Bạo lực học đường rất đáng lo ngại
Thời gian gần đây, theo phản ánh của báo chí, một số vụ bạo lực học đường tiếp tục thu hút sự quan tâm, bức xúc của dư luận như: Vụ nữ sinh lớp 9 (ở Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị 5 bạn cùng trường đánh nhiều lần, quay clip, chia sẻ trên mạng xã hội; vụ nam sinh ở Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) bị nhóm bạn hành hung đến mức sang chấn tâm lý, phải nhập viện; hay sự việc một nam sinh trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, Tp.HCM) nghi ngờ bạn nhặt tiền mình đánh rơi nên đã đánh tới tấp vào người bạn học…
Đáng lo ngại hơn, những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường sẽ phải hứng chịu những tổn thương tâm lý lâu dài, có em đã phải nhập viện điều trị sức khoẻ tâm thần.
Một số vụ bạo lực học đường thời gian gần đây nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ngày 30/10 bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã trao đổi với báo chí xoay quanh thực trạng này.
Theo ông Vinh, từ trước đến nay, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra nhưng gần đây, một số vụ việc mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại.
“Không chỉ động chân động tay, các em còn xúc phạm nhân phẩm của nhau. Nhiều học sinh chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại”.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Vinh cho hay có nhiều nhưng một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội.
“Hiện nay, sự tiếp cận thông tin trên mạng xã hội của học sinh dễ dàng hơn trước rất nhiều nên các em được tiếp cận sớm với thông tin, hình ảnh trong đó có những thông tin không lành mạnh”, ông Vinh nói.
Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật
Để giải quyết vấn nạn này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng cần phải xây dựng văn hóa học đường. Ngoài thời gian ở nhà, nhận sự giáo dục của gia đình, phần lớn trẻ nhận sự giáo dục của nhà trường, nên việc hình thành văn hóa học đường là giải pháp quan trọng.
“Tuy nhiên, việc này cần làm lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều mà có thể nhìn thấy kết quả ngay. Thầy cô, bố mẹ cần làm gương cho trẻ”, ông Vinh phân tích và cho rằng việc xây nền rất quan trọng, phải đưa vào từng tiết học, môn học, từ gia đình.
Đồng thời, ông Vinh cũng chia sẻ hoàn cảnh gia đình mỗi trẻ khác nhau. Do đó, cần rất chú trọng giáo dục gia đình. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, nhiều khi giáo dục trong gia đình chưa đủ thì vai trò của giáo dục trong nhà trường rất quan trọng.
“Điều này giúp các em hình thành mối quan hệ xã hội giữa người với người biết thương yêu, tôn trọng nhau thì bạo lực sẽ giảm đi”, ông Vinh nói.
Và cho rằng, giáo viên phải thật sự gương mẫu, mối quan hệ thầy với thầy, trò với trò phải dựa trên tinh thần yêu thương.
Ông Vinh nêu dẫn chứng: “Ngay cả mối quan hệ giữa học sinh với người bảo vệ cũng phải giáo dục để học sinh khi gặp thì lễ phép chào hỏi. Những việc nhỏ như vậy được cải thiện, mọi việc sẽ tốt hơn”.
Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng “sức đề kháng” cho các em, có định hướng về cách tiếp cận thông tin giúp các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu. Từ chủ trương thành hành động đòi hỏi rất kiên trì bởi thay đổi nhận thức và hành vi con người là việc cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10.
Về tính nêu gương của người lớn, theo ông Vinh gia đình có vai trò quan trọng với trẻ. Bởi, người lớn đã có nhận thức đầy đủ và trẻ thường học, làm theo người lớn. Khi có mặt con trẻ, chúng ta phải hành xử mẫu mực, kiềm chế, đừng để các em tiếp xúc với những hành vi tiêu cực của người lớn.
Cũng có ý kiến cho rằng khi còn nhỏ, các em có ý thức cao nhưng lớn hơn sẽ giảm dần độ tự giác, ông Vinh nhấn mạnh ngoài yếu tố giáo dục, cần quản lý xã hội nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, “có xây, có chống” giúp hành vi nhận thức tốt hơn.
Việc nhiều gia đình lấy lý do công việc bận rộn không có thời gian cho con trẻ, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh khẳng định “không phải là bận hay không bận” mà do ý thức của từng người, từng lúc, từng nơi, từng chỗ, chứ không phải đến giờ mới giảng dạy cho con trẻ.
“Chương trình học kỳ quân đội chỉ 3 tuần nhưng học sinh sau tham gia có những biểu hiện rất tốt như ngủ dậy tự gấp chăn màn, bày tỏ sự yêu thương với bố mẹ. Trong khi trường học là nơi các em được giáo dục 12 năm", ông Vinh chia sẻ và cho rằng môi trường giáo dục phải làm sao để các em bước vào cảm thấy là nơi tốt đẹp, tác động tích cực đến các em.
Đồng thời, ông cũng đánh giá về nội hàm của môn học đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ. Văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục, văn hóa cao sẽ ảnh hưởng rất tốt đến học sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục tin khi học sinh được đưa vào một môi trường giáo dục như vậy sẽ trở thành những con người chuẩn mực.
Theo Người Đưa Tin
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/xay-dung-suc-de-khang-cho-hoc-sinh-de-tranh-bao-luc-hoc-duong-a633481.html