Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xe cầm đồ bị cửa hàng tự ý thanh lý phải làm sao

  • Hoàng Yên (T/h)
(DS&PL) -

Một trong những rủi ro mà người cầm đồ có thể gặp phải là việc cửa hàng tự ý thanh lý tài sản cầm đồ. Vậy nếu xe cầm đồ bị cửa hành tự ý thanh ý phải làm sao?

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015, cầm cố tài sản được định nghĩa như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

Đặc biệt, khoản 2 Điều 313 của Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định rằng bên nhận cầm cố không được phép bán, trao đổi, tặng cho hay sử dụng tài sản cầm cố nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, bên nhận cầm cố đều bị cấm bán tài sản cầm cố. Theo khoản 2 Điều 314 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Các biện pháp xử lý tài sản cầm cố có thể bao gồm bán, cho thuê hoặc cho mượn.

Dù vậy, bất kỳ biện pháp xử lý nào cũng cần phải có sự cho phép từ bên cầm cố hoặc phải tuân thủ quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Điều 300 và Điều 303 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bên nhận cầm cố có quyền tự bán tài sản cầm cố nếu giữa các bên đã có thỏa thuận cụ thể về phương thức xử lý tài sản khi đến hạn mà bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Việc tiệm cầm đồ không thông báo trước cho người cầm cố xe về việc sẽ tự bán chiếc xe đang cầm và cũng không có thỏa thuận về giá chiếc xe là vi phạm quy định pháp luật. Ảnh minh họa

Trước khi tiến hành xử lý tài sản, bên nhận cầm cố phải thông báo bằng văn bản cho bên cầm cố trong một khoảng thời gian hợp lý, dựa trên thỏa thuận về giá trị tài sản hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản.

Việc thanh toán số tiền thu được từ xử lý tài sản phải tuân theo quy định tại Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2015. Số tiền này, sau khi đã trừ đi các chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản, sẽ được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của bộ luật này. Trong trường hợp số tiền thu được lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, số tiền chênh lệch sẽ được trả lại cho bên bảo đảm.

Do đó, nếu tiệm cầm đồ không thông báo trước cho người cầm xe về việc tự bán chiếc xe đang cầm và cũng không có thỏa thuận về giá chiếc xe, thì hành động này vi phạm quy định pháp luật.

Chủ xe có quyền yêu cầu tiệm cầm đồ trả lại tài sản và thanh toán các khoản tiền vay, lãi suất, cũng như chi phí bảo quản xe. Nếu tiệm cầm đồ từ chối thực hiện, chủ xe có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Xe cầm đồ bị cửa hàng tự ý thanh lý là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng bạn hoàn toàn có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách hiểu rõ hợp đồng, ghi nhận bằng chứng, liên hệ với cơ quan chức năng và tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý khi cần thiết. Việc cẩn thận và chủ động trong các tình huống như vậy không chỉ giúp bạn bảo vệ tài sản của mình mà còn giúp bạn tránh được những rủi ro trong tương lai.

Tin nổi bật