Ngày 16/11 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đưa ra cảnh báo rằng một số nền kinh tế lớn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái khi cuộc xung đột ở Ukraine, chi phí lương thực, chi phí nhiên liệu và lạm phát tăng cao đã làm lu mờ triển vọng trên toàn cầu, Reuters đưa tin.
"Điều đó có thể không xảy ra ở mọi nơi nhưng một số quốc gia quan trọng có nguy cơ rơi vào suy thoái", bà Okonjo-Iweala chia sẻ với Reuters, bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia).
Người đứng đầu WTO thông tin thêm, nguy cơ này có tác động khá đáng kể đối với các thị trường mới nổi và những nước nghèo, vốn cần nhu cầu bên ngoài từ các nước phát triển để phục hồi.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đến dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Bali, Indonesia, ngày 15/11. Ảnh: Reuters.
Hồi tháng 10, WTO dự báo thương mại toàn cầu chỉ tăng 1,0% vào năm 2023, giảm mạnh so với mức tăng ước tính 3,5% trong năm nay.
Bà Okonjo-Iweala lưu ý kinh tế toàn cầu còn rất nhiều yếu tố không chắc chắn và hầu hết các rủi ro đều ở phía bất lợi, chẳng hạn như hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine và những “cơn gió ngược” từ lạm phát.
Ngày đàm phán thứ hai của các nhà lãnh đạo G20 hôm 16/11 đã bị gián đoạn bởi một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các báo cáo về một tên lửa đã hạ cánh xuống lãnh thổ Ba Lan.
Bà Okonjo-Iweala cho biết bà đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 loại bỏ dần các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực, vốn đang gia tăng và gây tổn hại cho các nước nghèo bằng cách đẩy giá lương thực lên cao.
Trong số ít những điểm sáng mà tổng giám đốc WTO lưu ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 để hàn gắn các mối quan hệ song phương căng thẳng vốn là một trong những bất ổn ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi toàn cầu.
Bà Okonjo-Iweala cho biết bà "rất hy vọng" sẽ có một bước đột phá nào đó trong việc cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vốn đã bị tê liệt kể từ năm 2019 khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán cho một cơ quan phúc thẩm phân xử về các vấn đề tranh chấp thương mại trên toàn cầu
Trong một cuộc họp vào tháng 9, các bộ trưởng thương mại của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý hướng tới việc có một hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO hoạt động hiệu quả vào năm 2024.
Bích Thảo (Theo Reuters)