Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Xe điên”, người uống rượu bia cầm lái gieo rắc kinh hoàng trên xa lộ

(DS&PL) -

TNGT luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Mỗi ngày, TNGT cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau khó quên.

Từ nhiều năm nay, TNGT luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Mỗi ngày, TNGT cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng.

Những con số giật mình

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, số vụ TNGT trong năm 2018 (tính từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018) trên toàn quốc xảy ra 18.736 vụ, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người.

Trong 4 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/4/2019) trên toàn quốc xảy ra là 5.453 vụ TNGT. Trong đó, số người chết là 2.570, số người bị thương là 4.179.

Đằng sau những con số đó là nỗi đau không thể đo đếm của biết bao gia đình, đây hẳn là một thực trạng đáng báo động về tình trạng giao thông ở nước ta hiện nay.

Mỗi năm có khoảng 11.000 người chết vì TNGT, mỗi ngày TNGT cướp đi 21 sinh mạng, làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn.

Theo tổ chức Y tế Thế giới, TNGT đã và đang cướp đi sinh mạng của khoảng 1,3 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm và đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Cũng theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có khoảng 11.000 người chết vì TNGT, mỗi ngày TNGT cướp đi 21 sinh mạng, làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời và khiến 200 gia đình phải chịu những tổn thất về tinh thần.
Ngoài ra, TNGT còn gây tổn thất rất lớn về vật chất, kinh tế. Bình quân mỗi năm, nước ta mất khoảng 2 tỷ USD (tương đương hơn 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến tai nạn và các vấn đề về giao thông chủ yếu liên quan đến 3 yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người, trong đó, yếu tố con người là cốt lõi.

“Tất nhiên mọi tai nạn đều gây ra bởi người điều khiển phương tiện, nhưng tai nạn không chỉ chi phối bởi các nguyên nhân khách quan mà còn bị tác động bởi các nguyên nhân chủ quan. Chính yếu tố chủ quan là nhân tố chủ yếu trong việc gây tai nạn, như việc người điều khiển phương tiện có ý thức kém, không tôn trọng luật giao thông, sử dụng bia rượu khi điều khiển xe, chạy quá tốc độ cho phép, phóng nhanh vượt ẩu...”, ông Thanh nói.

Dẫn chứng cụ thể, nguyên Phó Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Điều này được minh chứng bởi một số liệu khác từ Ủy ban ATGT Quốc gia. Số liệu này cho thấy nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xuất phát từ hành vi của con người (chiếm hơn 60%).
Trong đó, những hành vi vi phạm phổ biến có thể kể đến như chuyển hướng không chú ý, hay đặc biệt là điều khiển phương tiện vi phạm làn đường (26%), vi phạm tốc độ (8,77%), vượt xe sai quy định (5,97%), sử dụng rượu bia (4,23%)”.

Vì đâu nên nỗi?

Mặc dù để lại nỗi đau dai dẳng cho cả nạn nhân, gia đình nạn nhân và nỗi lo lắng trong cộng đồng, nhưng việc xử lý những vụ tai nạn giao thông gây thương vong lớn lại chưa thực sự đủ tính răn đe và có “sức nặng” tác động.

Có thể kể đến những vụ tai nạn khiến dư luận không khỏi bất bình, như việc tài xế sử dụng rượu bia rồi gây tai nạn nhưng mức xử phạt cao nhất cũng chỉ là 15 năm tù.

Cụ thể, vụ tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, Hà Nội) điều khiển ô tô trong tình trạng say xỉn đã đâm hàng loạt phương tiện lưu thông trên đường, khiến nữ công nhân môi trường đang làm việc tử vong tại chỗ rồi bỏ chạy vào khuya 22/4.

Gần đây nhất, vụ tài xế Lê Trung Hiếu (39 tuổi, Hà Nội) điều khiển xe Mercedes mang BKS 30F-154.78 sau khi uống rượu đã gây tai nạn làm 2 người phụ nữ tử vong tại hầm Kim Liên rạng sáng ngày 1/5 cũng gây nhiều bức xúc.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do tài xế sử dụng rượu bia khi lái xe có nồng độ cồn vượt mức xử phạt nặng nhất, nhưng chế tài xử phạt còn quá nhẹ, không thể đủ sức răn đe.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vụ việc tài xế Lê Trung Hiếu điều khiển Mercedes đâm tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết dù gây hậu quả nghiêm trọng, có các tình tiết tăng nặng như sử dụng rượu bia, làm chết 2 người, bỏ chạy sau khi gây tai nạn... nhưng khung hình phạt cao nhất cho tài xế trong vụ này cũng chỉ là 10 năm tù.

Đây là một trong những bất cập và hạn chế của pháp luật hiện hành về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ. Trước đó, vụ việc nữ tài xế Lexus đâm liên hoàn 9 xe ở ven hồ Tây (Hà Nội) cũng đã khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Cụ thể, vào 18h ngày 18/12/2018, nữ tài xế tên Nguyễn Thu Trang (SN 1989, trú tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm lái chiếc Lexus BKS 29A-742.75 chạy trên đường Trích Sài (ven hồ Tây), bất ngờ tông liên tiếp vào 3 người đi bộ trên vỉa hè, rồi tiếp tục tăng ga và tông liên tiếp 4 xe máy khác đi cùng chiều phía trước.

Chưa dừng lại, chiếc xe này tông trúng 1 taxi rồi đâm vào xe chuyên dụng của CSGT trước khi dừng lại. Vụ việc khiến ít nhất 6 người bị thương nặng, hàng loạt phương tiện hư hỏng. Tuy nhiên, Công an quận Tây Hồ đã không khởi tố vụ án gây TNGT nghiêm trọng này vì không có nạn nhân tử vong, mà chuyển toàn bộ hồ sơ lên phòng CSHS Công an TP.Hà Nội xử lý.

Nhìn nhận về các vụ án TNGT nói chung, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối, đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định: “Tội mà các lái xe gây TNGT hoàn toàn chỉ là lỗi vô ý. Có nghĩa là các lái xe không cố ý thực hiện hành vi gây tai nạn, cũng không hề mong muốn hậu quả xảy ra. Vì là lỗi vô ý nên khung hình phạt rất nhẹ, không đủ sức răn đe, mặc dù về mặt thực tiễn thì hậu quả của lỗi vô ý này đôi khi lại rất khủng khiếp và khôn lường”.

Trong khi đó, luật sư Giang Hồng Thanh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội lại cho rằng cần phải xử lý hình sự đối với người gây thiệt hại vì TNGT. Trước đây, Bộ luật Hình sự 1999 quy định khắt khe về hành vi, hậu quả đối với người vi phạm Luật giao thông đường bộ, tuy nhiên, sau khi sửa đổi, Bộ luật Hình sự 2015 hiện hành lại có phần nới lỏng và giảm nhẹ hơn rất nhiều. Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành và Thông tư liên tịch số 0 9 / 2 0 1 3 / T T L T -B C A -B Q P -B T P - VKSNDTC-TANDTC thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ (từ 31% trở lên), tài sản của người khác (từ 70 triệu đồng trở lên) là có thể bị xử lý theo Điều 202, Bộ luật Hình sự. Vậy nhưng theo quy định tương ứng tại

Bộ luật Hình sự 2015, vụ TNGT gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác phải từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 100 triệu đồng trở lên thì mới bị xử lý hình sự. “Tôi cho rằng với tình trạng TNGT diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay thì việc làm nhẹ đi trách nhiệm pháp lý mà người gây tai nạn phải gánh chịu là điều bất cập, không đủ sức thuyết phục và tính răn đe”, vị luật sư này bày tỏ. Còn rất nhiều vụ việc tương tự, mặc dù vụ TNGT đó đã gây ra tổn thất lớn về sức khỏe, tài sản, tinh thần,... nhưng cơ quan chức năng lại không khởi tố hình sự do không có người tử vong hay tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 61%... Đó là một trong những bất cập, hạn chế, những “kẽ hở” trong hệ thống luật pháp hiện hành.

(Còn nữa)

CẨM MỊCH - THU HUYỀN
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 87

Tin nổi bật