ tháng 7/2026, tâm lý người tiêu dùng đã bắt đầu thay đổi. Chúng tôi đang phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh và xem xét bổ sung thêm các mẫu xe điện để thích ứng dần."

Trái ngược với tình hình của xe máy xăng, thị trường xe điện lại đang khởi sắc. Anh Quyết, chủ chuỗi cửa hàng xe đạp điện tại Thanh Oai, Hà Nội, chia sẻ: "Sau khi có thông tin Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong khu vực vành đai 1, lượng khách tìm mua xe đạp điện, xe máy điện tại cửa hàng tôi tăng lên đáng kể. Nhiều người chuyển hướng sang xe điện vì chi phí vận hành thấp, không lo xăng tăng giá, lại phù hợp với xu thế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng vẫn băn khoăn về tuổi thọ pin và độ bền khi sử dụng lâu dài. Chúng tôi đang tập trung vào dịch vụ hậu mãi và bảo hành để tạo niềm tin cho người dùng."

Trái ngược với tình hình của xe máy xăng, thị trường xe điện lại đang khởi sắc.

Các chủ cửa hàng xe máy cũ đang đối mặt với nhiều khó khăn. Anh Việt Anh, chủ cửa hàng xe máy cũ trên đường Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội), than thở: "Gần đây khách hỏi mua xe máy cũ giảm hẳn, nhất là các dòng xe ga đời cũ dùng xăng. Họ sợ mua về rồi vài năm nữa không được đi vào trung tâm thì lại lỗ nặng. Trước kia, mỗi tuần tôi bán được 5–7 xe, giờ cả tuần chỉ bán được 1–2 chiếc, có khi không bán được cái nào, chỉ thấy khách đến hỏi bán xe là nhiều. Trong khi đó, xe nhập về vẫn phải xoay vòng vốn, rất áp lực. Nếu quy định cấm xe máy xăng được thực thi sớm mà không có chính sách hỗ trợ chuyển đổi, nhiều cửa hàng như chúng tôi chắc khó trụ nổi."

Cùng chung cảnh ngộ, anh Lợi, chủ cửa hàng mua bán xe máy cũ trên phố Chùa Hà (Hà Nội), chia sẻ: "Từ khi thành phố đưa ra kế hoạch cấm xe máy xăng trong Vành đai 1, lượng khách đến xem và hỏi mua xe xăng giảm rõ rệt. Nhiều người tỏ ra e ngại, nhất là với những chiếc xe cũ.

Trước đây, mỗi tháng tôi bán được 20–30 xe, nhưng từ khi thông tin sẽ cấm xe xăng vào vành đai 1 đến nay chỉ thấy khách đến bán xe còn lượng khách hỏi mua xe thì ế ẩm, lác đác lắm. Hàng tồn kho nhiều mà giá thì ngày càng phải hạ để đẩy đi để thu hồi vốn. Nếu chính sách cấm xe máy xăng mở rộng nhanh, những người kinh doanh như chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng."

Hình ảnh chợ xe cũ Chùa Hà vắng vẻ, ảm đạm.

Xu thế tất yếu

Nhằm tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường, khi Hà Nội thực hiện lộ trình cấm xe máy xăng trong Vành đai 1, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố về đề xuất chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân khi đổi xe. Mức hỗ trợ dự kiến 3 triệu đồng/xe với hộ bình thường, 4 triệu đồng/xe với hộ cận nghèo và 5 triệu đồng/xe với hộ nghèo, mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa một xe đến hết năm 2030.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng dự kiến miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Tin nổi bật